Trong phần cuối của bàn tròn gắn kết doanh nghiệp với trường đại học, các khách mời đưa ra những nhận định và kiến nghị về vai trò của Nhà nước, của Bộ GD-ĐT trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa nhà trường chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Gắn kết doanh nghiệp và trường đại học", do Bộ GD-ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng báo VietNamNet tổ chức có sự tham gia của các khách mời:

GS.TSKH Hồ Đắc  Lộc – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Ông Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng Giám đốc Tổng  Công ty May Hồ Gươm.

Xem các phần trước của bàn tròn tại đây:

Phần 1: Tại sao sinh viên thực tập bằng… pha trà, rót nước?

Phần 2: "Thị trường từ chối, nhà trường cần xem lại sản phẩm giáo dục"

Phần 3: Hiệu trưởng đại học có cần là giáo sư, tiến sĩ?

Môi trường đầu tư không tốt, nhân lực sẽ khó cạnh tranh

Nhà báo Phạm Huyền: Khi mà doanh nghiệp và nhà trường đều chủ động rồi, vấn đề ở đây là câu chuyện của cơ quan quản lý. Các ông nghĩ thế nào, Nhà nước cần phải làm gì để giúp cho mối quan hệ này trở nên tốt hơn?

Ông Phí Ngọc Trịnh: Dù là giáo dục hay kinh doanh thì Nhà nước phải làm được vai trò bà đỡ, là định hướng cho DN và cho nhà trường.

Để định hướng được, phải xác định đích đến cuối cùng vẫn là thị trường. Nhà nước phải định hướng được ngành gì sẽ phát triển.

Chúng ta có gói 100 nghìn tỷ đồng đầu tư cho cho nông nghiệp công nghệ cao và vay ưu đãi, do đó, chắc chắn trong thời gian tới đó là một ngành sẽ phát triển. Vậy thì phải xác định khi ngành đó phát triển chúng ta sẽ cần cái gì?

Ngoài ra còn định hướng khác là phát triển một triệu DN. Khi có thêm một triệu DN, chắc chắn cần những người lãnh đạo DN, phải không?...

Tôi nghĩ rằng, Chính phủ phải bám sát mục tiêu bằng hành động cụ thể. Giáo dục là bước đầu tiên để tạo ra nền tảng cho định hướng của Chính phủ đi đến hiện thực hóa.

Nhà báo Phạm Huyền: Từ góc độ là một DN FDI, theo ông Trí, Chính phủ Việt Nam, các cơ quan quản lý của Việt Nam có thể làm gì để cải thiện mối quan hệ giữa DN và nhà trường, để mối quan hệ này trở nên tích cực hơn trong thời gian tới?

Ông Vũ Minh Trí: Nếu như Nhà nước nhìn nhận con người quyết định tính cạnh tranh của một quốc gia, thì từng tỉnh thành cần có chiến lược phát triển rõ ràng.

Các địa phương phải kết nối được với nhà trường, để nhà trường có thể cung cấp được nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, thành đó, hoặc của cả quốc gia.

Cần có một định hướng rất rõ ràng để các nhà trường bắt đầu sắp xếp việc đào tạo của mình theo đó.

{keywords}
Ông Vũ Minh Trí

Theo tôi, phải chia sẻ thông tin, tạo điều kiện để môi trường đầu tư thật tốt, để cho tất cả các DN vào đầu tư và phát triển được, từ đó mới có công ăn việc làm, tạo ra được ngành công nghiệp cho từng tỉnh thành. Và khi có các ngành công nghiệp thì nguồn nhân lực của địa phương có cơ hội được làm việc trong đó, nâng cao được tính chuyên nghiệp và tăng tính cạnh tranh.

Ngược lại, nếu môi trường đầu tư không tốt, các DN vào làm một thời gian mà chính sách lại thay đổi, họ không làm được phải rút ra, thì thiệt hại cuối cùng là nguồn nhân lực không phát triển một cách chuyên nghiệp và lớn mạnh. Nhân lực của chúng ta bước ra khỏi Việt Nam đi làm cho Thái Lan hay nước nào đó, dù chỉ tính trong cộng đồng kinh tế ASEAN, người ta sẽ nhìn theo cách “À, các bạn này bước ra từ ngành công nghiệp không mạnh mẽ gì ở Việt Nam…”, thì chúng ta sẽ rất khó cạnh tranh.

Nhà nước có vai trò cực kỳ quan trọng để định hướng cho các DN đầu tư và thành công, từ đó nguồn nhân lực sẽ có điều kiện để phát triển.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông Dũng có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Đỗ Văn Dũng: Tôi nghĩ về chính sách vĩ mô, Nhà nước phải đưa vào Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp một chương về trách nhiệm của DN trong việc tạo ra nguồn nhân lực.

Thứ hai là chính sách về thuế. Ví dụ, thiết bị mà chúng tôi nhận được từ các DN thường phải đóng thuế, trừ trường hợp thiết bị được dùng cho mục đích giáo dục. Nhưng DN rất khó lý giải tại sao thiết bị này lại dùng cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật chẳng hạn, mà hải quan có thể cho rằng DN lừa dối để giảm thuế.

Chúng ta phải rõ ràng trong chính sách thuế trong tất cả các vấn đề liên quan tới giáo dục. Thậm chí, các DN phải có quỹ về đào tạo. Lúc đó, tôi nghĩ công tác hợp tác sẽ tốt hơn.

