Do điều kiện đất nước còn nghèo, không đủ để đầu tư cho tất cả mọi người nên cần phải đầu tư vào những chỗ có thể phát huy được, có thể làm mũi nhọn được.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị sơ kết Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2016.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị sáng 29/9. Ảnh: Thanh Hùng.

Ông Hiển cho biết, hiện tại chúng ta chưa đầu tư được nhiều cho hệ thống trường chuyên, do đó, sắp tới phải đầu tư nhiều hơn và sáng tạo hơn.

Theo ông Hiển, hiện tại trong xã hội có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ đầu tư vào một số trường thì chưa hiệu quả và không phù hợp với chủ trương chung.

"Tuy nhiên, nước ta đang còn nghèo, điều kiện đầu tư chung cho tất cả mọi người không có nên cần đầu tư cho những chỗ có thể phát huy được, làm mũi nhọn được"- ông Hiển nói.

"Một đất nước không thể nào tất cả mọi người bằng nhau, tất cả các địa phương bằng nhau. Muốn phát triển phải có những đầu tầu về khoa học, công nghệ, nghệ thuật,… và phải có những địa phương giỏi hơn, tiến bộ hơn, điều kiện thuận lợi hơn đi trước".

Từ đó, theo ông Hiển, cần phải đầu tư theo chiều sâu kết hợp với đầu tư theo mặt bằng để đảm bảo được mục đích trên.

Ông Hiển cũng cho rằng, các Sở GD địa phương cần phải suy nghĩ về việc đầu tư thích đáng cho hệ thống trường chuyên. "Cũng chừng ấy tiền nhưng đầu tư dàn trải thì kém hơn, nếu đầu tư có trọng điểm, cân đối vừa phải thì tốt hơn".

Không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, con người, ông Hiển còn cho rằng, cần phải đầu tư cả trong vấn đề quản lý để các trường chuyên có thể phát triển tốt.

"Nếu quản lý trường chuyên giống các trường khác thì các trường chuyên không làm ăn được. Nhưng nếu để trường chuyên tự mày mò xoay sở thì cũng không làm được".

Trường chuyên không phải nơi chọn gà nòi

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trường chuyên phải thực hiện giáo dục toàn diện trên cơ sở đó bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh chứ không phải nơi chọn "gà nòi".

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, khái niệm giáo dục chưa được hiểu một cách chính xác. Theo đó, giáo dục toàn diện là đảm bảo phát triển hài hòa tất cả các mặt của con người mà ở đây là Đức - Trí - Thể - Mỹ.

Tuy nhiên, trên cơ sở đó để phát triển tiềm năng riêng của từng người. "Điều này phù hợp với mục tiêu giáo dục chung của Việt Nam và hệ thống trường chuyên thì thể hiện rõ hơn mặt thứ 2 này".

Từ đó, ông Hiển cho rằng, không nên nói rằng trường chuyên sẽ học lệch. Bởi lẽ, lệch là trên cơ sở mặt bằng chung đã được giáo dục toàn diện chứ không phải nghiêng hẳn về bên này hay bên kia.

"Chúng ta bồi dưỡng tiềm năng của các em học sinh dựa trên mặt bằng có sẵn".

Muốn đạt được mục tiêu đó, theo ông Hiển, một trong những yếu tố quan trọng là phải có giáo viên giỏi. Tuy nhiên, giáo viên giỏi ở trường chuyên là phải làm sao cho học sinh giỏi hơn mình chứ không phải là biết nhiều hơn học sinh.

"Để làm được điều này cần phải có sự suy nghĩ, sáng tạo thường xuyên và quan trọng nhất là cầu thị" - ông Hiển nói.

Năng lực ngoại ngữ trong các trường chuyên còn hạn chế

Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2010-2015, cho tới thời điểm hiện tại, cả nước có 86 trường chuyên và khối chuyên, tất cả các tỉnh thành đều có trường chuyên.

Số lượng học sinh chuyên trong cả nước tăng từ 56.654 (2010-2011) lên 69.554 (2015-2016) chiếm 2% tổng số học sinh.

Hiện tại, vẫn còn 28/75 trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 37,3%.

Về nội dung nâng cao trình độ ngoại ngữ và thí điểm dạy học một số môn khoa học bằng tiếng Anh trong các trường chuyên, báo cáo cho rằng, việc giảng dạy ngoại ngữ nói chung và dạy tiếng Anh trong các trường chuyên hiện nay đã có nhiều biến chuyển tích cực.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những điểm được coi là hạn chế trong việc triển khai đề án trong 5 năm vừa qua.

Theo đó, báo cáo khẳng định, năng lực ngoại ngữ nhất là tiếng Anh của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trường chuyên còn hạn chế. Việc triển khai thí điểm dạy môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh chưa được mở rộng.

Theo mục tiêu Đề án thì đến năm 2015, các trường chuyên phải có 20% cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy và giao tiếp, 30% học sinh tốt nghiệp đạt bậc 3 (B1) về ngoại ngữ.

Tuy nhiên, trong báo cáo được trình bày sáng nay, không thấy số liệu nào về mục tiêu này.


Lê Văn - Thanh Hùng