- "5 năm trước, tôi khó chịu còn bây giờ tính tình tôi đã thay đổi. Còn việc bảo tôi tài năng thì không phải" - KTS Võ Trọng Nghĩa nói trong phần 2 buổi trò chuyện với Hotface.

Clip1: Võ Trọng Nghĩa nói về cuộc sống, sự kiêu ngạo.

Clip 2: Võ Trọng Nghĩa đã giản dị hơn, thôi hàng hiệu, chải chuốt.

Xem toàn bộ phần 2 buổi trò chuyện với kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa

Nhà báo Quỳnh Loan: Một kiến trúc sư “vẽ mẫu thiết kế giỏi” chưa chắc đã “vẽ cuộc sống” giỏi, anh nghĩ sao về ý kiến này?

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa: Ngày xưa tôi vẫn nghĩ một KTS phải nghệ sĩ, phải thế này thế nọ. Sau này tôi thấy một KTS phải là người có kỷ luật, rất kỹ thuật, trật tự mới có thể làm. Ngoài công trình xanh, công trình chi tiết, phải biết cách sắp xếp mọi thứ để thực hiện ý tưởng của mình. Vì vậy, sắp xếp một cuộc sống gia đình có trật tự cũng không có gì khó khăn.

Thiền giúp anh giải quyết tốt công việc nhưng trong cuộc sống riêng anh ngộ ra điều gì từ việc học thiền?

- Nó tuyệt đối tốt bạn ạ. Khi về nhà tôi tập trung tuyệt đối cho thời gian ở nhà, dành nguyên năng lượng cho gia đình. Nói chung, ở đâu tôi tập trung tối đa ở đó. Vợ tôi cũng đi thiền nên giữa hai vợ chồng không có mâu thuẫn. Đối với con cái tôi có thể chú tâm quan sát, hiểu theo cách của nó, chơi với nó như bạn.

Anh tham gia giảng dạy thiết kế kiến trúc ở nước ngoài. Thế nhưng lại không giảng dạy cho sinh viên Việt Nam. Lý do tại sao?

- Tôi từng dạy ở Singapore và Nhật. Tôi cũng mong muốn và nếu có cơ hội được chia sẻ cùng sinh viên Việt Nam. Tôi sinh ra là người Việt Nam, hiện tại đang ở và làm việc tại Việt Nam mà. (cười).

Anh nghĩ gì khi nhiều người nhận xét Võ Trọng Nghĩa là KTS tài năng nhưng kiêu ngạo, khó nói chuyện và phí thiết kế đắt?

- Có thể mọi người đúng, ở vài điểm. Bốn, năm năm trước gặp tôi là người khó chịu, trong lòng khó chịu và phát cái khó chịu đó ra ngoài. Nhưng nhờ thiền tôi đã giải quyết sự khó chịu một cách tổng thể. Bây giờ tính tình tôi đã thay đổi. Còn về việc bảo tôi tài năng thì không phải (cười).

Đương nhiên, có những lúc tôi bận quá không thể tiếp chuyện hay gặp gỡ nhiều người nên họ cho rằng mình kiêu ngạo. Phải chấp nhận thôi, đó là cái phải trả cho sự bận rộn.

Còn về phí thiết kế ở nhiều nước họ quy định rõ ràng là 5%. Nhưng ở Việt Nam chi phí đó chỉ tầm khoảng 2-3%, vậy đâu có gì đắt? Tôi thiết kế lỗi vài việc nhỏ thôi thì chi phí tăng lên 5-10% là chuyện thường. Theo tôi, mọi người nên trả tiền thiết kế phí cao cho các thiết kế tốt, như thế thành phố sẽ đỡ tạo ra các công trình rác đô thị. Có thể giá trị tuyệt đối cao nhưng như thế sẽ rẻ hơn hoặc hợp lý hơn về chi phí.

Thứ hai, theo tôi các tầng lớp của các công trình, ví dụ 10 năm, 50 năm, 100, 200, 300 năm… ở Việt Nam gần như  không có. Các công trình có độ bền đạt như thế phải có tầng lớp, lớp lang kiến trúc nhiều mới tạo ra nền văn hóa kiến trúc được. Mà muốn như thế phải thiết kế đúng, tốt, phải xây dựng tốt mới tạo ra những công trình kiến trúc bền được hàng trăm năm.

Thật khó tin vì một KTS nổi tiếng nhưng hầu như anh không mở rộng quan hệ, không nhậu nhẹt, cà phê, thuốc lá, thậm chí không xem tivi?

 - Đúng là tôi tuyệt đối không xem tivi, thuốc lá không hút, bia rượu cũng không. Café lâu lắm mới uống với bạn bè thân thiết, nhưng mấy tuần nay cũng không uống. Tất cả những cái đó giúp tôi tiết kiệm vô số thời gian lẫn tiền bạc.

Ví dụ như để uống một ly cà phê chất lượng phải bỏ ra 30 – 35 ngàn đồng, cái đó dành cho những người buồn ngủ, còn tôi có buồn ngủ đâu? Cả ngày tôi làm việc không hề buồn ngủ. Còn về mối quan hệ, tôi có những người bạn rất tốt. Nhưng có những người bạn nếu gặp nhau để nói về một ai đó hay nói những điều tiêu cực  hoặc mất tập trung đến mức độ mỗi ông cầm một cái điện thoại thì gặp nhau để làm gì? Bạn thử làm phóng sự, thu âm lại cuối cùng câu chuyện họ nói ở bàn nhậu là gì? Đảm bảo không có nội dung gì cả.

Nếu tính về số lượng, anh hiện là KTS có số lượng giải thưởng nhiều nhất tại Việt Nam?

- Trong công ty chúng tôi có danh sách các giải thưởng nên nộp. Mọi người đến ngày, tháng vẫn nộp. Đào tạo người qua việc nộp giải thưởng giúp họ có kỹ năng làm việc nhóm với nhau. Thực tế, được giải thưởng trong công ty không ai nói nhau tiếng nào, không quan tâm, không hề có bữa tiệc nào cũng như chưa hề chạm cốc một ly bia nào chúc mừng đạt giải thưởng. Nghe có vẻ lạ phải không?...

Có một điều khá thú vị, ngày xưa ai gặp thấy anh chải chuốt, chỉn chu ngoại hình với hàng hiệu từ đầu đến chân. Còn giờ đây nhìn anh có vẻ giản dị và sống đạm bạc hơn. Anh giải thích sao về sự thay đổi này?

- Nó cũng bắt nguồn từ thiền. Thiền giúp tôi thấy việc gì cần hay không cần. Cái áo mấy trăm nghìn, cái quần chưa đến một triệu thấy vậy là phù hợp rồi, là đủ. Tôi cảm thấy không phụ thuộc vào vật chất, không tạo ra áp lực phải đi lấy quan hệ hay lấy thêm việc, thay vào đó sẽ tập trung vào làm công việc mình cho là tốt.

Quỳnh Loan - Sơn Hà - Hoàng Thuyên - Xuân Phúc
Ảnh: Đinh Anh Tuấn