Sự hứng thú của chúng ta với các xác ướp chưa bao giờ phai nhạt. Giờ đây Bảo tàng Anh đang sử dụng nhiều công nghệ mới nhất để từng bước vén màn bí ẩn đã bao quanh các xác ướp trong một thời gian rất dài.

Bảo tàng Anh có một bộ sưu tập phong phú các xác ướp Ai Cập và Sudan. Một số đã nằm tại bảo tàng suốt 100 năm qua.

"Tháo băng" xác ướp

Tưởng như quãng thời gian rất dài đã đủ để người ta hiểu hết về các xác ướp. Nhưng giờ đây, nhờ công nghệ hình ảnh hiện đại, bảo tàng vẫn tiếp tục phát hiện thêm các bí mật mới nằm dưới lớp vải quấn xác.

Kể từ những năm 1960, Bảo tàng Anh đã dùng công nghệ chụp X quang để nghiên cứu xác ướp. Tiếp đó họ dùng công nghệ chụp cắt lớp CT và giờ là công nghệ CT có khả năng mang tới hình ảnh 3 chiều, với độ phân giải rất cao.

{keywords}

Xác ướp Tamut, ngôi sao của cuộc triển lãm.

Tháng tới, Bảo tàng Anh sẽ tổ chức cuộc triển lãm mang tên Ancient Lives, New Discoveries (Các cuộc sống cổ xưa, các phát hiện mới mẻ), gồm việc trưng bày 8 xác ướp bên cạnh các tấm ảnh chụp cắt lớp 3 chiều. 8 xác ướp này thuộc về 8 cá nhân từng sống ở Ai Cập hoặc Sudan vào giữa năm 3.500 trước Công nguyên và 700 sau Công nguyên. Họ gồm cả những người nghèo sống ở Sudan, được ướp xác tự nhiên nhờ cát nóng và những nhân vật cấp cao ở Ai Cập, đã được ướp xác cẩn thận, dưới bàn tay của các bậc thầy.

Tại triển lãm, bảo tàng cho thấy người ta hoàn toàn có thể "tháo" theo phương thức ảo, từng lớp vải đã quấn kín lấy xác ướp và thậm chí còn kiểm tra giải phẫu nội tạng, thông qua việc sử dụng phần mềm đồ họa chuyên nghiệp vốn chỉ dùng trong nghiên cứu kỹ thuật xe hơi. Công nghệ mới đã giúp bảo tàng hiểu rõ từng xác ướp chết vì nguyên nhân gì. Họ cũng thu được nhiều kiến thức hơn về quy trình liệm và ướp xác.

Tượng sáp ong trong lồng ngực

Ví dụ lâu nay người ta vẫn biết rằng phần não xác ướp Ai Cập sẽ bị gỡ bỏ thông qua đường mũi. Nhưng ngoài điều này, các hoạt động khác trong quy trình ướp xác vẫn chìm trong bí ẩn, bởi có rất ít công cụ phục vụ ướp xác còn tồn tại tới nay.

Tuy nhiên một bản chụp cắt lớp 3 chiều đã hé lộ ánh sáng về điều này. Nó cho thấy một nghệ nhân ướp xác đã mắc lỗi trong khi thao tác, dẫn tới việc làm gẫy công cụ lấy não. Một phần công cụ này đã bị kẹt ở trong hộp sọ xác ướp và người ướp xác đã không thể lấy nó ra.

{keywords}

Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy lá bùa nằm ở chân của Tamut.

Xác ướp có mảnh công cụ bị kẹt lại này là đàn ông, từng sống trong khoảng năm 600 trước Công nguyên. Ông ta bị áp xe răng miệng rất nặng và căn bệnh có thể là nguyên nhân đoạt mạng. Một xác ướp khác sống ở Sudan vào khoảng năm 700 sau Công nguyên là một người Công giáo, với hình xăm tên thiên sứ Michael trên đùi.

