- Không chỉ am hiểu về lịch sử, tham gia viết báo mà nhà sử học Dương Trung Quốc còn được biết đến với vai trò là Đại biểu quốc hội. Trong cuộc trò chuyện với Hotface, ĐBQH Dương Trung Quốc tiết lộ nhiều chuyện nghị trường thú vị...
Clip 1: Ông Dương Trung Quốc kể lại lần chất vấn Thủ tướng
Clip 2 : Ông Dương Trung Quốc và hậu trường Quốc Hội.
Xem toàn bộ phần 1 cuộc trò chuyện với ông Dương Trung Quốc.
Nhà báo Phạm Huyền: Cho đến thời điểm này, ông đã trải qua bốn kỳ Quốc hội, những kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất kể từ những ngày đầu trở thành đại biểu?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Bốn nhiệm kỳ kéo dài 15 năm là một quãng thời gian khá dài với một đời người. Trong suốt quãng thời gian ấy, tôi đã có rất nhiều trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ. Có lẽ điều tôi nhớ nhất chính là những gì liên quan đến Quốc hội, những thay đổi của Quốc hội có sự đóng góp của bản thân mình. Phát biểu đầu tiên trước Quốc hội đúng với nghề nghiệp của tôi, họp Quốc hội khóa XI bàn về nhân sự cao cấp.
Trước giờ, chúng tôi vẫn theo thông lệ giới thiệu một người và bầu một người. Ngày hôm đó, thầy của tôi, thầy Lê Bộ Hãn, người tham gia viết lịch sử Quốc hội đã gọi tôi ra hành lang và thắc mắc tại sao giới thiệu một người và bầu một người. Vì thế, ngay trong Quốc hội, tôi đã phát biểu dựa trên kiến thức lịch sử của mình. Đó là cuộc bầu cử lần đầu tiên chỉ bầu ra được 6 người trong 76 người, như vậy mới có tính chọn lựa cao. Còn hiện nay, mọi người lấy giới thiệu tín nhiệm là chính.
Được biết, ngay kỳ họp đầu tiên khi ông trở thành đại biểu, ông đã đề xuất các đại biểu Quốc hội phải hát Quốc ca. Ông có thể giải thích vì sao lại có ý tưởng đó?
- Đó là sự ngạc nhiên đầu tiên của tôi khi ngày hôm đó, hát Quốc ca có một dàn hợp ca của các bạn trẻ hát hộ. Tôi thắc mắc tại sao không để chúng tôi tự hát và nhìn quanh thấy có nhiều vị không hát bao gồm cả lãnh đạo. Nhân dân xem trên truyền hình hoàn toàn có thể thấy các đại biểu Quốc hội không hát. Đó là điều tôi không hiểu, vì hát Quốc ca là việc rất bình thường. Tôi kể lại câu chuyện các cháu trường câm điếc tại tỉnh Đồng Nai đã hát Quốc ca bằng hình thể, bằng động tác, thể hiện một tinh thần rất đáng khâm phục. Lúc ấy, bác Vũ Mão, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng rất đồng cảm với tôi và ghi vào trong biên bản "Các đại biểu Quốc hội hát Quốc ca".
Mọi người vẫn còn nhớ tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (khóa XIII), ông đã có những chất vấn với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây xôn xao dư luận. Đặc biệt là việc đặt vấn đề đoạn tuyệt với văn hóa xin lỗi và hướng tới văn hóa từ chức. Nhớ lại buổi chất vấn đó, ông có suy nghĩ gì?
- Thực ra lần chất vấn đó cũng nằm trong bối cảnh chung chứ tôi không đi vào chi tiết vì trước đó tôi đã có những trao đổi với Thủ tướng bằng ý kiến của tôi về phát biểu của Thủ tướng. Tôi nói câu chuyện đó giữa lúc xảy ra nhiều hiện tượng xã hội, chuyện đó rất phổ biến. Tôi chỉ nhắc lại chuyện đó trước Thủ tướng và tôi nghĩ đó là một nhắc nhở cần thiết.
