- Năm 2014, Việt Nam có thêm 644 GS, PGS đạt tiêu chuẩn. Ngay lập tức lại ồn ào một câu hỏi: Có phải chúng ta đang lạm phát GS, PGS?

{keywords} 

Có 59 người được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư

năm 2014. (Ảnh: Văn Chung)

Lượng: “Thậm chí còn khá mỏng”

Đây là khẳng định của GS Trần Văn Nhung, tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN).

Để minh chứng cho điều này, ông Nhung dẫn ra các số liệu liên quan. Cụ thể, ông Nhung cho biết, từ năm 1976 cho đến hết năm 2014, sau 38 năm, tổng số GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.097, gồm có 1.628 GS và 9.469 PGS, trong số đó nhiều người đã mất và về hưu.

Dân số nước ta hiện nay là 90 triệu người. Theo thống kê năm 2013 của Bộ GD-ĐT, tổng số sinh viên ĐH là 1.730.000, số giảng viên ĐH là gần 74.630, trong đó có 4.155 GS, PGS.

Như vậy chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc  PGS trên 1 vạn  dân (kể cả số GS, PGS đã mất hoặc nghỉ hưu), không quá 5,6% giảng viên đại học là GS hoặc PGS và 416 (nếu kể cả giảng viên thỉnh giảng nữa thì  khoảng 300) SV trên 1 GS hoặc PGS.

“Mỗi đợt công nhận mới khoảng 500 người, không đủ bù cho số nghỉ hưu hay qua đời. Trong khi đó, ví dụ, ở CHLB Đức, số lượng (và cả chất lượng) GS cao hơn ta  nhiều: Trong 1 vạn dân có 3 GS và cứ 59 sinh viên có 1 GS.

Nhìn chung các tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn, nhưng vẫn chưa trẻ được như ở các nước phát triển. Ví dụ 1: Charles Louis Fefferman (người Mỹ) được phong GS Toán học tại ĐH Chicago (Mỹ) năm 22 tuổi, nhận Giải thưởng Fields năm 1978 khi mới 29 tuổi. Ví dụ 2: Terence Tao (người Úc-Mỹ) năm 24 tuổi đã trở thành GS của UCLA (Mỹ) và nhận Giải thưởng Fields năm 2006 khi anh 31 tuổi. Ví dụ 3: Ngô Bảo Châu được phong GS của ĐH Paris XI (Pháp) năm 2004 khi mới 32 tuổi và được phong đặc cách GS của Việt Nam năm anh 33 tuổi. Anh nhận Giải thưởng Fields năm 2010.

Nói như vậy để thấy đội ngũ GS, PGS ở nước ta, đỉnh cao nhất của nhà giáo, khá “mỏng” về số lượng (và cả chất lượng), chứ không phải đã đến mức “lạm phát” như ai đó nói” – ông Nhung nhấn mạnh.

Có chịu áp lực từ các trường?

Từ khi Nghị định số 141/2013/NĐ-CP (Nghị định Quy định chi tiết và Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học) có hiệu lực thì con số các TS, PGS, GS trong các trường ĐH được tăng lên đáng kể.

Theo ông Nhung, việc số lượng GS, PGS được tăng lên hàng năm là một chủ trương hoàn toàn phù hợp với nhu cầu giảng viên ĐH và thông lệ quốc tế, để góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

{keywords}

Trong số 644 tân GS, PGS năm nay có 536 giảng viên,

chiếm tỷ lệ 83,23%. (Ảnh: Văn Chung)

“Quy định của Bộ GD-ĐT là mỗi một ngành muốn đào tạo tiến sĩ thì phải đảm bảo tiêu chí về số lượng GS, PGS. Ông có cho rằng quy định này sẽ dẫn tới tình trạng các trường tập trung “đôn” người lên GS, PGS để đủ tiêu chuẩn, dẫn tới tình trạng “chạy đua” lên GS?”.

Trước câu hỏi này, câu trả lời của ông Nhung là “Sẽ không xảy ra tình trạng đó. Các ứng viên cứ đạt tiêu chuẩn là sẽ bổ nhiệm. Có chạy đua, có cạnh tranh là về chất lượng, chứ không phải về số lượng. Bởi vì chỉ có chất lượng cao, rất cao, của nguồn nhân lực mới bảo đảm sức cạnh tranh kinh tế trong nước và quốc tế chứ hoàn toàn không phải số lượng”.

Ông Nhung cho biết trong những năm gần đây, các tiêu chuẩn về chất lượng khoa học và đào tạo đối với các ứng viên GS, PGS, vốn đang còn thấp, đã được nâng cao thêm một bước, theo yêu cầu của chính đất nước và để sớm đạt được chuẩn mực của ASEAN và thế giới, nhưng tránh nóng vội, cực đoan.

Cụ thể, là đánh giá cao các bài báo khoa học đích thực được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc tế (SCI, SCIE, SSCI, A&HCI, ISI, Scopus, …) và quốc gia; quan tâm đến các chỉ số IF, H; Kiểm tra chất lượng và phân biệt các sách chuyên khảo, giáo trình và tham khảo; Năng lực ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, được yêu cầu cao hơn để hội nhập quốc tế; Tăng số giờ giảng đối với các ứng viên thỉnh giảng, …

Nhờ vậy mà số ứng viên có công bố khoa học quốc tế tăng lên, nhất là ở những ngành về khoa học tự nhiên, công nghệ và y học. Trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của ứng viên khá hơn trước nhiều. Những ứng viên chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ thứ nhất ngày càng chiếm số đông. Đáng mừng là những tân GS, PGS, đặc biệt là lớp trẻ, có tiếng Anh và công nghệ thông tin từ tốt đến thành thạo, nay không chỉ bó hẹp trong các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, mà ở ngay cả khoa học xã hội nhân văn.

Giải thích thêm về những con số liên quan trong đợt xét công nhận năm 2014, ông Nhung cho biết ngay từ đầu có tất cả 822 ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS và PGS tại 89 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, trong đó có 92 ứng viên GS và 730 ứng viên PGS. Con số ứng viên lớn hơn so với các năm trước vì năm nay do những nguyên nhân khách quan (cần nhiều thời gian để lập 28 HĐCDGSN/LN và HĐCDGSNN cho nhiệm kỳ mới 2014 - 2019), hạn nộp hồ sơ được chậm lại bốn tháng.

Kết quả là có 59 nhà giáo được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 585 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2014, tổng cộng là 644 người. Như vậy, tỉ lệ sàng lọc sau ba vòng ở ba cấp hội đồng của năm 2014 như sau: Số ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS là 59 trên 92 (64,13%) và PGS là 585 trên 730 (80,14%).

“Còn nếu cho rằng các GS, PGS chỉ lấy chức danh để đi làm việc khác, thì đáng mừng là tỷ lệ giảng viên mỗi năm đều tăng lên trong tổng số các tân GS và PGS, còn số giảng viên thỉnh giảng giảm dần đi. Trong số 644 tân GS, PGS năm nay, có 536 giảng viên, chiếm tỷ lệ 83,23%, cao hơn 79,33% của 2013 và 76,97%  của 2012” – ông Nhung đưa ra con số thống kê.

Ngân Anh