Cũng thông qua việc sử dụng thiết bị chụp cắt lớp, lần đầu tiên bảo tàng đã nhìn thấy da và các mô mềm trên gương mặt của vài xác ướp. Một trong các xác ướp này, cũng là ngôi sao của cuộc triển lãm sắp tới, có tên Tamut. Bà là một nữ ca sĩ hát trong một ngôi đền ở Karnak, Ai Cập. Tamut được ướp xác vào năm 900 trước Công nguyên và phần quách chứa bà đã không được mở ra kể từ đó.

Bằng công nghệ mới, bảo tàng không chỉ được ngắm gương mặt của bà mà còn xác định bà mới chỉ 30 hoặc 40 tuổi khi qua đời, thông qua việc phân tích dấu hiệu lão hóa ở vùng xương chậu. Khi chụp động mạch đùi, họ thấy Tamut bị viêm khớp nhẹ. Dấu vết đọng calcium trong động mạch cho thấy bà thuộc giới thượng lưu, thường ăn một bữa ăn nhiều chất béo. Bà có thể đã chết vì đau tim hoặc đột quỵ.

Xác ướp đã là một trong những hiện vật hút khách lớn nhất của Bảo tàng Anh kể từ khi khai trương vào năm 1759. Giám đốc bảo tàng Neil MacGregor cho biết 6,8 triệu người đã ghé thăm bảo tàng trong năm ngoái và họ liên tục hỏi câu quen thuộc: "Các xác ướp để ở chỗ nào ấy nhỉ?"

Lần đầu tiên trong thời gian dài, các nhà khoa học cũng xem được chi tiết các hình trang trí trên tấm bùa mà các nghệ nhân ướp xác đã để ở chân Tamut. Giới nghiên cứu đánh giá rất cao điều này. "Chúng tôi thường không hiểu rõ chức năng của các tấm bùa, trừ phi được nhìn thấy chúng ở vị trí nguyên gốc" - John H Taylor, một curator về khảo cổ học Ai Cập cho biết.

Người của bảo tàng vẫn biết rằng xác ước của Tamut có nhiều loại bùa khác nhau, nhưng giờ họ còn biết bùa làm từ vật liệu gì, người ta đã khắc hình các nam thần và nữ thần nào để bảo vệ Tamut và các lá bùa liên quan tới hoạt động ướp xác ra sao. Ví dụ một lá bùa trên người Tamut thực ra là một cái đĩa, đặt trên một đường rạch mà nghệ nhân ướp xác đã thực hiện để lấy đi nội tạng của bà. Lá bùa này được trang trí với motif con mắt bảo vệ. Tại khu vực bên trong lồng ngực Tamut, các nội tạng của bà đã được thay thế bằng 2 bức tượng thần nhỏ, được làm từ sáp ong.

Sẽ chụp cắt lớp toàn bộ xác ướp

Được biết các du khách ghé thăm bảo tàng sẽ không chỉ nhìn ngắm hình ảnh cắt lớp 3 chiều mà còn được chạm vào các vật thể nằm trong xác ướp, được in ra bằng công nghệ in 3 chiều. Ví dụ đó là phần xương hàm của một xác ướp, hay một lá bùa trên người Tamut.

Bảo tàng Anh cam kết sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức nghiên cứu không phá hủy kiểu này để tiếp tục tìm hiểu thêm nữa về các xác ướp. Các nhà nghiên cứu hy vọng một ngày nào đó công nghệ sẽ đủ phức tạp để họ có thể đọc được các chữ tượng hình viết lên trên cơ thể các xác ướp.

Giám đốc Neil MacGregor cho biết Bảo tàng Anh đã có kế hoạch chụp cắt lớp toàn bộ 120 xác ướp Ai Cập và Sudan trong bộ sưu tập, nhằm làm rõ hơn về đời sống trong quá khứ của họ. "Hãy trở lại sau 5 năm nữa và có thể anh sẽ được nghe Tamut hát" - ông nói.

Theo TT&VH/AP