- Các giáo viên, giảng viên cho rằng đề văn năm nay không quá khó đối với thí sinh, tuy nhiên không mới.

Ông Trần Hinh, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội: "Đề không bị ''ép" chạy theo vấn đề thời sự"

Cá nhân tôi cho rằng, đề thi năm nay (có lẽ nhờ rút được kinh nghiệm năm ngoái), hay hơn, gọn hơn, tốt hơn. Tất nhiên, tôi chưa có điều kiện xem đáp án chính thức của Ban đề, nhưng với những câu hỏi về các nội dung cụ thể như đề, thì tôi cho rằng hướng ra đề của Bộ GD-ĐT như thế là ổn.

Còn tại sao nó lại hay hơn đề năm ngoái, thì có thể trả lời thẳng rằng, đoạn thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ chọn cho phần Đọc hiểu hay hơn. Năm ngoái chọn một bài thơ về biển đảo của Trần Đăng Khoa, thì tôi thấy có vẻ ban đề bị "ép" chạy theo vấn đề thời sự.

Đoạn Đọc hiểu thứ hai trích của Ghéc Xen, tôi nghĩ cũng có chất lượng hơn. Nó giúp kiểm tra được khát vọng vươn ra bên ngoài của tầng lớp trẻ. Tôi thấy cả hai đoạn đọc hiểu đều tốt.

{keywords}
Thí sinh sau giờ làm bài thi môn Ngữ văn sáng 2/7 tại điểm thi Trường ĐH Thủy lợi. Ảnh: Lê Anh Dũng

 Câu hỏi nghị luận xã hội cũng thế, nó vừa kiểm tra được khả năng viết văn của học sinh, và cũng vừa mở rộng được tầm nhìn cho học sinh mà vốn dĩ phần nhiều thời gian 12 năm học là bị khép kín trong 4 bức tường lớp học. Câu cuối cùng nghị luận văn học (4 điểm) cũng vừa tầm với học sinh. Đó là câu hỏi đủ khả năng kiểm tra được phẩm chất học văn của thí sinh.

Về tính mới mẻ của đề thi, tôi nghĩ rằng nó cũng giống như năm ngoái thôi. Bởi lẽ hướng ra đề thi của Bộ bắt đầu từ năm ngoái là như vậy. Năm đầu tiên, Bộ đã cung cấp cho thí sinh một mẫu đề thi rồi. Năm nay, họ vẫn làm theo công thức như vậy. Và tôi nghĩ, như vậy là đúng. Mình cũng không nên thay đổi nhiều quá, dễ gây hoang mang với thí sinh.

Vấn đề quan trọng là làm sao hay và tránh được cách học theo "lò" bấy lâu nay, như thế là tốt rồi. Một đề thi tốt, thì dù có ít "chất văn" hơn một chút ta vẫn có thể chọn được đúng học sinh có khả năng vào ĐH.

Với một đề thi như vây, theo suy nghĩ cá nhân, tôi nghĩ hoàn toàn có thể chọn được đúng học sinh có chất lượng vào đại học được. Tôi xin khẳng định, đề thi nhìn qua cứ tưởng dễ, nhưng đâu có dễ. Chẳng hạn, đoạn đọc hiểu bài Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, nếu học sinh nào kém họ cũng không thể trả lời đúng được. Đoạn văn xuôi của Ghéc Xen, cũng thế, học sinh phải có đủ trình độ và kĩ năng khám phá văn bản, họ mới hiểu tác giả muốn nói gì trong đoạn văn ngắn ngủi đó.

Câu nghị luận xã hội là thử thách sự hiểu biết thực tế cuộc sống của học sinh. Đặc biệt  câu nghị luận văn học, dù chỉ 4 điểm, nhưng câu hỏi dã tập trung hỏi vấn đề tình huống của một truyện ngắn. Học sinh nếu chỉ học thuộc lòng, họ sẽ khó làm đúng yêu cầu của đề.

Vậy là chỉ còn vấn đề chấm của giám khảo nữa thôi. Tôi vẫn cứ luôn ám ảnh rằng, ở nước ta, với tình trạng chấm thi đại trà, chạy theo thời gian, bản thân giám khảo có thầy cô cũng chưa chắc đã đủ chuyên môn, rồi lại còn tiêu cực này nọ nữa, thì điểm cuối cùng là kết quả xét tuyển cũng không chắc đã khách quan được.

Vì vậy, tôi xin khuyến nghị Bộ hãy sâu sát hơn nữa khâu cuối cùng này để đảm bảo chọn được những thí sinh chính xác, xứng đáng. Một đề thi hay mà chấm dở thì cũng chẳng có giá trị gì mấy.

ThS Hồ Hoài Khanh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nhân Việt (TP.HCM: "Đề thi có cấu trúc giống với năm 2015"

Đề thi vẫn có 3 câu hỏi hướng đến phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Trong đó, đề đọc hiểu học sinh sẽ làm bài tương đối dễ dàng vì đã được định hướng và ôn tập trước đó. Ngữ liệu đọc hiểu rất hay và không quá đánh đố, dự đoán học sinh sẽ làm rất tốt phần này. 

{keywords}
Ảnh: Lê Văn

 Ở phần nghị luận xã hội hướng đến nghị luận 1 tư tưởng đạo lí tuy hơi khó viết nhưng sẽ kích thích được sự sáng tạo của học sinh và có khả năng phân hóa tương đối.

Đề thi phân hóa rõ nhất ở câu nghị luận văn học, đề cho một nhận định về tình huống truyện “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân và học sinh phải bình luận để làm rõ. Nghĩa là đề có hướng đi sâu vào học thuật môn Ngữ văn. 

