- “Có 4 mấu chốt để quyết định đến thành công của kỳ thi THPT quốc gia là đề thi, tổ chức thi, chấm thi và xét tuyển. Có 4 khâu như vậy và để một kỳ thi thành công thì cả 4 khâu đó đều phải trọn vẹn”.

 Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội tại tọa đàm trực tuyến Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra do báo Đại biểu nhân dân tổ chức hôm nay, 13/9.

Tại tọa đàm, GS Đức cho rằng, để đánh giá một kỳ thi tổ chức thành công hay không thì phải xét có những khâu nào quan trọng, và trong đó, nếu tất cả các khâu thành công thì kỳ thi mới được gọi là thành công.

Theo GS, năm nay xã hội lên tiếng kỳ thi có vấn đề về đề thi và chấm thi.

{keywords}
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra do báo Đại biểu nhân dân tổ chức hôm nay 13/9. Ảnh: Thanh Hùng.

Bản thân ông đánh giá quá trình xét tuyển của mùa thi năm nay là thành công.

“Tôi đánh giá rất cao kỳ thi này bởi thực sự trước đây rất vất vả nhưng từ khi Bộ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì chúng tôi tuyển được sinh viên rất nhàn. Năm nay ĐHQG Hà Nội tuyển 8.500 chỉ tiêu, thì số đăng ký nguyện vọng 1 là 104.000 và chúng tôi hiện nay đã tuyển được 8.700 (đạt 105% chi tiêu). Tất cả các trường đều phấn khởi và không thấy có đơn vị nào tuyển sinh kém cả vì có nguồn lựa chọn sinh viên tốt”.

Tuy nhiên, hệ lụy không chỉ ở ĐH Quốc gia Hà Nội mà còn ở những trường ĐH lớn khác là thí sinh bỏ học rất nhiều sau khi kết thúc năm thứ nhất.

“Trước kia lác đác, bỏ học hiếm lắm nhưng 2 năm vừa rồi, mỗi năm khoảng 10%. Chưa bao giờ nhiều như thế chỉ sau khi hết năm thứ nhất. Thứ hai là số lượng ảo rất nhiều, trước đây đã đăng ký vào trường nào là cố định luôn, giờ tha hồ lựa chọn nên ảo là rất nhiều. Nguyên nhân có thể là các em có nhiều sự lựa chọn vào trường khác nhưng tôi nghĩ cũng một phần do năng lực thực sự của các em không phù hợp để tiếp tục theo học.

Ngoài ra, xu hướng lựa chọn những ngành xã hội nhân văn là rất lớn, thật lạ. Trước đây, tỷ lệ vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũng bình thường thôi nhưng chưa bao giờ mà tỷ lệ vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn lại bùng nổ như bây giờ. Tôi cho rằng xu hướng là học sinh chọn các ngành dễ học. Đó là điều cảnh báo”.

GS Đức cho rằng cần phải cân nhắc với các tổ hợp xét tuyển, bởi rất nhiều trường chọn những tổ hợp xét tuyển không cơ bản. “Như thế với các trường là lợi bất cập hại, vì cứ tưởng là tuyển đủ nhưng không nghĩ đến số lượng sinh viên không theo học được và ảnh hưởng đến chất lượng sau này”.

Để hạn chế những tiêu cực như trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, ông Đức đề xuất phải tổ chức tập huấn. “Có cơ chế giám sát, nhưng đồng thời phải tăng cường tập huấn. Và phải đưa vào những hội đồng thi những cán bộ thực sự có năng lực, có kiến thức, chứ đừng lấy chức vụ, cơ cấu. Chức vụ, cơ cấu tốt để chỉ đạo, huy động nguồn lực xã hội, còn với những khâu chuyên môn phải là người có kinh nghiệm”.

Theo ông Đức, ĐHQG Hà Nội chọn những cán bộ coi thi hết sức cẩn thận. “Ví dụ phòng thi bao giờ cũng một người có kinh nghiệm và một người mới. Đoàn thanh tra bao giờ cũng phải có một người trong ban đào tạo, chứ người non kinh nghiệm đi là không ăn thua. Nhưng những điều này thì không văn bản nào quy định được mà do những người điều hành. Phần này rất cần khi tổ chức ở các địa phương”.

Thanh Hùng

 

"Nếu gian lận điểm thi, kể cả đã nhập học năm trước vẫn có thể bị buộc thôi học"

"Nếu gian lận điểm thi, kể cả đã nhập học năm trước vẫn có thể bị buộc thôi học"

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, các sinh viên đã và đang học tại các trường đại học mà bị phát hiện cũng nằm trong diện gian lận điểm thi thì cũng sẽ bị xử lý kỷ luật, cao nhất là buộc thôi học.

Hơn 600 sinh viên sư phạm dự kiến bị cảnh cáo, buộc thôi học

Hơn 600 sinh viên sư phạm dự kiến bị cảnh cáo, buộc thôi học

Hơn 600 sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự kiến bị cảnh cáo học vụ, buộc thôi học do điểm kém.