{keywords}
Ông Đỗ Văn Dũng

Một vấn đề nữa mà tôi muốn nói là các DN cũng nên tham gia cùng với nhà trường trong vấn đề tạo môi trường khởi nghiệp ngay trong trường.

Tôi muốn các DN nên nghĩ về người học, tạo môi trường khởi nghiệp ngay trong trường, thì ra trường các em sẽ vững vàng hơn.

Thực thi được hay không phụ thuộc “ông hiệu trưởng”

Nhà báo Phạm Huyền: Đúng vậy, chính sách rõ ràng phải linh động và thực tế hơn. GS Lộc có chia sẻ gì về câu chuyện này? Theo ông, vai trò của Nhà nước, đặc biệt của Bộ GD-ĐT, là như thế nào?

Ông Hồ Đắc Lộc: Tôi muốn có cái nhìn vĩ mô, mang tính hệ thống hơn, về quan hệ nói chung giữa nhà trường với DN.

Qua buổi trao đổi, chúng ta có thể thấy động lực để phát triển mối quan hệ này đương nhiên tuân theo quy luật thị trường, có nghĩa là cung cầu giữa nhà trường với DN.

Còn vai trò của Nhà nước là gì? Là phân bố nguồn lực mà Nhà nước nắm trong tay để phát triển quan hệ này lên. Nguồn lực đây là nguồn lực về các chính sách, về tài chính, các hỗ trợ của các trường đào tạo. Tôi nghĩ vai trò Nhà nước lớn nhất là phân bố nguồn lực để phục vụ mục tiêu này.

Điều thứ ba, là khi đã có chính sách, có động lực rồi thì vai trò của Nhà nước cũng hết sức quan trọng trong việc thực thi các hoạt động để phát triển mối quan hệ này.

Có thể lấy một ví dụ hết sức nóng hổi là TP.HCM vừa thành lập Hội đồng Hiệu trưởng. Tất cả hiệu trưởng các trường đại học ở TP.HCM tham gia Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng chính là Chủ tịch UBND TP.HCM. Hội đồng này có nhiệm vụ làm tất cả những việc chúng ta vừa nói, vừa xuất phát từ động lực vừa xuất phát từ thể chế, từ nguồn lực của thành phố, để giúp nhân lực phát triển theo 7 chương trình phát triển của TP.HCM.

Đấy là bước thứ 3, là bước thực hiện ở bên dưới.

Tôi nghĩ với tổng thể như vậy, trong quan hệ chung của phát triển kinh tế xã hội Việt Nam thì quan hệ riêng giữa khối giáo dục và khối DN sẽ có bước tiến mà tôi kỳ vọng sẽ đem lại quả ngọt trong thời gian rất gần trước mắt. Bởi vì, bây giờ thời gian không chờ đợi, xã hội vận động liên tục, và mỗi đơn vị như một cơ thể sống, phải hoạt động hàng ngày hàng giờ.

{keywords}
Ông Phí Ngọc Trịnh

Nhà báo Phạm Huyền: Riêng về giáo dục, ông có nghĩ là Bộ GD-ĐT cần phải góp sức hơn nữa để mối quan hệ nhà trường và DN tốt hơn?

Ông Hồ Đắc Lộc: Tôi nghĩ, nếu nói về chính sách thì hiện tại tất cả chính sách hỗ trợ cho mối quan hệ này thực tế đều đang có.

Và một điều nữa là lãnh đạo trong trường đại học, cụ thể là hiệu trưởng, kể cả trường công lập và khối trường tư thục, đều có quyền rất lớn từ việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Do đó, tôi nghĩ các chính sách chung hay cụ thể ta đều đang có, chỉ có điều thực thi chính sách đó như thế nào lại tùy thuộc từng ông lãnh đạo, từng vị trí của trường và từng đội ngũ cán bộ.

Cá nhân tôi cảm nhận sự ủng hộ của Bộ GD-ĐT thông qua chính sách gần như hoàn toàn đầy đủ. Vấn đề còn lại là thực thi ở từng cơ sở cụ thể.

Theo tôi, vấn đề lớn nhất trong hoạt động của chúng ta chính là ở khâu thực thi. Và nếu đẩy mạnh được khâu này, có những con người thực thi mạnh mẽ, thì với chính sách đã có, với đà phát triển hiện nay, với vị thế của Việt Nam, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng với tất cả các nước, trước hết là trong khu vực.

Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn các vị khách mời.

Thưa quý vị và các bạn, mối quan hệ giữa DN và nhà trường trong bối cảnh ngày hôm nay, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, ngày càng trở nên quan trọng. Trong đó, bên cạnh sự chủ động từ hai phía rất cần những chính sách linh hoạt của Nhà nước, đặc biệt là ở các cấp chính quyền địa phương, để giữa nhà trường và DN không còn là “giai đoạn yêu nhau” nữa, mà “chúng ta phải cưới”, nhau như lời của một vị doanh nhân đã nói.

Rất cảm ơn các vị khách mời đã tham gia nhiệt tình bàn tròn trực tuyến của chúng tôi. Xin chào quý vị và các bạn và hẹn gặp lại quý vị và các bạn ở chương trình bàn tròn trực tuyến của Báo điện tử Vietnamnet số tới.

Thực hiện: Hạ Anh - Phạm Huyền - Hồng Hạnh

Clip: Đức Yên - Xuân Qúy - Huy Phúc

Ảnh: Lê Anh Dũng