- Tuyển sinh vẫn là nội dung nhận được nhiều ý kiến bàn thảo trong Hội nghị tổng kết năm học 2014 – 2015, phương hướng nhiệm vụ năm học 2015 – 2016 khối đại học, cao đẳng.

Trước những điểm mới Bộ GD-ĐT dự kiến cho kỳ thi THPT quốc gia năm tới như thay đổi thời gian tổ chức thi, tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ trong công tác xét tuyển… lãnh đạo các trường đã có góp ý, đề xuất khá đa dạng.

Nhiều đề nghị điều chỉnh   

Ông Lê Quốc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT phân cấp ở mức các trường CĐ, ĐH xây dựng phương án xét tuyển, sau khi có kết quả tuyển sinh mới cần báo cáo về Bộ. Ông Tiến cũng đề nghị giờ thi buổi sáng sớm hơn để tránh vội vàng cho việc chuẩn bị các môn buổi chiều.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, Bộ nên có điều chỉnh phương án thi và tuyển sinh theo hướng tích hợp. cấu trúc đề thi phân hóa, phân giải cao hơn để kỳ thi đa mục đích và thuận lợi xét tuyển.

{keywords}

PTT Vũ Đức Đam: "Bộ GD-ĐT chỉ ra quy định tối cần thiết, không đi vào chi tiết, vừa đảm bảo công bằng cho học sinh và quyền tự chủ của các trường”.

Nhận xét Việt Nam là một trong số ít quốc gia coi kỳ thi là sự kiện nóng bỏng, ông Đàm Quang Minh, hiệu trưởng ĐH FPT nhận xét điều này chứng tỏ kỳ thi vẫn còn nặng nề. Đề xuất của ông Minh để “giảm độ nóng” là trong một năm không nhất thiết chỉ có 1 kỳ thi chung để xét tốt nghiệp và đại học, mà có thể thi 2 lần, giãn tải trọng thi của xã hội để chuẩn bị tốt hơn.

Ông Minh cũng cho rằng, nên mở rộng giai đoạn nhập học trong cả năm chứ không phải trong một thời gian ngắn.

“Trong khi ở nhiều nước sau giai đoạn phổ thông học sinh có quãng thời gian ngưng nghỉ, tham gia hoạt động xã hội hoặc tìm hiểu thế giới bên ngoài, thì học sinh Việt Nam cứ hì hục thi và hì hục vào đại học. Bởi vì những quy định về thi cử của chúng ta rất chặt chẽ về mặt thời điểm - đến thời điểm đó phải thi tốt nghiệp, thi đại học, không theo luồng đó mà để đến năm sau sẽ có vấn đề...”

Bà Trần Kim Oanh, phó Hiệu trưởng ĐHDL Đông Đô kiến nghị Bộ tăng cường hỗ trợ về công nghệ để thông tin đến với người nhà và thí sinh sớm hơn. Thời gian xét tuyển các đợt ngắn hơn.

Cũng đề nghị về tăng cường công nghệ trong công tác xét tuyển, Ông Lê Hải An, hiệu trưởng ĐH Mỏ Địa chất lại nêu ra ý tưởng cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng qua tin nhắn.

Ông Nguyễn Văn Bao, hiệu trưởng ĐH Tây Bắc, cho rằng “Sau 12 năm đèn sách, thí sinh và gia đình dã biết nguyện vọng của mình là muốn học ngành gì, ở đâu, vì vậy cứ để thí sinh đăng ký NV1 ngay từ trước khi thi. Như vậy, trường chủ động hơn, thí sinh cũng chủ động, giai đoạn 1 không mất 20 ngày đầu tiên để rút – nộp hồ sơ. Tôi thấy rằng cách này tưởng cũ nhưng thực ra là rất tốt”.

Còn ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng CĐ Du lịch Hà Nội nêu nguyện vọng của các trường cao đẳng là “Bộ xem xét nới khoảng cách điểm sàn giữa ĐH với CĐ ra rộng hơn để giúp các trường CĐ tự chủ tuyển sinh hơn”...

