Không ít LĐNT vẫn loay hoay trên con đường thoát nghèo vì thiếu kiến thức về ngành nghề, thông tin về thị trường… Những lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã giúp họ khắc phục những hạn chế này, tự tạo công ăn việc làm, tổ chức sản xuất, cải thiện đời sống…

Ổn định cuộc sống từ những lớp học nghề

Cách đây 5 năm, anh Trịnh Hiền (Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) nghỉ việc công nhân về nhà xây trang trại chăn nuôi lợn. Tham gia tích cực các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghề mới ngắn hạn do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức, được Hội Nông dân xã hỗ trợ về vốn, từ chỗ khó khăn chồng chất ngày đầu khởi nghiệp, anh Hiền đã tìm ra hướng phát triển cho trang trại. Với quy mô trang trại được xây dựng, quản lý khoa học, khu chuồng lợn được chia thành nhiều dãy riêng biệt nuôi khoảng 130 lợn nái sinh sản, 700 lợn thịt, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu lãi trên 500 triệu đồng.

{keywords}
Ảnh minh họa - Internet
Theo anh Hiền, việc áp dụng kiến thức được học về vệ sinh chuồng trại, điều trị, phòng bệnh cho vật nuôi giúp anh tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những kiến thức được học tại lớp học nghề thực sự rất hữu ích cho những người lao động nông thôn như anh.

Việc tham gia lớp đào tạo nghề cũng giúp anh Nguyễn Văn Hải (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thay đổi cách nghĩ, tìm ra hướng phát triển kinh tế mới. Thay vì chỉ kinh doanh, sửa chữa đồ điện tại nhà, anh Hải quyết định xây dựng mô hình trang trại tổng hợp kết hợp nuôi gà, vịt, chim cút và thả cá, đem lại thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Thực tế, các lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã phát huy hiệu quả tại địa phương, giúp người nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình hay trong phát triển kinh tế, từ đó phát triển sản xuất, tăng năng suất, thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Tại Vĩnh Phúc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Sau 4 năm, tỉnh tổ chức được 1.050 lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho 149.400 lượt người lao động, mở 58 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghề ngắn hạn cho 2014 người lao động với tổng kinh phí thực hiện gần 670 triệu đồng. 4 năm, tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 19.900 LĐNT.

‘Chìa khóa’ xây dựng nông thôn mới

Công tác dạy nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức được nhiều địa phương trên cả nước xác định là “chia khóa” giúp LĐNT đứng vững với nghề, từ đó, giúp địa phương phát triển nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Với mục tiêu này, huyện Văn Yên - Yên Bái đã gắn đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để LĐNT tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện và sở trường của từng người; khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề ở tất cả xã, thị trấn; định kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực đào tạo, hướng dẫn các đơn vị dạy nghề xây dựng kế hoạch, chương trình tuyển sinh…

{keywords}
Ảnh minh họa - Internet 
Hiện nay, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên của huyện dạy các nghề chính như: trồng lúa, chăn nuôi, thú y, chế biến lâm sản, trồng nấm, may mặc,điện dân dụng… Các môn học được thực hành tại cơ sở để nâng cao tay nghề. Hàng năm, Trung tâm còn phối hợp, ký kết với một số doanh nghiệp để lao động sau đào tạo có việc làm ngay. Hết năm 2014 Văn Yên có 3.800 lao động đã đào tạo. Qua đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 21,2 triệuđồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,04%, lao động được giải quyết việc làm mới và việc làm thêm bình quân đạt khoảng 3.000 người.

Gắn đào tạo với giải quyết việc làm, tại Bắc Kạn, các ngành nghề đào tạo được tỉnh tổ chức triển khai đa dạng và ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Có thể kể đến các lớp nghề như: Sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng rau, chăn nuôi, ủ phân vi sinh, làm bún khô, miến dong, lái xe, điện dân dụng, điện tử công nghiệp, kỹ thuật xây dựng… Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao và được nhân rộng như: Mô hình chuyên canh cây cam, quýt tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cho thu nhập trung bình mỗi hộ từ 120 - 150 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi gà tại huyện Chợ Mới, trồng chè tại xã Mỹ Phương (Ba Bể), mô hình du lịch cộng đồng tại các xã ven hồ Ba Bể…

Trong thời gian tới, để nâng cao công tác đào tạo nghề, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề từ đó xây dựng những mô hình dạy nghề, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới; phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động.

M.M (tổng hợp)