Ảnh vệ tinh mới công bố hé lộ, một hòn đảo sơ sinh, ra đời từ sự phun trào không ngừng của một núi lửa dưới đáy biển Thái Bình Dương, đã nuốt chửng cả người hàng xóm già cỗi hơn.


{keywords}

Đảo Niijima (phải) mới trồi lên ngày 20/11/2013 gần đảo Nishino-shima ở Thái Bình Dương. 

Tháng 11/2013, một hòn đảo mới hình thành từ vụ phun trào núi lửa dưới đáy Thái Bình Dương đã trồi lên ở khu vực quần đảo Bonin, cách thủ đô Tokyo của Nhật khoảng 1.000km về phía nam, nằm trên rìa tây của "vành đai lửa" Thái Bình Dương. Hòn đảo có tên gọi là Niijima này đã làm sôi sục nước biển, phun hơi nóng, tro bụi và nham thạch vào không khí.

Một số người từng cho rằng, Niijima có thể sụp đổ xuống lòng biển sau thời gian ngắn trồi lên trên mặt nước. Tuy nhiên, hòn đảo nhỏ hình chóp, màu đen này vẫn không ngừng phát triển. Theo bức ảnh do vệ tinh Landsat 8 chụp và vừa được công bố, đảo Niijima thậm chí đã "xơi tái" hàng xóm Nishino-shima, một hòn đảo núi lửa lớn hơn, tọa lạc gần đó.

{keywords}

Ảnh vệ tinh Landsat 8 chụp ngày 30/3 hé lộ, đảo Niijima đã xơi tái đảo hàng xóm Nishino-shima. 

Kết quả là, một hòn đảo kết hợp ra đời, với chiều ngang gần 1.000 mét, theo Đài quan sát Trái đất của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Hòn đảo mới cũng tăng gấp 3 chiều cao kể từ tháng 12 năm ngoái và hiện trồi lên hơn 60 mét so với mặt nước biển.

Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật cho biết thêm rằng, hòn đảo kết hợp đánh dấu đỉnh của một núi lửa khổng lồ dưới biển, vốn đã không phun trào kể từ cơn thịnh nộ dữ dội trong giai đoạn 1973 - 1974. Các dòng nham thạch hoạt động mạnh mẽ nhất hiện nằm ở phần phía nam của đảo mới, với các cột tro bụi tiếp tục gia tăng, tạo thành một dải mây trắng phía trên đầu.

"Hình dạng phát tỏa không ngừng của dải mây có thể là sự phản chiếu núi lửa phun trào. Các vụ phun trào núi lửa kiểu Strombolian này đặc trưng bằng bong bóng dung nham và khí phút ra thành xung từ trong lòng Trái đất. Dưới nước, trầm tích dường như bị khuấy đảo thành một chùm màu xanh, lan dài theo hướng đông của đảo", NASA giải thích.

Tuấn Anh (Theo Live Science)