Sau những e ngại ban đầu, người tiêu dùng giờ đã ý thức đầy đủ hơn và yên tâm với việc sử dụng xăng sinh học E5. Từ thành công bước đầu này, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) sẽ cung ứng khối lượng lớn sản phẩm xăng sinh học E5 cho thị trường cả nước từ năm 2012. Tập trung phát triển hệ thống sản xuất và phân phối nhiên liệu sinh học... đang được xác định là một trong những hướng đi để Petrovietnam góp phần tích cực bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Bài đã đăng trên báo Năng lượng Mới số 1, ra ngày 14/3/2011, chuyên trang Dầu khí đăng lại để bạn đọc hữu ích về một nguồn năng lượng xanh.

Chật vật với… thử nghiệm



Theo "Báo cáo triển vọng môi trường toàn cầu 4" do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 26-10-2007 đã đánh giá Hà Nội và TP HCM là hai trong số sáu thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Vào giờ cao điểm tại Hà Nội, nồng độ bụi tính trung bình gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí CO2 cao hơn 2,5 lần, hơi xăng cao hơn 12,1 - 200 lần tiêu chuẩn cho phép. Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM, hiện nồng độ NO2 trung bình ở TP HCM cao từ 2 - 3 lần tiêu chuẩn cho phép, trong thời điểm kẹt xe, tiêu chuẩn này vượt từ 4 - 6 lần, tỉ lệ bụi trung bình của TP từ 0,37 - 0,68 mg/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 - 2,5 lần.

Khi đó, một sự kiện được cho là khá ồn ào vào tháng 9-2008, lần đầu tiên tại Việt Nam, xăng sinh học do Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB (thuộc Tổng Công ty Dầu Việt Nam) sản xuất được bán với giá rẻ hơn giá xăng thông thường là 500 đồng/lít. Dù giá chỉ rẻ hơn 500 đồng/lít nhưng xăng sinh học lúc ấy giống như “cơn mưa mùa hạ” làm dịu mát tình hình giá cả xăng dầu vốn đang quá gay gắt...

Nhưng chưa đầy một tuần sau, E5 đã biến khỏi thị trường bởi quyết định “cấm thử nghiệm trên diện rộng” của Bộ Công Thương. Quyết định của Bộ Công Thương khi ấy được biết đến là vì “quyền lợi của người tiêu dùng” nên ngừng bán rộng rãi, không thể tiến hành thử nghiệm đại trà, mà chỉ thử nghiệm trên 50 xe taxi đã đăng ký mà thôi. Lý do là trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng Việt Nam và Công ty PVB về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật cho nhiên liệu xăng trộn ethanol.

Trong khi đó, PVB đã ban hành và công bố Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa với xăng E5 “Chế phẩm E5 được hình thành dựa trên cơ sở là 95% xăng A92 và 5% cồn sinh học nguyên chất 99,7%. Hiện tại, cả hai sản phẩm này đều được nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu theo Tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành.

Qua nghiên cứu tại các thị trường đã có sử dụng xăng sinh học ở châu Âu, châu Mỹ và các nước lân cận cho thấy các nước này cũng không ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với xăng sinh học mà chỉ ban hành quy chuẩn đối với chế phẩm này. Tên thương mại của xăng sinh học lấy theo tỷ lệ pha trộn cồn với xăng có được từ dầu mỏ hóa thạch nên có các tên E5, E10...”. Song, thử nghiệm vẫn là quy định bắt buộc. Nhà sản xuất và người dân lại phải chờ...  

Đường đi đã rộng mở


Ngay sau khi Tổng Cục Đo lường Chất lượng Việt Nam cấp giấy chứng nhận hợp quy chuẩn chất lượng Việt Nam, từ tháng 8-2010, Tổng Công ty Dầu Việt Nam đã đưa sản phẩm xăng sinh học E5 quay lại với người tiêu dùng, trước mắt ở thị trường TP HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Hải Phòng và Hải Dương.

