"30% trường nghề sẽ phải tái cấu trúc"

BÀI 1: "30% trường nghề sẽ phải tái cấu trúc"

Các trường nghề chỉ tuyển sinh thành công nếu giải quyết tốt việc làm cho người học. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh tự chủ đồng thời giải thể, tái cấu trúc lại các trường nghề yếu kém để đầu tư có trọng điểm.

Phóng viên: Trong những năm qua tuyển sinh nghề nghiệp tương đối khó khăn, ông nhìn nhận đâu là nguyên nhân chính dẫn tới việc này?

Thứ trưởng Lê Quân: Trong giai đoạn 2013-2016, tuyển sinh cao đẳng - trung cấp nghề chỉ đạt bình quân khoảng 50% kế hoạch, nhưng từ 2017 khi triển khai Luật GDNN, kết quả tuyển sinh học nghề có nhiều chuyển biến tích cực và đạt bình quân hơn 100%, quy mô tuyển sinh hàng năm tăng bình quân khoảng 10%.

{keywords}
Trường CĐ Cơ điện xây dựng Bắc Ninh trong giờ học (Ảnh: Lê Anh Dũng) 

Tuy nhiên, quy mô tuyển sinh GDNN hiện vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Cho đến nay, còn khoảng 30% trường nghề vẫn gặp khó khăn lớn về tuyển sinh, nhất là các trường tại các địa bàn kinh tế khó khăn và là đối tượng cần sắp xếp lại.

Chúng tôi nhìn nhận khách quan có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang phát triển và mức thu nhập bình quân đầu người thấp. Chỉ số đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp chưa cao, doanh nghiệp chú trọng nhân lực có chi phí tiền lương thấp, ít quan tâm và đầu tư cho dạy nghề.

Thứ hai là tâm lý học sinh và gia đình vẫn chuộng học đại học hơn. Khi tuyển sinh đại học bỏ điểm sàn cộng với học phí học thấp, rào cản vào đại học cũng thấp..., tỷ lệ phân luồng học sinh vào học nghề chỉ đạt dưới 10%, so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là khoảng 30%.

Còn nguyên nhân chủ quan chủ yếu đến từ chất lượng dạy nghề do chương trình đào tạo hệ trung cấp chưa phù hợp với nhu cầu và đặc điểm lứa tuổi của các em học sinh tốt nghiệp lớp 9.

Bên cạnh đó, các trường trung cấp chưa nhận được sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp nên điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tốt. Do vậy phân luồng học sinh hết lớp 9 vào học nghề gặp khó khăn, nhiều cơ sở dạy nghề chưa giải quyết được tốt khâu việc làm nên khó thu hút học sinh.

Cũng phải nhìn nhận rằng ở giai đoạn trước chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng rất hàn lâm lý thuyết. Một số lượng lớn sinh viên học cao đẳng để tiếp tục học liên thông lên đại học. Do vậy khi cánh cổng vào đại học mở rộng, nhiều trường trung cấp, cao đẳng lập tức gặp khó trong tuyển sinh.

Những năm gần đâ,y trường nghề phải chuyển đổi mạnh sang đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, chú trọng đào tạo thực hành, tuyển sinh gắn với tuyển dụng. Ngoài ra sự quan tâm của chính quyền các cấp, của doanh nghiệp đến dạy nghề chưa tương xứng. Xã hội đầu tư nguồn lực chủ yếu cho giáo dục phổ thông trong khi đầu tư cho dạy nghề và đại học không tương xứng.

Từ 2018 tới nay, kết quả phân luồng đạt kết quả tốt hơn. Hàng loạt giải pháp mới được triển khai như Đề án 522 về phân luồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo dành cho học sinh hết lớp 9 (các chương trình 9+), cho phép học sinh học nghề kết hợp học văn hóa, học sinh hết lớp 9 được học thẳng lên cao đẳng với nhiều ngành nghề, giải quyết tốt việc làm sau đào tạo...

Mùa tuyển sinh 2019 kết quả phân luồng tại nhiều địa phương đạt gấp đôi so với 2018.

Luật Giáo dục sửa đổi 2019 cho phép các trường nghề được dạy văn hóa THPT và giải quyết tốt khâu liên thông gắn với học tập suốt đời, luật hóa công tác phân luồng... điều này sẽ tạo hành lang pháp lý cho phép kỳ vọng đạt mục tiêu phân luồng 30% vào 2021.

Mùa tuyển sinh 2020 các trường ĐH sẽ dừng tuyển sinh cao đẳng. Ông đánh giá như thế nào về về cơ hội cho các trường nghề? 

- Phải khẳng định rằng việc các trường đại học dừng tuyển sinh cao đẳng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả tuyển sinh GDNN. Đến hết 2018 còn 45 trường đại học còn tuyển sinh cao đẳng với quy mô tuyển sinh không lớn.

Tuyển sinh GDNN sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi năng lực và chất lượng đào tạo của các trường nghề đang được cải thiện nhanh. Nhu cầu nhân lực kỹ năng nghề ngày càng lớn, việc làm nhiều và thu nhập tốt cũng là cơ hội quan trọng để tăng nhanh quy mô tuyển sinh học nghề. Học nghề có thời gian ngắn, học phí thấp gắn với thực hành tại doanh nghiệp, việc làm tốt, đúng ngành nghề chuyên môn, có thu nhập tốt, liên thông lên đại học thuận lợi nhờ Khung trình độ quốc gia (được Thủ tướng Chính phủ ban hành 2017)... 

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH đang đẩy mạnh mở rộng nguồn tuyển sinh của học nghề. So với giáo dục đại học, tuyển sinh học nghề có nguồn tuyển sinh rộng mở. Cụ thể Bộ đã chỉ đạo đẩy mạnh nhiều nguồn quan trọng để trường nghề không phải cạnh tranh trực tiếp với trường đại học.

Đến nay đối tượng tuyển sinh của GDNN rất rộng như tuyển từ học sinh tốt nghiệp THPT. Tuyển sinh học nghề tách ra khỏi tuyển sinh đại học và loại bỏ dần tâm lý trượt đại học mới theo học nghề. Nếu đại học tuyển sinh chính quy 1 lần trong năm, tuyển sinh học nghề là liên tục, quanh năm.

Mở rộng đối tượng tuyển sinh từ học sinh hết lớp 9 với các chương trình đào tạo 9+4 và 9+5. Nhiều ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cho phép học sinh hết lớp 9 theo học thẳng lên cao đẳng với nhiều chính sách ưu đãi. Đây là nguồn tuyển sinh quan trọng và ổn định của GDNN, và không cạnh tranh với trường đại học, với quy mô có thể đạt từ 300.000 đến 500.000 người học mỗi năm.

Tuyển sinh đến từ người lớn, người lao động học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, chuyển đổi nghề nghiệp... Lực lượng lao động của chúng ta hiện là khoảng 55 triệu người nhưng mới chỉ có khoảng 24% có đào tạo (có chứng chỉ, bằng cấp). Trong khi đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhiều yêu cầu mới, rất nhiều lao động phải qua đào tạo lại. Như vậy đào tạo ngắn hạn là nguồn tuyển sinh lớn nhất của dạy nghề và đây phải là bước chuyển quan trọng. Ba bốn bằng cấp nhiều khi không có giá trị bằng một chứng chỉ nghề nghiệp.

Cùng với đẩy mạnh truyền thông về học nghề, triển khai đồng bộ ba khâu đột phá (tự chủ, doanh nghiệp, chuẩn hóa) sẽ góp phần nhanh chóng nâng cao chất lượng, qua đó thu hút người học.

 Ông nhìn có thể cho biết cơ hội nghề nghiệp của người học nghề hiện nay?

- Hiện nay chất lượng đào tạo trong GDNN ngày càng được nâng cao, từng bước chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và thị trường lao động, đặc biệt là khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng tăng năng xuất lao động và việc làm bền vững.

Học nghề gắn với việc làm, các trường nghề chỉ tuyển sinh thành công nếu giải quyết tốt việc làm cho người học. Theo báo cáo của 63 sở LĐTBXH tính trung bình, năm 2018 tỷ lệ HSSV tốt nghiệp trình độ CĐ, TC có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 87%, TC đạt 82%. Hiện có một thực tế là nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vượt xa so với quy mô đào tạo của các trường nghề.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển các trường cao đẳng chất lượng cao. Toàn quốc hiện có hàng trăm trường cao đẳng được đầu tư và có chất lượng tốt, có gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo. Ngoài ra, rất nhiều trường tư thục có chất lượng tốt cũng là địa chỉ tin cậy.

Các chương trình đào tạo chất lượng cao theo chương trình quốc tế cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong và ngoài nước. Hiện có 45 trường tổ chức đào tạo 12 nghề theo chuẩn của Úc và 22 nghề theo chuẩn của Đức. Các chương trình này có học phí thấp, chuẩn đầu ra cao, người học được nhận chứng chỉ và bằng cấp của đối tác quốc tế.

Ngoài ra, việc làm tại nước ngoài cũng rất rộng mở. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức, Newzealand... có nhu cầu lớn về lao động kỹ năng.

Xin cảm ơn ông!

Lê Huyền (thực hiện)