Xem xét lại điểm ưu tiên, thời gian thi

Đây là ý kiến tổng hợp được ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ đại diện các đại biểu tham dự ở đầu cầu Cần Thơ, đưa ra. “Điểm ưu tiên có mức độ cách nhau 0,5 điểm là khá cao. Chúng tôi đề nghị nghiên cứu rút ngắn lại, để tạo điều kiện cho thí sinh KV3. Đợt đầu, thí sinh chỉ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở một trường, cũng là để bảo vệ quyền lợi cho các em”.

Các đại biểu tham dự đầu cầu này ủng hộ việc tổ chức kỳ thi vào tháng 6, nhưng việc công bố điểm thi nên giao cho các trường, sở GD-ĐT.

{keywords}
Các đại biểu dự hội nghị

Tuy nhiên, ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, đại diện cho đầu cầu Vinh lại cho biết các ý kiến ở đầu cầu này không tán thành dự kiến tổ chức thi vào giữa tháng 6 như Bộ đưa ra. “Kế hoạch năm học của các trường ĐH, CĐ thường tới ngày 30/6 mới hoàn thành. Vì vậy đề nghị vẫn duy trì kỳ thi từ ngày 1 – 4/7 để ổn định công việc cho các trường và tâm lý cho  thí sinh”.

Ông Khoa cũng kiến nghị “Đề thi cần phân hóa rõ ràng hơn nữa để xét tuyển tốt hơn. Bỏ thi viết trong môn ngoại ngữ”.

Ông Nguyễn Văn Nam, giám đốc ĐH Đà Nẵng đầu cầu Đà Nẵng cho biết một số kiến nghị mà lãnh đạo các trường ĐH, CĐ khu vực này đề nghị là “Khuyến khích thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, rút ngắn thời gian xét tuyển. Quy định các đại học nhóm trên có chuẩn điểm cao hơn để phân tầng, xét tuyển sẽ hợp lý hơn và TS chọn được trường phù hợp”.

Cũng như đầu cầu Vinh, đầu cầu Đà Nẵng đề nghị bỏ phần thi tự luận trong đề thi ngoại ngữ. Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn về tượng ưu tiên nên cụ thể hơn, quy định nơi thu hồ sơ phải kiểm tra kỹ ngay từ đầu để tránh hiểu lầm, sai sót.

Ông Hồ Đắc Lập, hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP.HCM, đại diện điểm cầu TPHCM nêu đề xuất chỉ nên tổ chức một loại cụm thi do các trường ĐH chủ trì, thuận tiện cho các em đặc biệt ở địa phương không cần lên thành phố nếu muốn vào đại học.

Theo cách thức hiện tại thì mới tập trung ngưỡng xét tuyển để trúng tuyển vào trường, chưa khuyến khích thí sinh xác định ngành nghề các em tham gia. Nên liên kết các trường cùng một nhóm ngành, thí sinh không trúng trường nhóm trên sẽ vào nhóm dưới dưới để cân bằng lực lượng lao động”. Ông Lập cũng mong muốn các trường nhóm trên xác định mức điểm nhận hồ sơ không quá thấp để tránh tình trạng quá đông thí sinh tập trung nộp vào.

Trước ý kiến đa dạng của các trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức một cuộc họp riêng bàn chi tiết, cụ thể.

“Hôm nay Bộ  GD-ĐT chưa nên ấn định cái gì, mà chỉ nên khẳng định với nhân dân kỳ thi năm tới sẽ kế thừa cái được, khắc phục những bất cập của năm trước để có một kỳ thi đảm bảo trung thực, công bằng, nhưng ngày càng nhẹ nhàng cho nhân dân”.

Ông Đam nhấn mạnh “Thi là riêng và tuyển là riêng. Tuyển sinh đại học phải trên tinh thần tự chủ đại học, Bộ chỉ ra quy định tối cần thiết, không đi vào chi tiết, vừa đảm bảo công bằng cho học sinh và quyền tự chủ của các trường”.

Ngân Anh