Sau đó, người tiêu dùng tại Đà Nẵng, Huế và Cần Thơ được tiếp cận với sản phẩm xăng sinh học E5. Để triển khai nhiệm vụ này, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) đã tiến hành đầu tư lắp đặt 4 trạm pha chế đặt tại các kho Đình Vũ (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Nhà Bè (TP HCM), và Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) để phục vụ nhu cầu kinh doanh xăng E5 trong giai đoạn đầu. Đồng thời, PV OIL cũng là đơn vị triển khai việc nâng cấp các cửa hàng xăng dầu và hệ thống xe bồn để phục vụ việc tồn trữ, vận chuyển và phân phối.

Trước khi chính thức được đưa ra thị trường, xăng sinh học E5 (hỗn hợp của 95% xăng không chì A92 với 5% ethanol, nồng độ 99,7%) đã được kiểm chứng bằng các thử nghiệm chạy động cơ xe ôtô trên băng thử, chạy ôtô thực địa trên các địa hình, chạy đội xe ô tô hiện trường để đánh giá ý kiến người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học E5, đánh giá độ bền động cơ trên xe ôtô tải mới, đồng thời cũng thử nghiệm việc tồn trữ xăng sinh học E5 bằng các bồn chứa ngầm tại các trạm xăng.

Các kết quả thử nghiệm đều cho thấy, xăng sinh học E5 có trị số octan cao hơn so với xăng truyền thống nên đảm bảo chất lượng tốt và góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, việc đưa xăng sinh học E5 vào phục vụ thị trường là một phần nội dung của “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2015” của Chính phủ, đánh dấu một bước phát triển mới trong ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam kỳ vọng việc đưa xăng sinh học E5 vào phục vụ đời sống sẽ góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nông thôn.

Hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang triển khai xây dựng 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học bio-ethanol tại huyện Tam Nông (Phú Thọ), Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và huyện Bù Đăng (Bình Phước). Theo kế hoạch, đến năm 2012, các nhà máy sản xuất ethanol của Petrovietnam sẽ cung cấp khoảng 240 - 300 triệu lít/năm. Cùng với sản lượng của các nhà máy ethanol do các nhà đầu tư khác đang triển khai, lượng cung nhiên liệu sinh học trong nước thời gian tới kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Đa dạng nguyên liệu đầu vào

 
GS, TSKH. Dương Đức Tiến cho rằng, làm xăng từ các cây lương thực như sắn, mía là một bước tiến mới của ngành Công nghiệp năng lượng. Nhưng xăng sinh học còn có thể làm từ tảo biển, hoặc những cây thuộc họ thầu dầu... là nguồn nguyên liệu dồi dào, không tốn kém. Ðiều kiện ở Việt Nam rất phù hợp cho sản xuất nhiên liệu sinh học từ nguồn năng lượng sinh khối. Nhiên liệu sinh học bio-ethanol có thể được sản xuất từ lúa, ngô, sắn, khoai lang và mía đường, còn bio-diesel thì được chế biến từ những loại cây lấy dầu như lạc, đậu tương, vừng, cây hướng dương, dừa và bông.

Trong đó, sắn là nguyên liệu tiềm năng cho sản xuất ethanol và cũng là nguyên liệu đầu vào được Petrovietnam lựa chọn. Ðể có đủ nguyên liệu sản xuất, PV OIL sẽ liên kết với Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đưa giống sắn và kỹ thuật canh tác mới, nâng sản lượng sắn bình quân đạt 18.000 - 25.000 tấn/năm vào năm 2015. Ðồng thời, PV OIL cũng nghiên cứu giống mía cao sản và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ để đạt năng suất 70 - 90 tấn/ha vào năm 2015.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn - Tổng Giám đốc PV OIL: “Trong những năm từ 2012 đến 2014, các nhà máy ethanol chỉ tiêu thụ hết khoảng 16% sản lượng sắn cả nước. Ðến năm 2025, khi ngành sản xuất ethanol phát triển mạnh, cũng chỉ tiêu thụ dưới 50% sản lượng sắn cả nước. Ðến lúc này tôi tin rằng năng suất sắn đã tăng lên rất nhiều so với hiện nay do đầu tư nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong những thời điểm cụ thể, nếu nguyên liệu khó khăn, chúng ta có thể nhập sắn từ Campuchia”.

  • Huy Hoàng (còn nữa)