- Thiếu tướng Võ Hồng Thắng chia sẻ với Góc nhìn thẳng, nhiệm vụ làm kinh tế của Quân đội nhân dân đã được Đảng, Nhà nước giao từ khi hình thành. Doanh nghiệp quân đội cũng phải bình đẳng với doanh nghiệp khác, ưu thế cao hơn chính là có được lòng tin của nhân dân.


Vừa qua, không ít ý kiến trong dư luận xã hội vừa qua băn khoăn về chức năng, nhiệm vụ làm kinh tế của Quân đội. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, quân đội sẽ không làm kinh tế nữa.

Để tìm hiểu và làm rõ hơn chủ trương này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, TS Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng. 

Cuộc trò chuyện thực hiện bên lề Hội thảo khoa học "Kết hợp kinh tế với quốc phòng: Nhiệm vụ chiến lược lâu dài" do báo Quân đội nhân dân tổ chức hôm 6/7.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, Quân đội sẽ không làm kinh tế. Ông có thể nói gì về thông tin này?

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng: Chủ trương Quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đây là một trong ba nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho Quân đội. Không phải Quân đội muốn làm hoặc do lợi ích của Quân đội mà muốn làm thì làm.

Xuất phát của chủ trương này, chính là thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất. Cho nên, ý kiến ở đâu đó nói rằng, Quân đội không nên làm kinh tế nữa là ý kiến cá nhân.

Thực ra, người ta nói, quân đội làm kinh tế là văn nói, không biểu hiện đúng nội dung bản chất vấn đề. Nhiều khi, bối cảnh của lời nói khác nhau nên người ta hiểu việc này khác nhau.

Trong lịch sử hình thành Quân đội và trong các cuộc kháng chiến, thực hiện nhiệm vụ này, Quân đội nhân dân đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận những kết quả, thành tích rất to lớn, không những góp phần xây dựng Quân đội mà còn góp phần xây dựng phát triển kinh tế của đất nước.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhiều người dân băn khoăn về tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh giữa doanh nghiệp quân đội và doanh nghiệp tư nhân thông thường, lo ngại với ưu thế là doanh nghiệp quốc phòng, có thể có đặc lợi nào đó dẫn tới chèn ép doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng: Tôi nghĩ doanh nghiệp Quân đội cũng có ưu thế hơn doanh nghiệp khác ở chỗ lòng tin của dân cao hơn. Còn về các vấn đề như cạnh tranh, đầu tư sản xuất, giá trị các hàng hoá dịch vụ cung cấp ra thị trường, về tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp quân đội cũng giống như các doanh nghiệp khác, đều phải bình đẳng.

{keywords}
Thiếu tướng, TS Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng chia sẻ về chủ trương xây dựng kinh tế trong Quân đôi (ảnh: Phạm Huyền)

Các doanh nghiệp khác muốn không thua kém các doanh nghiệp quân đội thì phải sản xuất cho tốt, giá cả hợp lý, làm sao bán hàng ra thị trường dân tin, xây dựng thương hiệu của mình lên thì sẽ tốt. Các doanh nghiệp quân đội vốn có tính kỷ luật, có yêu cầu cao nên các sản phẩm cung cấp ra thị trường từ trước tới giờ về cơ bản đều tốt, đều được nhân dân tin. Tôi cho rằng, đó chính là lợi thế của doanh nghiệp quân đội, các doanh nghiệp quân đội không có lợi thế nào khác cả.

Nhà báo Phạm Huyền: Có một số ý kiến lo ngại về hiện tượng các doanh nghiệp tư nhân thuê đất quốc phòng, rồi lợi dụng danh nghĩa Bộ Quốc phòng, thực hiện không tốt ảnh hưởng đến hình ảnh của Quân đội nhân dân. Ông nghĩ thế nào về hiện tượng này?

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng: Đương nhiên, Bộ đã nhìn thấy vấn đề này. Quân uỷ Trung ương đã ra Nghị quyết 1002 ngày 29/12/2016 để chấn chỉnh lại công tác này, lãnh đạo thực hiện việc quản lý đất quốc phòng cho tốt.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tổ chức tổng hợp, thống kê, điều tra, kiểm tra, xem chỗ nào các đơn vị quản lý sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy định của pháp luật thì phải chấn chỉnh, thậm chí là thu hồi để việc quản lý đất quốc phòng đi vào nề nếp thật tốt.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ có những giải pháp gì để đảm bảo chủ trương, chính sách xây dựng kinh tế trong Quân đội được thực hiện minh bạch, khách quan, công bằng?

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng: Hiện nay, trong giai đoạn mới, yêu cầu cao hơn, nội dung thực hiện nhiệm vụ này đặt ra những nội dung cao hơn. Để thực hiện, Thường vụ, Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có những Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện.

Trước đây, chúng tôi có Nghị quyết 71 của Quân uỷ Trung ương, hiện đang thực hiện Nghị quyết 520 của Quân uỷ Trung ương. Vừa rồi, Quân đội nhân dân đã ban hành Thông tư 69 để quản lý nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội.

Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tham mưu, chỉ đạo, giúp kiểm tra lĩnh vực sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội. Các quy định của pháp luật như thế nào thì phải chấp hành đầy đủ, những sai phạm nếu có xảy ra thì kiên quyết xử lý để làm sao, việc thực hiện nhiệm vụ này được tốt hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin trân trọng cảm ơn ông!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Huy Phúc, Xuân Quý, Bạt Tuấn

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn