- Theo công bố của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức các bài thi, môn thi trong phương án thi THPT quốc gia các năm 2018, 2019 và 2020 sẽ giữ ổn định như năm 2017. Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên.

Hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo một số trường đại học đã có nhận xét về phương án thi THPT quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT: "Nên xem lại sự cần thiết của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp"

Với 6 môn thi quy định trong kỳ thi THPT (3 môn bắt buộc, 3 môn trong bài thi tổ hợp), Bộ GD-ĐT nên để học sinh được chọn cả 6 môn học này ngay từ khi vào lớp 10. Việc tự chọn môn học vừa giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, vừa thực hiện giảm tải cho học sinh, và các em có điều kiện để học sâu hơn, kỹ hơn. 

{keywords}
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017 (Ảnh: Lê Văn)

Về việc xét tốt nghiệp, với tỷ lệ tốt nghiệp ở các địa phương cũng như cả nước cao 98-99% như hiện nay, việc thi tốt nghiệp dường như trở nên ít giá trị. Nếu giữ quan điểm tốt nghiệp sẽ cho đại đa số học sinh thì cần xem việc cần thiết phải tổ chức kỳ thi này. 

Việc xét tốt nghiệp hiện nay dựa vào 50% điểm thi, 50% còn lại dựa vào học bạ - cho nên vai trò của kỳ thi cũng không quá lớn. Theo tôi chỉ cần tổ chức thi tốt nghiệp cho 30% số học sinh, còn lại 70% học sinh được đặc cách tốt nghiệp không phải thi. 

Việc cho đặc cách tốt nghiệp động lực cho học sinh tại các trường phổ sẽ phải cố gắng để lọt vào tốp 70%. Học sinh vẫn phải cố gắng học để lọt vào tốp 70%, cho nên không phải lo lắng về việc các em không chịu học. Cũng không phải lo lắng về việc thầy cô ưu ái cho em kém vào tốp 70% miễn thi, còn em học tốt thì phải thi - vì sức học từng em như thế nào thì các bạn trong lớp biết cả, sẽ là cơ chế giám sát hữu hiệu. Việc tổ chức thi tốt nghiệp chỉ cho 30% sẽ giảm đáng kể nguồn lực xã hội huy động cho kỳ thi. 

Đối với điểm ưu tiên là chính sách không chỉ dành cho đối tượng có công, đối tượng bị thiệt thòi, mà còn là chính sách của Nhà nước để phát triển vùng sâu, vùng xa nên không thể bỏ được. Nhưng các trường nên quy định phần nào tuyển sinh bình thường, phần nào dành cho đối tượng ưu tiên. 

Chẳng hạn dành 20% chỉ tiêu tuyển sinh cho các đối tượng ưu tiên, 80% chỉ tiêu còn lại tuyển sinh xét theo cách bình thường. Với quy định như vậy dù thí sinh có được 1 điểm hay 3 điểm ưu tiên các em cũng chỉ “cạnh tranh" điểm với các thí sinh được ưu tiên trong phạm vi 20% số chỉ tiêu. Em nào có ưu tiên cao hơn thì trúng tuyển. 

Những trường đại học khi tuyển theo chính sách ưu tiên là chấp nhận một số sinh viên có đầu vào thấp hơn, cần đặt ra trách nhiệm có hoạt động hỗ trợ tăng cường chất lượng cho các những sinh viên này.

Ông Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: "Rà soát và điều chỉnh mức điểm ưu tiên cho hợp lý"

Phương án thi THPT quốc gia 2018 vẫn giữ nguyên như năm 2017 là cần thiết vì thi cử cần có sự ổn định. Điều chúng tôi hoan nghênh là đề thi sẽ có trong chương trình lớp 11, như vậy học sinh sẽ có trình độ kiến thức nhất định. 

Học và thi là hai vấn đề có liên quan với nhau, vì vậy trong chương trình phổ thông mới nên định hướng cho học sinh cũng như thay đổi cách dạy học và thực hiện tự chọn ngay khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về phương án ưu tiên: Hiện nay có hai nhóm ưu tiên là đối tượng và khu vực, ưu tiên nào cũng đúng và cần thiết.

{keywords}

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017 (Ảnh: Lê Văn)

Đối với ưu tiên khu vực, hiện nay đang phân ra các khu vực 1, khu vực 2 - nông thôn, khu vực 2. Việc học sinh sống ở những khu vực này được ưu tiên là hoàn toàn chính đáng, vì trong điều kiện khó khăn các em đạt được kết quả như vậy cần đáng khích lệ. 

Nhưng trên thực tế, có những vùng thuộc khu vực 2 nông thôn, hay khu vực 1 nhưng kinh tế rất phát triển. Ví dụ, trong cùng một huyện nhưng có xã ở trung tâm, có xã ở miền núi, nếu thực hiện tính chung là không phù hợp. 

Vì vậy, cần có  tiêu chí rõ ràng và  rà soát lại từng khu vực tới từng địa bàn xã, phương, huyện. Mặt khác, điểm ưu tiên khu vực hiện nay cũng chênh nhau quá nhiều, nên giảm khoảng cách điểm giữa các khu vực từ 0,5 xuống 0,25 điểm.

Ưu tiên đối tượng cũng là điều chính xác. Nhưng mức điểm ưu tiên hiện nay có sự chênh lệch quá lớn. Ví dụ, là người dân tộc thì được cộng 1 điểm, người dân tộc sống trong khu vực 2 nông thôn sẽ được cộng thêm 1 điểm nữa. Việc chênh lệch 2 điểm hay 3 điểm trong tuyển sinh là một mức điểm khá lớn. Nên điều chỉnh lại mức điểm ưu tiên đối tượng từ 1 điểm xuống 0,5 điểm, như vậy sẽ công bằng hơn.

Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội: Phương án thi phù hợp lộ trình cải cách

Phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2018 phù hợp với lộ trình cải cách, đổi mới giáo dục phổ thông, đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội nói chung.

Phương án thi năm 2018 có 2 vấn đề rất đáng quan tâm. 

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Thứ hai là rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội. 

Với cách nhìn tổng thể, phương án thi năm 2018 đã đặt ra các vấn đề “nóng” cần giải quyết như: Tính ổn định của kỳ thi, rà soát, qui hoạch lại hệ thống các trường sư phạm, các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên. 

Mặt khác, phương án thi sẽ được giữ ổn định trong 3 năm là phù hợp. Việc thông báo phương án thi sớm ngay từ đầu năm học, sẽ tạo được tâm lý thoải mái cho các trường và các em học sinh. Các trường chủ động hơn trong việc dạy, học và bồi dưỡng học sinh, còn học sinh sẽ có kế hoạch học tập để chọn “điểm rơi” tốt nhất.

Lê Huyền ghi