Với đề thi này, học sinh không có những đơn vị kiến thức về khái niệm “tình huống  truyện”, về hệ thống tất cả các nhân vật mà còn phải vận dụng thật tốt những kĩ năng làm văn thì mới có thể đạt điểm tối ưu được. Với đề này là không thể nào học tủ. Đề thi như thế này có thể hơi quá sức với học sinh khối Tự nhiên nhưng lại rất “đúng chất” với môn văn của học sinh khối Xã hội.

Nguyễn Thế Hưng, á khoa đầu vào và á khoa đầu ra năm 2016 Khoa Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): "Tác phẩm đưa vào đề không mới"

Đề thi năm nay về cơ bản mang chiều hướng tích cực, đây là đề thi hay.

Việc lựa chọn tác phẩm đưa vào đề thi năm nay không mới lắm. Câu đọc hiểu văn bản hơi khó, những học sinh khá trở lên mới làm tốt. Đọc hiểu văn bản nghệ thuật dễ.

Trong câu hỏi nghị luận có cách sử dụng từ ngữ mới, các hỏi thông minh. Những học sinh không tinh tế sẽ dễ nhầm lẫn sang các tính từ dũng cảm hay can đảm, trong khi dũng khí lại mang ý nghĩa khác hơn, phải tinh tế mới phân biệt được.

{keywords}
Nguyễn Thế Hưng

 Tuy nhiên, câu nghị luận xã hội đi theo lối mòn, so sánh giữa hai vấn đề, cách hỏi chưa sáng tạo. Câu nghị luận văn học lại trở lại với cách hỏi của năm 2013, 2014, vẫn đơn thuần là phân tích một chi tiết, tình huống. Các hỏi như vậy đi ngược lại với năm 2015, quay trở lại mô tip cũ.

Thầy Nguyễn Văn Cải, phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (TP.HCM): "Phần nghị luận xã hội rất sâu sắc"

Cấu trúc đề thi năm nay không mới so với kì thi THPT quốc gia năm 2015 nhưng khắc phục được hạn chế quá chú trọng tính thời sự mà chưa sâu chất văn học.

Đề thi vừa sức với học sinh, nội dung chủ yếu nằm trong trọng tâm chương trình lớp 12, có phần kĩ năng lớp 10, 11. Các câu hỏi rõ ràng, không đánh đố thí sinh. Phần đọc hiểu bao quát cả phần tiếng Việt và làm văn nhưng khá nhẹ nhàng nên thí sinh có thể dễ dàng có điểm ở các câu kiểm tra kiến thức.

Phần nghị luận xã hội tuy không nêu những vấn đề quá nóng (như dự đoán của nhiều người: cá chết ven biển miền Trung, tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, biển Đông, quân nhân hi sinh trên biển khi làm nhiệm vụ,...) nhưng rất sâu sắc và sát sườn với đời sống xã hội, với mỗi con người đó là mỗi quan hệ về cái riêng và cái chung; thái độ ứng xử có dũng khí hay hèn nhát...mang tính khơi gợi suy nghĩ của học sinh và có tác dụng giáo dục tốt trong định hướng nhân cách những người chủ tương lai đất nước.

Tính sâu sắc của đề thi năm nay giải quyết được câu chuyện này, bởi "văn học là nhân học".

Ngoài ra, phần nghị luận văn học hỏi về tình huống truyện "Vợ nhặt" khá quen thuộc với học sinh lớp 12 nhưng cách đặt vấn đề mới, thú vị, đòi hỏi thí sinh phải động não và khái quát vấn đề mới có thể viết hay được.

ThS. Hồ Tấn Nguyên Minh, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên: "Đề thi có tính phân hóa cao"

Sự phân hóa của đề thi trong phần đọc hiểu cũng được thể hiện khá rõ.

Câu 1,2,5,6 dừng lại ở mức độ nhận biết với những kiến thức cơ bản như: biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt… học sinh trung bình có thể làm được;

Câu 3,7 nâng lên ở mức độ cao hơn là thông hiểu khi yêu cầu thí sinh nêu nội dung hay lí giải ý nghĩa của văn bản; còn câu 4,8 yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ, quan điểm là ở mức độ vận dụng.

{keywords}
Ảnh: Lê Văn

Câu Nghị luận xã hội trong đề thi năm nay yêu cầu thí sinh bàn luận về câu nói “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất chính mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”. Để làm tốt câu hỏi này, đòi hỏi học sinh phải nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận xã hội đồng thời phải có một vốn sống phong phú.

Câu nghị luận văn học trong đề thi năm nay ra ở dạng nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, yêu cầu thí sinh phân tích tình huống truyện của truyện ngắn “Vợ nhặt” để bình luận ý kiến “Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người”. Để làm được câu này, học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác phẩm mà còn phải biết giải thích để hiểu ý kiến, hiểu thế nào là “tình huống bất thường” và “khát vọng bình thường”, đồng thời phải có khả năng lập ý tốt thì mới có thể vận dụng được tác phẩm để bình luận ý kiến . Câu hỏi này phù hợp với trình độ học sinh khá giỏi, có tác dụng phân luồng tốt.

Đây là một đề thi hay, giàu ý nghĩa, có tính phân hóa cao. Có thể thấy đây là một bước tiến rõ rệt so với đề thi năm trước. Tuy nghiên, với trình độ của một học sinh trung bình, chỉ lấy điểm để xét tốt nghiệp thì sẽ khá vất vả khi làm đề thi này. 

Ngân Anh - Lê Huyền - N.Hiền (ghi)