Thưa ông, trong thời buổi cơ chế thị trường như hiện nay, các đại biểu Quốc hội sẽ gặp phải những sức ép như thế nào?
- Bản thân tôi nghĩ việc mình có thể đóng góp cho đất nước chính là nhờ vào việc giữ mối quan hệ rộng để có thể lắng nghe, chắt lọc và phản biện được nhiều ý kiến và biến những điều đó thành của mình rồi truyền đạt tới Quốc hội. Có rất nhiều lĩnh vực không am hiểu, nhưng nếu tôi có quan hệ tốt với các tổ chức, nhất là các tổ chức về nghề nghiệp, chuyên môn, họ sẽ cung cấp thông tin cho mình. Tôi may mắn khi có rất nhiều anh em trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mỗi khi Quốc hội đưa ra một vấn đề, họ đều phản ánh ý kiến của họ, có cả những ý kiến phê phán, yêu cầu, đòi hỏi. Tôi tổng hợp những ý kiến đó lại biến chúng thành nhận thức của mình, kết hợp với sinh hoạt Quốc hội giúp tôi trưởng thành hơn.
Tôi muốn kể một câu chuyện đáng nhớ của mình. Vào kỳ họp Quốc hội thứ XII, chúng tôi bàn về cao trình của đập thủy điện Sơn La. Khi đó họ phân tích đập càng cao bao nhiêu, hiệu quả kinh tế càng lớn bấy nhiêu nhưng vì hồ rộng nên áp lực nước sẽ lớn. Còn nếu đập thấp, hiệu quả kinh tế thấp nhưng an toàn. Quốc hội đã truyền một ý kiến chính thống của một tổ chức nghề nghiệp nổi tiếng về thủy lợi rằng nếu xây đập cao quá mà bị vỡ, có thể làm trôi một chiếc xe tăng từ Hòa Bình ra Hạ Long. Lúc đó chúng tôi phải đưa ra quyết định nhưng tôi không am hiểu về vấn đề này. Rất may mắn, trong một tuần sau đó, tôi gặp 3 nhân vật đều là những người có trí tuệ và trách nhiệm.
Người đầu tiên, bác Võ Nguyên Giáp có nói với tôi: "Đúng là chúng ta rất cần sức mạnh về kinh tế nhưng cũng không được quên cảnh giác vì nếu cao trình của đâp cao, mặt nước sẽ rất rộng và thủy quân từ bên kia biên giới có thể sang được. Đây là thời kì có nhiều tư tưởng khủng bố, và nếu khủng bố nhắm vào đập sẽ rất nguy hại. Vì vậy chúng ta cần hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm an toàn". Người thứ hai là thầy của tôi, ông Trần Văn Dậu. Thầy nói với tôi: "Nước mình dài, bên cạnh việc xây dựng một tổ hợp về điện lực cả nước, chúng ta cũng cần xây những công trình vừa và nhỏ rải rác khắp mọi nơi để nếu sau này gặp thiên tai hay có địch, chúng ta vẫn có thể ứng phó''.
Người thứ ba là bác Kiệt. Tôi đến thăm bác ngay sau ngày mừng thọ 80 tuổi và nghe bác chia sẻ quan điểm: "Nước ta phải nhanh chóng giàu vì giàu mới mạnh được. Để làm công trình này, chúng ta cần khai thác tối đa những hiểu biết, trí tuệ, kinh nghiệm của các bạn Liên Xô cũ về làm đập. Sau này, ta cần mời thêm chuyên gia phương tây về tham khảo ý kiến. Bác đưa ra lời khuyên làm đập cao trái ngược với hai người trước.
