"Đông trùng hạ thảo" là cụm từ rất quen thuộc, nhưng bạn có biết nó cụ thể là gì? Mục Giải đáp khoa học tuần này sẽ giúp bạn đọc những thông tin thú vị về loài sinh vật này.

Bạn đọc ở địa chỉ anha...@hotmail.com hỏi:


Em học sinh vật, thấy nói động vật và thực vật là hai giới khác hẳn nhau. Sao lai thấy trên báo chí quảng cáo cái gọi là “đông trùng hạ thảo” – nghĩa là mùa đông là một côn trùng, mùa hè là cây cỏ. Đó là cái gì vậy? Là “cây” hay là “con”?


Trả lời:

Nếu coi “đông trùng hạ thảo” chỉ là hai giai đoạn của một cuộc đời của sinh vật này thì đúng như tên gọi, nó vừa là cây vừa là con. Nhưng thực ra, hai giai đoạn ấy là riêng biệt nhưng nối tiếp nhau.

Cầm một (cây hay con cũng được) “đông trùng hạ thảo” dù đã phơi khô lên xem, bạn vẫn thấy hai phần rõ rệt: phần dưới là một con sâu và từ đầu con sâu ấy mọc lên một mầm lá.

Chẳng là, có một loài bướm (người ta gọi là bướm dơi) trong chi Thitarodes (chi này có tới 40 loài) mùa hè nhởn nhơ bay lượn, cặp đôi và đẻ trứng. Vào mùa đông trứng nở ra sâu non, sống trong đất.

"Đông trùng hạ thảo".

Không rõ vì sâu ăn phải hoặc bị bào tử của nấm trùng thảo (tên khoa học là Cordyceps sinensis thuộc nhóm Ascomycetes) ký sinh trên các lỗ thở, mà chúng bị loài nấm này xâm nhập vào cơ thể.

Các sợi nấm bắt đầu phát triển mạnh nhờ hút các chất dinh dưỡng từ cơ thể con sâu non và lớn dần lên. Dần dần, do chất dinh dưỡng bị nấm “ăn hết”, chỉ còn lại lớp vỏ bì bên ngoài nên sâu không thể lột xác để thành bươm được nữa.

Mùa xuân đến, khi thời tiết và nhiệt độ thích hợp, nấm sợi mọc dài ra từ râu xúc giác của con sâu, cắm sâu vào mặt đất. Đoạn đầu
của nấm phình to ra, hình dạng giống như một cái que, trên bề mặt có rất nhiều bào tử hình cầu nhỏ xíu, phát tán trong không khí…lại đi tìm sâu bướm dơi để ký sinh bắt đầu cuộc đời mới.

Người xưa cho rằng loaì sâu mùa đông ấy đã biến thành ngọn cỏ mùa hạ này nên gọi là “đông trùng hạ thảo”. Đây là một loại dược phẩm rất quý của Đông y, nên người ta đua nhau đi thu nhặt, phơi khô để bán.     

Vì các loài nấm này chỉ phân bố ở châu Á và châu Úc, đặc biệt  là các cao nguyên cao hơn mặt biển từ 4.000 đến 5.000 m như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam... nên chỉ những vùng này người ta mới tìm thấy đông trùng hạ thảo.

Đông trùng hạ thảo khi còn sống, có thể thấy rõ hình con sâu, với đuôi là một cành nhỏ, mọc lá. Phần "lá" hình dạng giống ngón tay, dài khoảng 4 – 11 cm do sợi nấm mọc dính liền vào đầu sâu non mà thành. Sâu non giống như con tằm, dài chừng 3-5 cm, đường kính khoảng 0,3 - 0,8 cm.

Bên ngoài có màu vàng sẫm hoặc vàng nâu với khoảng 20-30 vằn khía, đầu có màu nâu đỏ, đuôi giống như đuôi con tằm, có tất cả 8 cặp chân, nhưng 4 đôi ở giữa là rõ nhất. Chất đệm nấm hình que cong mọc ra từ mình sâu non, dài hơn sâu non một chút.
Sâu non dễ bẻ gãy, ruột bên trong căng đầy, màu trắng hơi vàng; chất đệm nấm khá dài và bên trong ruột hơi rỗng, có màu trắng ngà.

Cái sinh vật “vừa cây vừa con” này được Đông y coi là một loại thuốc quý, vì có nhiều hoạt chất dùng để chữa các loại bệnh nan y tập trung ở phần “hạ thảo”. Có dịp chúng ta sẽ trở lại đề tài này.

ĐÍNH CHÍNH
Trong bài giải đáp khoa học "Biết nhóm máu có lợi gì", do sơ xuất trong khâu biên tập, chúng tôi đã nhầm khi giải thích thông tin về khả năng cho nhận của nhóm máu AB. Cụ thể, trong bài có đoạn viết: "Nhóm AB có thể truyền cho cả 4 nhóm nhưng chỉ nhận được nhóm AB". Nay xin được đính chính lại như sau: "Nhóm AB có thể nhận được cả 4 nhóm nhưng chỉ truyền được cho nhóm của mình là AB".
Chúng tôi thành thực xin lỗi vì sai sót này. Rất mong sự góp ý của các độc giả.
Mọi góp ý, câu hỏi xin gửi về bankhoahoc@vietnamnet.vn

Song Hà