- Nhiều người khá bất ngờ khi đọc đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11 lấy tư liệu là bài hát “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP và yêu cầu phân tích.

{keywords}

Cụ thể, phần đọc hiểu (3 điểm) nêu trích đoạn:

"Người theo hương hoa mây mù giăng lối

Làn sương khói phôi phai đưa bước ai xa rồi

Đơn côi mình ta vấn vương hồi ức trong men say chiều mưa buồn

Ngăn giọt lệ ngừng khiến khóe mi sầu bi

Đường xưa nơi cố nhân từ giã biệt li, cánh hoa rụng rơi

Phận duyên mong manh rẽ lối trong mơ ngày tương phùng.

Tiếng khóc cuốn theo làn gió bay

Thuyền ai qua sông lỡ quên vớt ánh trăng tàn nơi này

Trống vắng bóng ai dần hao gầy.

Lòng ta xin nguyện khắc ghi trong tim tình nồng mê say

Mặc cho tóc mây vương lên đôi môi cay

Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời

Ta lạc trôi giữa trời"

Từ đó, đề thi đưa ra những câu hỏi yêu cầu như xác định phương thức biểu đạt, chỉ ra các từ Hán Việt được sử dụng trong đoạn trích.

Đề bài còn khiến nhiều học sinh ngỡ ngàng với câu hỏi số 3: “Theo anh chị, vì sao tác giả lại cho rằng “Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời / Ta lạc trôi giữa trời”.

Ở câu số 4, đề thi yêu cầu học sinh phải tìm ra thông điệp của đoạn trích này muốn gửi đến mọi người là gì.

Cũng từ đoạn trích trên, ở phần làm văn, đề thi yêu cầu học sinh viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của bản thân về quan niệm: “Hạnh phúc không bao giờ có sẵn. Hạnh phúc do chính con người tạo nên”.

Sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, đề thi này đã nhanh chóng được chia sẻ và bàn tán sôi nổi với rất nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều học sinh cho rằng đề văn tương đối khó bởi lời bài hát tương đối khó hiểu, cấu trúc các câu cũng không liên kết chặt chẽ như những bài thơ, văn được học trong sách giáo khoa.

Nhiều người đánh giá đề thi mới chỉ đạt được tính thời sự, bắt kịp xu hướng giới trẻ, song tính hiệu quả, giáo dục thì cần phải xem xét.

Bạn Vũ Khắc Tình nói: “Học sinh đọc xong chắc vừa cười vừa khóc. Cười vì đề rất teen nhưng khóc vì khó quá không biết làm cái gì”.

Bạn Trương Thị Ngọc Giàu gay gắt hơn: “Càng ngày càng thấy mấy đề văn đang dần đánh mất chất văn mà chạy theo trào lưu. Mình nghĩ cái gì cũng phải có giới han”.

Một thành viên khác chia sẻ: “Mình không phải học ban xã hội nhưng đọc những đề văn kiểu này lần 1, lần 2 còn thấy lạ, độc đáo, nhưng nhiều lần rồi lại thấy hơi nhảm, theo trào lưu thái quá. Thiếu gì những điều đẹp đẽ của văn học để mà phân tích nhỉ”.

Tuy nhiên, cũng có một số người chia sẻ ấn tượng và cảm thấy đề thi thú vị. Bạn Trọng Thái bình luận: “Mình nghĩ Ngữ văn từ trước đến giờ luôn bị bó hẹp và giới hạn bởi những tác phẩm và kiến thức từ rất lâu, năm nào học đi học lại cũng chỉ có những tác phẩm như vậy. Đề văn như thế này mới mẻ, thu hút học sinh. Theo mình những đề văn như thế này sẽ khiến các bạn học sinh quay lại với văn học nhiều hơn, chứ không phải xu hướng chạy theo những môn tự nhiên nhiều như bây giờ”.

Những bình luận về đề thi này vẫn đang rất sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Lệ Chung, Hiệu phó Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc xác nhận đây là đề thi khảo sát dành cho học sinh khối 11 của trường mới đây, song không phải đại trà cho học sinh toàn trường.

Theo bà Chung, tất cả các đề thi do các giáo viên trong bộ môn ra và đã được tổ trưởng bộ môn thẩm định và duyệt trước.

“Mục đích của trường khi ra đề này là để khảo sát chất lượng học sinh định kỳ hằng năm. Nhà trường đã giao cho tổ bộ môn Ngữ văn và căn cứ vào mục đích yêu cầu đối với bộ môn để ra đề này. Qua đó hướng đến khảo sát chất lượng chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng cho học sinh ở kỳ thi THPT quốc gia năm lớp 12 của các cháu”, bà Chung nói.

Cô giáo Thắng, trưởng bộ môn Ngữ văn trường này lý giải: “Đây là một dạng đề mở mục đích là kiểm tra khả năng đọc hiểu của học sinh. Chúng tôi muốn đưa một bài hát của ca sĩ Sơn Tùng mà giới trẻ rất thích để các em nhận ra rằng với những bài hát mình thích đến thế, các em có hiểu bài hát đó nói về điều gì. Vì thế, khi một giáo viên trong tổ đưa ra đề này thì được chúng tôi rất ủng hộ, bởi điều này cũng không vi phạm chương trình”.

Trước ý kiến của nhiều người cho rằng đề thi khó, cô giáo này cho hay với các học sinh chuyên nên trường yêu cầu cao hơn.

“Chúng tôi đòi hỏi học sinh có cái nhìn sâu hơn một chút. Ngoài ra, đề thi này trường cũng chỉ áp dụng cho các học sinh theo các ban xã hội truyền thống, không phải đại trà cho học sinh toàn trường. Các học sinh học theo ban tự nhiên sẽ không phải làm đề thi này”, cô Thắng nói.

  • Thanh Hùng