Trước tình thế đó, tôi đành phải cộng ba ý kiến lại chia đôi lấy trung bình. Mỗi người có trí tuệ lớn, trách nhiệm lớn sẽ có một suy nghĩ khác nhau. Một đại biểu Quốc hội phải xây dựng một hệ thống luật pháp, quyết định vấn đề quan trọng phải làm sao để mọi quyết định đưa ra đều có sơ sở, thỏa đáng, nhất là những vấn đề không thuộc chuyên môn của mình. Đại biểu Quốc hội cần biết khai thác chất xám của những người khác bằng nhiều cách khác nhau. Theo tôi, việc tổng hợp ý kiến của nhiều người và biến thành của mình là điều rất khó.
Ông có bí quyết gì khiến các đại biểu Quốc hội khác cảm thấy thuyết phục mỗi khi đưa ra những ý kiến hay đề xuất?
- Thứ nhất, không được phép nghĩ gì nói nấy. Tất cả những gì mình định nói đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vì mỗi kì họp Quốc hội cũng không có nhiều thời gian, bởi vậy từng vấn đề, từng bộ luật, nội dung đều được cân nhắc trước khi phát biểu. Nhiều lúc tôi thấy cần nghe hơn cần nói, khi nào tôi cảm thấy cần nói tôi sẽ nói. Một số bà con cử chi có tâm lý chung nếu không thấy người nào đó xuất hiện, đóng góp ý kiến trên truyền hình sẽ nghĩ là người đó không làm gì cả.
Nhiều đại biểu cảm thấy áp lực vì sợ nếu mình không phát biểu sẽ bị bà con coi thường nên ai cũng cố gắng phát biểu khiến chất lượng phát biểu giảm và ảnh hưởng đến thời lượng cuộc họp. Mặc dù gần đây Quốc hội đã có sự điều chỉnh về thời lượng hay có những cuộc đối thoại nhưng vẫn không đáp ứng hết được.
Tôi cảm thấy Quốc hội vẫn hành chính hóa quá, nước khác họp Quốc hội đến nửa đêm là chuyện bình thường nếu mọi việc chưa đi đến thống nhất, tại sao chúng ta lại hạn chế điều đó. Tôi cho rằng cần tạo ra một diễn đàn tốt, cơ chế điều hành tốt sẽ dẫn đến chất lượng, hiệu quả cao. Nhất là khi có sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, người dân sẽ hiểu được Quốc hội làm những gì và cảm nhận được vị trí của Quốc hội trong cuộc sống của họ.
Trải qua 15 năm với bốn nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, điều gì khiến ông hài lòng về bản thân nhất cũng như còn điều gì khiến ông tiếc nuối?
- Điều hài lòng nhất có lẽ là sự thay đổi tích cực của Quốc hội mặc dù còn quá chậm. Có một điều tôi băn khoăn đến tận bây giờ và rất nhiều lần tôi không thuyết phục được Quốc hội đó chính là tính minh bạch và quyền giám sát của người dân đối với Quốc hội. Những việc nghiêm trọng xảy ra vừa qua, đặc biệt là việc làm thất thoát tài sản đất nước, chúng ta có thể đặt tất cả trách nhiệm đó vào Chính phủ nhưng có ai hỏi Quốc hội ở đâu, Quốc hội giám sát như thế nào.
Ví dụ như vụ việc dầu khí. Tôi thấy Quốc hội luôn ca ngợi dầu khí là ngành đóng góp ngân sách nhiều nhất nhưng nếu Quốc hội làm tốt công tác giám sát, sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực. Tôi nhớ, nhiệm kì đầu tiên tôi tham gia, việc biểu quyết còn rất thô sơ, nhưng tôi rất thích. Ai đồng ý sẽ cầm biển của mình giơ lên, rất thẳng thắn, rõ ràng. Nhưng bấm nút lại ẩn danh, tôi có thể nói đồng ý nhưng bấm không đồng ý cũng không ai biết trừ nhưng người có trách nhiệm kiểm soát.
