- Cử nhân điều dưỡng là ngành duy nhất được chọn đào tạo theo chương trình tiên tiến của Bộ GD-ĐT trong lĩnh vực y tế. Những sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp đã sang làm việc tại Đức với mức lương 2.300 euro/tháng.

{keywords}
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội. 

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, nơi đào tạo cử nhân điều dưỡng chương trình tiên tiến, cho biết, hiện đã có 20 sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp đăng ký sang làm việc tại Đức.

Hiện 20 cử nhân này đều đã có chứng chỉ quốc gia hành nghề điều dưỡng của Cộng hòa LB Đức, có giá trị trên toàn liên minh châu Âu. Mức lương khởi điểm là 2.300 euro, chưa tính phụ cấp nếu làm thêm giờ.

Ông Tú khẳng định, 20 cử nhân điều dưỡng của chương trình tiên tiến này đều đang làm việc tại các bệnh viên lớn của Đức với quy mô giường bệnh từ 500-1.000 giường. Bên cạnh đó, điều dưỡng đa khoa làm việc tại các bệnh viện cũng khác với những điều dưỡng chăm sóc người già trong các viện dưỡng lão hay bệnh viện của Đức.

- Xin ông cho biết, các cử nhân điều dưỡng thuộc chương trình tiên tiến đã "xuất khẩu" sang Đức đã trải qua quá trình đào tạo như thế nào?

- Hệ cử nhân điều dưỡng theo chương trình tiên tiến là chương trình tiên tiến duy nhất của ngành y tế do Trường ĐH Y Hà Nội đào tạo. Cho tới hiện tại, đã có 3 khóa tốt nghiệp, mỗi khóa khoảng 30 - 40 sinh viên.

Khóa đầu tiên có 20 sinh viên đăng ký đi Cộng hòa LB Đức làm việc. Các sinh viên này phải học 1 năm tiếng Đức và phải có chứng chỉ B2, đủ tiêu chuẩn ngoại ngữ để sang Đức thực tập. Sau khi sang Đức, các em sẽ trải qua 6 tháng thực tập trước khi thi chứng chỉ hành nghề điều dưỡng của Đức. Với chứng chỉ này, các em có quyền làm việc ở Đức cũng như Liên minh châu Âu.

Hiện tại, 20 em khóa 1 sang Đức đều đã có được chứng chỉ này và đang làm việc tại các bệnh viện của Đức với mức lương khởi điểm là 2.300 euro/tháng. Nếu các em làm thêm giờ hoặc làm các ngày nghỉ thì mức lương khoảng trên 2.500 euro/tháng.

- Việc đưa các cử nhân điều dưỡng thuộc chương trình tiên tiến của Trường ĐH Y Hà Nội sang Đức làm việc là thông qua Bộ Lao đông Thương binh Xã hội hay một đối tác nào khác thưa ông?

- Đối tác của Đức thông qua một tổ chức đào tạo xuất khẩu lao động của Việt Nam và làm việc trực tiếp với Trường ĐH Y Hà Nội chứ không phải qua con đường của Bộ Lao động Thương binh Xã hội. Tôi được biết việc tuyển chọn điều dưỡng viên tại Việt Nam là một đề án thí điểm của Cộng hòa LB Đức. Tổ chức đào tạo xuất khẩu lao động này đứng ra nhận làm đề án thí điểm cho đối tác Đức.

- Liệu chương trình này có khác gì với các chương trình đưa thanh niên tốt nghiệp THPT sang đào tạo 2-3 năm về điều dưỡng rồi làm việc tại Đức không, thưa ông?

- Ngạch điều dưỡng theo các chương trình này theo tôi biết chủ yếu là điều dưỡng chăm sóc người già, làm công việc hộ lý trong các viện dưỡng lão chứ không phải là điều dưỡng làm việc trong các bệnh viện.

Các sinh viên của chúng tôi sau khi có chứng chỉ hành nghề thì đều làm việc ở những bệnh viện lớn, quy mô từ 500-1.000 giường. Mức lương khởi điểm, chế độ đãi ngộ của các điều dưỡng làm việc trong bệnh viện sẽ cao hơn.

Thực tế, làm công việc điều dưỡng tại các bệnh viện của châu Âu thì ngay cả người châu Âu thi vào cũng rất khó. Hiện nay, điều dưỡng của chúng ta đưa đi các nước như Nhật Bản, Canada chủ yếu là làm công việc của hộ lý, chăm sóc người già tại các viện dưỡng lão chứ không phải làm việc tại các bệnh viện.

{keywords}
Ông Tú cho biết, điều dưỡng làm việc trong các bệnh viện có yêu cầu về trình độ, năng lực khác với điều dưỡng làm trong các viện dưỡng lão. Ảnh minh họa.

- Các cử nhân điều dưỡng đào tạo theo chương trình tiên tiến nhập khẩu từ nước ngoài, học hoàn toàn bằng tiếng Anh rồi đưa sang Đức làm việc có phải là lãng phí không, thưa ông?

- Hiện tại, xuất khẩu lao động đang là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Xuất khẩu lao động mang lại lợi ích chứ không phải là mất lao động. Bên cạnh đó, với ngành y để có cơ hội ở lại làm việc ở nước ngoài là vô cùng khó khăn.

Với các em cử nhân ngành điều dưỡng này được vào làm việc trong hệ thống tiên tiến của Đức. Sau 3-5 năm các em có thể quay về thì sẽ trở thành nguồn lực vô cùng quý giá cho ngành điều dưỡng ở việt Nam. Với những trải nghiệm của họ có thể thay đổi hệ thống điều dưỡng của Việt Nam theo hình thức mới. Tìm được những người như vậy bây giờ rất khó.

- Hiện tại Đức đang rất thiếu điều dưỡng viên, do đó họ sẵn sàng trả tiền cho các công ty đào tạo xuất khẩu lao động để đưa người sang Đức, bỏ tiền đào tạo thậm chí là cấp cả học bổng. Liệu có cơ hội nào để đối tác Đức chi trả kinh phí đào tạo cho các chương trình cử nhân điều dưỡng của trường hay không, thưa ông?

- Thực ra nếu ngay từ đầu đặt ra vấn đề trả phí đào tạo thì cũng có thể. Tuy nhiên, điều này phải tìm hiểu kỹ về chính sách của họ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu, tôi nghĩ chúng ta cần đầu tư để khẳng định thương hiệu sản phẩm của mình trước.

Nhiều năm qua chúng tôi đi tìm đối tác để xuất khẩu điều dưỡng nhưng không thành công. Để đi sang các nước như Nhật hay Canada, các em đều phải trả hàng ngàn USD tiền đào tạo, rồi chi phí đi lại, ăn ở. Trong khi đó, sang Đức thì các em được hỗ trợ rất nhiều.

Vì vậy, tôi cho rằng, đây là cơ hội vàng cho ngành điều dưỡng Việt Nam. Nếu như chương trình thí điểm này được nâng cấp thành một chương trình quốc gia giữa 2 bên thì sẽ rất tốt.

Xin cảm ơn ông!

Lê Văn (thực hiện)