Động đất và sóng thần đang là một thảm họa của Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều người Việt đang sống ở xứ sở này có thể nhận thấy sự bình tĩnh đến ngạc nhiên của người bản xứ khi ứng xử với thiên tai, khác với vụ giẫm đạp ở Campuchia hay chen lấn ở đền Trần thời gian qua.

TIN LIÊN QUAN


Nhân viên cứu hộ đưa người đàn ông ra khỏi đống đổ nát ở thành phố Natori.Ảnh: CNN

BÌNH TĨNH, KHÔNG CHEN LẤN

Trên Vietnam Plus, chị Nguyễn Thu Hằng, làm việc tại Nhật Bản chia sẻ:

…Nhà rung lắc bần bật, xung quanh ồn ào nhưng không hỗn loạn, loa phóng thanh liên tục cập nhật tin mới và trấn an mọi người là mặc dù hiện đang rung lắc rất mạnh và kéo dài nhưng tâm chấn không phải ở Tokyo mà là ngoài khơi khu vực Tohoku, tức là Đông Bắc Nhật Bản nên mọi người giữ bình tĩnh, không hoảng loạn.

Thang máy ngừng hoạt động, mọi người được khuyến cáo tìm nơi trú ẩn hoặc ra khỏi tòa nhà đến chỗ trống. Số người chết tăng lên từng phút, chúng tôi liên tục phải chữa lại con số trong bản tin. Cảnh sát Sendai phát hiện khoảng 200-300 xác người trên một bờ biển thành phố này. Tất cả những người này bị chết do ngạt nước.

(...)Gần 300 người khác được xác nhận đã chết và gần 800 người vẫn còn mất tích. Tại Tokyo, gần 4 triệu hộ gia đình mất điện...

Hai nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima tuyên bố tỉnh trạng khẩn cấp vì không thể làm nguội hai lò phản ứng hạt nhân. Chính phủ yêu cầu 3.000 người dân sống trong bán kính 3km quanh nhà máy đi sơ tán để đảm bảo an toàn.

Mặc dù đây là một thảm họa khủng khiếp, nhưng có trải qua trường hợp khẩn cấp này, tôi mới nhận ra nhiều điều hay và đáng học hỏi từ đất nước Nhật Bản, con người Nhật Bản.

Trước hết là trong văn phòng, ai cũng sợ kể cả là đã được chuẩn bị tinh thần, luyện tập phòng chống thảm họa, nhưng không ai hoảng loạn, mọi người đều tập trung vào công việc của mình và duy trì liên lạc với nhau, đồng thời cập nhật thông tin.

Thông tin mới liên tục được công bố trên loa và chỉ dẫn rất chi tiết. Điều này khiến chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều và biết mình cần làm gì. Ngay sau động đất, bộ phận phục vụ đã mang cơm nắm, nước uống đến các phòng ban, phục vụ những người làm tin khuya như chúng tôi. 

Các trường học và nhà trẻ trông nom trẻ con đến khi nào bố mẹ đến đón được, bất kể giờ giấc.

(...)Tất cả các công ty điện thoại di động lập trang web bảng thông tin cho tất cả mọi người muốn nhắn tin cho bạn bè và người thân, hoặc muốn đọc thông báo của ai đó, vì mặc dù điện thoại không gọi được, nhưng vẫn có thể truy cập Internet 3G.

Một bài học rút ra từ thực tế này là chúng ta nên dùng smart phones để có thể truy cập Internet, dùng YM và Facebook. Đó là những phương tiện duy nhất mà chúng tôi đã sử dụng để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè sau động đất.

Thảm họa động đất này đối với đất nước Nhật Bản là đau buồn và tổn thất to lớn, nhưng phải nói tất cả các ban ngành, các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản đã chuẩn bị rất kỹ để đối phó với thiên tai và các trường hợp khẩn cấp, nếu không, hậu quả của thảm họa này có lẽ còn lớn hơn rất nhiều.


PHẢN ỨNG NHANH ĐẾN KỲ LẠ

Trên báo Pháp luật Tp.HCM dẫn chia sẻ của độc giả Dương Hồng Thanh (Trường Quản lý hành chính ĐH Minh Trị, Tokyo, Nhật):

(...)Điều làm tôi ngưỡng mộ là cách phản ứng nhanh chóng với tình huống khẩn cấp của chính quyền. Công tác triển khai sơ tán người được làm bài bản. Chỉ có nhà cũ mới bị thiệt hại chút ít. Các tổ chức phi lợi nhuận được tổ chức chuyên nghiệp khi phân phát nước và miếng giữ ấm cho dân.

Phản ứng của người dân cũng thực sự chuyên nghiệp vì họ đã trải qua nhiều khóa diễn tập về động đất. Các cô nuôi dạy trẻ đưa đám nhỏ ra công viên với đầy đủ chăn và mũ đội đầu. Trong ánh mắt trẻ thơ không chút nào hoảng loạn và sợ hãi. Các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật tin tức một cách liên tục và đầy đủ, không tạo cho người dân cảm giác sợ hãi.

Phản ứng nhanh đến lạ kỳ của chính quyền địa phương (Nhật chỉ có chính quyền cấp quận trở lên) làm tôi thực sự ngưỡng mộ và chợt băn khoăn vì nhớ một giáo sư dạy về quản lý rủi ro của tôi đã từng bảo: Trong thảm họa đừng mong đáp ứng từ chính quyền vì họ phản ứng rất chậm!

Điều đó mới thấy công dân thực sự là những khách hàng khó tính.


KHÔNG TỤ TẬP TÁM CHUYỆN

Trên Tuổi Trẻ, du học sinh Trần Tuấn Nam cũng có chia sẻ tương tự:

Không có cảnh la lối, tranh giành. Mọi người đều bình tĩnh, trật tự, trước và sau khi động đất xảy ra.

Người dân vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt lên xe buýt (lúc này, xe buýt là phương tiện công cộng duy nhất còn có thể hoạt động), kiên nhẫn xếp hàng chờ gọi điện thoại công cộng (vì hệ thống thông tin di động bị tắc nghẽn hoàn toàn).

Với những người dân không về nhà được, họ vẫn bình tĩnh vào trú tạm tại các địa điểm công cộng được chính quyền bố trí (như trường học, nhà thi đấu...) trong trật tự và bình thản. Không khí sơ tán tại các trường học, bệnh viện... rất gọn gàng, khẩn trương và hiệu quả.

Không có người tụ tập tám chuyện(!), phần vì những người đi làm chưa về, phần vì những phụ nữ nội trợ và trẻ em chỉ ở yên trong nhà, không la cà bàn tán xôn xao.


BÌNH THẢN

Trên Facebook, nhà báo Hồ Trung Tú (báo Sài Gòn Tiếp Thị) so sánh:

“Xem tivi NHK (một hãng tin Nhật Bản – PV) thấy phóng viên tường thuật động đất vẫn giữ được vẻ mặt bình thản mặc dù hình ảnh rất kinh hoàng. Nếu là Việt Nam ta sẽ thấy những vẻ mặt phóng viên đầy biểu cảm, cảm xúc dâng trào, nghẹn lời”.

“Một dân tộc vô cùng mạnh mẽ mới làm được vậy” – anh viết.

Một người bạn tên Quang Đông bình luận thêm: “Nhờ tinh cách mạnh mẽ như thế họ mới tồn tại được nên mảnh đất khắc nghiệt nhất thế giới mà trình độ nền kinh tế không thua gì Mỹ”.

  • Tú Uyên (tổng hợp)