Việc ứng dụng công nghệ là điều rất hoan nghênh, nhưng khi đã biểu quyết công khai, phải công khai danh tính. Thậm chí có những trường hợp đáng xấu hổ, số liệu không chính xác, thay đổi không nhất quán vì có người không bấm nút, có người lại bấm hai lần, người dân sẽ đánh gía làm việc không nghiêm túc. Tôi đã kiến nghị bằng văn bản với Quốc hội nhiều lần. Ở các nước khác, biểu quyết đều công khai. Tôi nhớ bên Anh có hai cửa, những ai đồng ý đi cửa này và những ai không đồng ý sẽ đi cửa kia sau đó ra đến cửa sẽ ký vào biên bản và được lưu giữ lại. Việt Nam vẫn chưa thể minh bạch được như vậy.
Ông mong muốn Quốc hội sẽ thay đổi như thế nào để thể hiện tốt nhất vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất?
- Tất nhiên tôi mong Quốc hội dân chủ hơn, minh bạch hơn. Còn dân chủ như thế nào, chúng ta phải suy nghĩ để vừa phù hợp với giá trị chung vừa phù hợp với hoàn cảnh nước ta để xây dựng một cơ chế dân chủ thúc đẩy sự phát triển. Trong đó, tôi cho rằng quan trọng nhất chính là chất lượng các đại biểu Quốc hội.
Được biết Quốc hội kỳ họp này sẽ rút ngắn thời gian lại. Ông đã có những chuẩn bị, dự trù như thế nào cho công việc của mình?
- Chương trình của Quốc hội được giới thiệu rất sớm để các đại biểu nghiên cứu những gì có thể đóng góp hay bức xúc để chuẩn bị kỹ hơn. Tôi không có thói quen chuẩn bị theo hướng viết sẵn mà luôn lấy cảm xúc, cộng với những hiểu biết của mình để nói. Tôi có nhiều diễn đàn khác nhau để nói chứ không nhất thiết phải nói trước toàn thể Quốc hội. Tôi cũng có rất nhiều kiến nghị bằng văn bản. Điều băn khoăn lớn nhất hiện nay của tôi chính là vấn đề đặc khu. Đây là vấn đề cần cực kỳ thận trọng vì ba không gian đó là ba mặt tiền huyết mạch đất nước. Tôi đang suy nghĩ kỹ về việc kéo dài 99 năm nên được chuyển đổi dần đi.
Phần 2: Ông Dương Trung Quốc với lần ăn Tết mất ngon vì bị chê "tứ đại ngu"
Phạm Huyền - Sơn Hà- Xuân Quý - Huy Phúc - Đức Yên
GS Nguyễn Lân Dũng và 1001 chuyện "cười ra nước mắt"
Là khách mời chương trình Hotface, Giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã có những tiết lộ về câu chuyện đêm tân hôn "khó đỡ", về người cha cũng như mối quan hệ của những người con dòng họ Nguyễn Lân.
Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ khóc kể chuyện khiến ông ám ảnh
GS Đặng Hùng Võ đã không cầm được nước mắt khi kể lại câu chuyện ám ảnh mà ông chứng kiến khi còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường.
GS Đặng Hùng Võ tiết lộ hôn nhân với vợ kém 30 tuổi
GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi là người đàn ông khác biệt và phóng khoáng trong tình yêu. Trải qua ba cuộc hôn nhân ông tự rút ra kinh nghiệm rằng, tình yêu luôn là đam mê để người ta theo đuổi.
Nỗi đau giấu kín của "vua châm cứu" Nguyễn Tài Thu
"Con trai tôi mất đột ngột nên đến giờ tôi vẫn khóc.... Tất nhiên những cái đó cũng phải bí mật, không thể biểu hiện trước mặt bác gái".
Cuộc sống "vua châm cứu" Nguyễn Tài Thu giờ ra sao?
Nhiều người phong tặng GS, bác sĩ Nguyễn Tài Thu là "Ông vua châm cứu" nhưng ông chỉ nhận là thầy thuốc chữa bệnh cứu người.