Vụ việc hàng nghìn hộ dân bị thu hồi và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác (sổ hồng) sau khi đã được cấp giấy này do mua nhà do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên đầu tư hoặc hợp tác đầu tư, có lẽ là biểu hiện rõ ràng của việc "đẩy cái khó cho dân".

Bởi người dân muốn làm được sổ hồng ngoài việc phải hoàn thành trách nhiệm thuế, phí với Nhà nước còn phải trải qua không ít thủ tục cực kỳ chặt chẽ.

Nay, khi có vấn đề, chính cơ quan cấp giấy lại đứng ra thu hồi giấy?

Chúng ta nên nhìn nhận sự việc này như thế nào? Liệu có giải pháp gì khác để xử lý vấn đề này một cách đúng đắn nhất có thể?

Góc nhìn thẳng mời GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường để tìm câu trả lời cho những vấn đề này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi với GS Đặng Hùng Võ về việc thu hồi sổ hồng của người dân mua bất động sản các dự án Mường Thanh dưới đây:

Nhà báo Như Quỳnh: Thưa GS, rõ ràng, người dân mua nhà và được cấp sổ hồng, họ chẳng có lỗi gì, nay, cơ quan quản lý lại ra quyết định thu hồi, hủy số hồng của họ, nhìn nhận từ góc độ quản lý nhà nước, ông có thể đưa ra ý kiến của mình về vụ việc này?
GS Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, chúng ta thấy theo pháp luật đất đai của Việt Nam, cơ quan cấp giấy chứng nhận có quyền thu hồi lại giấy chứng nhận đã cấp nếu phát hiện việc cấp giấy không phù hợp pháp luật. Tôi cũng bình luận thêm, các chuyên gia nước ngoài đánh giá luật đất đai Việt Nam đang lạc hậu nhất thế giới. Các nước khác không có chuyện cho người cấp sổ, cấp xong lại đòi lại sổ đó. Nếu cấp sổ sai, người cấp phải chịu trách nhiệm về cái sai của mình. Dù sao đi nữa, cũng phải khẳng định Việt Nam có quy định này và việc thu hồi sổ không trái pháp luật.
Điều thứ hai, người dân có thể yên tâm vì pháp luật dân sự Việt Nam có quy định các giao dịch với tài sản được hình thành trái pháp luật nhưng người dân không biết thì được gọi là giao dịch ngay tình. Pháp luật bảo vệ và lợi ích của người dân tham gia vào các giao dịch ngay tình. Pháp luật sẽ quy định người gây ra bất hợp pháp của tài sản này sẽ phải có trách nhiệm bồi hoàn lại những thất thiệt người dân phải chịu khi diễn ra việc thu hồi giấy chứng nhận.

Nhà báo Như Quỳnh: Theo giáo sư, cơ quan quản lý nhà nước nên xử lý vụ việc này như thế nào thì đúng luật?

GS Đặng Hùng Võ: Đầu tiên,  chúng ta phải xem xét trong hoàn cảnh này có nên thu hồi lại giấy chứng nhận đó không. Tôi cũng nghe nhiều người nói trình tự thu không đúng pháp luật. Ví dụ, khi thu hồi chúng ta phải có thông báo trực tiếp với người dân, yêu cầu ngày tháng năm nào đó phải đến nộp sổ hồng, vì lí do nào đó. Nếu người dân không nộp, phải công khai toàn bộ số hiệu của những cuốn sổ đã có quyết định thu hồi nhưng người dân không nộp. Trong trường hợp này, nhiều người dân không biết sổ của mình bị thu hồi cho tới khi lên ngân hàng, thậm chí từ vài tháng trước.
Trong trường hợp này, chúng ta biết có sai phạm do chủ đầu tư tạo ra, ví dụ như làm rộng hơn, cao hơn, xây thêm nhà. Căn hộ nào trong những phần đó đều là bất hợp pháp do chủ đầu tư gây ra. Người dân tham gia vào giao dịch và đây là giao dịch ngay tình. Lúc này nên hay không nên thu hồi sổ ? Tôi cho rằng không nên thu hồi sổ mà hãy chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tòa án phán quyết với chủ đầu tư như thế nào, chủ đầu tư có trách nhiệm gì. Hoàn chỉnh xong điều này rồi sẽ quyết có thu hồi hay không. Bởi tôi cho rằng có thể cơ quan nhà nước thấy, cách triệt để là để người dân rời khỏi, phá chỗ vi phạm pháp luật, chủ đầu tư phải bồi thường cho người dân. Nhưng thực tế chúng ta thấy rằng đối tượng chịu tác động lên đến vạn người, có khi nhiều hơn. Chúng ta thu hồi sổ trong khi chưa có quyết định của cơ quan nước có thẩm quyền. Như vậy làm lòng dân bất ổn, người dân lo lắng liệu tài sản của mình có mất hay không? Với một cộng đồng bị thu hồi khá lớn, sẽ gây ra tác động tâm lý không chỉ với từng người mà trở thành câu chuyện xã hội.

Tôi cho rằng, cách thu hồi chẳng qua cơ quan cấp muốn nói tôi thấy mình cấp sai thì tôi thu hồi, nhưng trước một quyết định quản lý, chúng ta cần xem tác động của nó thế nào rồi mới quyết định.

 

{keywords}
'Không nên thu hồi sổ mà hãy chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tòa án phán quyết với chủ đầu tư như thế nào, chủ đầu tư có trách nhiệm gì'

 

Nhà báo Như Quỳnh: Cấp rồi thu, sau đó lại nói sai sót trong quá trình thẩm định khi cấp, theo giáo sư, trách nhiệm của những người thẩm định, đơn vị cấp cấp sổ hồng và trách nhiệm của doanh nghiệp bán nhà trong trường hợp này là gì?
GS Đặng Hùng Võ: Phải nói doanh nghiệp bán nhà phải chịu toàn bộ trách nhiệm, vì hàng hóa bất động sản trong trường hợp này có vi phạm pháp luật, rơi vào danh mục hàng lậu. Trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư, nhưng trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng tương đương. Tại sao trong quá trình đó không phát hiện, kể cả trường hợp có thanh tra nhưng cũng không xử lý. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước với việc quản lý, xây dựng cũng như trách nhiệm của người ký sổ hồng, bởi chỉ có thể giải quyết tất cả mọi việc xong mới ký sổ hồng. Người cấp sổ đã ký sai khi mọi sai phạm chưa được xử lý hoặc xử lý đầy đủ. Thu hồi là để nói tôi rất có trách nhiệm với việc cấp sổ. Nhưng sự thực, tôi cho rằng trước một quyết định đó, chúng ta cần rất thận trọng, đừng để tác động lan truyền, làm người dân sợ sệt, e ngại. Ngoài ra, còn có trách nhiệm gián tiếp của người chuẩn bị hồ sơ để trình lên cơ quan có thẩm quyền ký. Các sổ này đều ký cho hộ gia đình, trách nhiệm là của Ủy ban nhân dân cấp quận. Người trình chính là Phòng Tài nguyên môi trường cấp quận.

Nhà báo Như Quỳnh: Ngoài những trường hợp  như trên, các dự án Mường Thanh còn không ít những trường hợp dân đã mua căn hộ, đã vào ở nhưng chưa được cấp sổ hồng do những lỗi như ngoài quy hoạch, vượt tầng...theo giáo sư những trường hợp này thì nên xử lý thế nào?

GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng thành phố cần đưa ra quyết định cuối cùng. Theo quan điểm của tôi, pháp luật dân sự bảo vệ quyền và lợi ích của người dân tham gia vào các giao dịch ngay tình, có nghĩa là tài sản của họ phải được bảo đảm. Có 2 cách, một là yêu cầu người dân ra đi và đập bỏ bất động sản này, hoặc để người dân ở lại và xử lý sai phạm. Trong hoàn cảnh hiện nay, để người dân ở lại, phạt chủ đầu tư, thậm chí đưa ra xử lý hình sự với tội lừa đảo, hình thành cách bất động sản lậu. Đối với hàng lậu thì nhà nước tịch thu. Sau khi xử lý chủ đầu tư, việc công nhận người dân bằng một cuốn sổ hồng là hợp lý.

Nhà báo Như Quỳnh: Rõ ràng, sai phạm của doanh nghiệp được hợp thức hóa qua các quyết định hay hành động của cơ quan quản lý xây dựng (cấp sổ hồng hay thấy vượt tầng nhưng không đình chỉ thi công, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời để người dân vẫn mua), vậy theo giáo sư, người dân có thể kiện cơ quan quản lý trong vụ việc này?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện, vì cấp sổ hồng là quyết định hành chính. Cấp sai, người dân có quyền khởi kiện vì có liên quan đến quyền lợi của mình. Về việc cấp sổ rồi thu lại sổ, nguyên tắc pháp luật là có quyền, nhưng trình tự thủ tục rất phức tạp, không đơn giản là thông báo với ngân hàng thu hồi những quyền sổ hồng có số hiệu thế này… Người dân có quyền khởi kiện, đồng thời khởi kiện cả việc tại sao tòa chung cư tôi ở được hình thành trái pháp luật mà cơ quan nhà nước không xử lý. Người dân có quyền khiếu nại hành chính và khởi kiện tại tòa vì pháp luật về khiếu nại rất mở rộng. Người dân có quyền lực chọn khiếu nại hành chính trước. Có điều người dân Việt Nam ngại khởi kiện, ngại khiếu nại. Tôi cho rằng người dân nên ý thức được quyền của mình. Người dân có quyền khiếu nại, khởi kiện, nhưng khởi kiện, khiếu nại điều gì, cũng cần sự trợ giúp của các luật sư.

Nhà báo Như Quỳnh: Vụ việc của các dự án Mường Thanh chỉ là một trong những sự tùy tiện trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, theo giáo sư bài học sâu sắc nhất cần phải rút ra qua việc này là gì?
GS Đặng Hùng Võ: Một câu hỏi rất lớn được đặt ra là liệu có ‘bôi trơn’ hay không, vì thanh tra nhiều như thế mà không xử lý? Quá trình xây một tòa nhà to giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng sai phạm không ai xử lý. Điều này đặt ra câu hỏi rất lớn: Chúng ta cần phát hiện có ‘bôi trơn’, có lợi ích nhóm, có việc một số cán bộ của chính quyền với nhà đầu tư đứng cùng trong một nhóm lợi ích hay không?
Có những việc phải làm: Thứ nhất, các chung cư này đều bán theo phương thức bán nhà trên giấy. Chúng ta đã có thắt chặt pháp luật hơn là yêu cầu có ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Việc mua bán xảy ra từ trước khi luật kinh doanh bất động sản 2014 chưa có hiệu lực thi hành, nên chúng ta đành phải xử lý. Nhưng với luật mới, phải có ngân hàng đứng ra bão lãnh. Mọi thất thiệt, ngân hàng này phải chịu trách nhiệm. Nên bổ sung quy định, khi chủ đầu tư bán nhà hình thành trên giấy, phải được phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Nhiều trường hợp người dân bỏ tiền ra rồi mới biết đó là dự án ma. Tôi cho rằng từng đó thứ là đủ. Cuối cùng, chúng ta chống tham những như thế nào để không có chuyện bôi trơn, chuyện lợi ích nhóm trong quá trình đầu tư bất động sản, nhất là những bất động sản có giá trị lớn.

Nhà báo Như Quỳnh: Vâng, xin cảm ơn giáo sư Đặng Hùng Võ về những chia sẻ thẳng thắn. Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại ở những chương trình sau.

Góc nhìn thẳng (thực hiện)