Chiếc dùi bằng đồng vừa được khai quật từ ngôi mộ cổ của một người phụ nữ tại Tel Tsaf (Israel), được cho là vật thể kim loại lâu đời nhất tại Trung Đông. Nó chứa đựng những bí ẩn chấn động về thời kỳ viễn cổ.

{keywords}

Hiện vật kể trên được khai quật tại Tel Tsaf, một địa điểm khảo cổ tại Israel, gần sông Jordan và biên giới của Israel với Jordan. Từ năm 5100 trước Công Nguyên tới năm 4600 trước Công Nguyên, khu vực này từng là một ngôi làng cổ. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1950. Từ cuối những năm 1970 cho đến nay, người ta đã tiến hành nhiều cuộc khai quật ở di chỉ này.

Gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một chiếc dùi bằng đồng trong ngôi mộ của một người phụ nữ được cho là qua đời ở tuổi 40. Cũng trong cổ mộ này, người ta cũng tìm thấy một chiếc đai kết 1668 hạt nhỏ làm từ vỏ trứng đà điểu.

Chiếc dùi đồng nhỏ có độ dài 4,1 cm, độ rộng đầu lớn 5 mm, đầu nhọn 1 mm; mũi dùi được lắp một tay cầm bằng gỗ. Các nhà nghiên cứu cho rằng chiếc dùi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chủ ngôi mộ bởi nó được chôn cất cùng chỗ với quan tài.

Việc tìm thấy chiếc dùi đồng cho thấy, người dân trong vùng này đã bắt đầu sử dụng kim loại từ những năm 5100 trước Công Nguyên, sớm hơn hàng thế kỷ so với suy nghĩ trước đây của các nhà nghiên cứu.

{keywords}
Cận cảnh chiếc dùi đồng.

Trước đó, những bằng chứng đầu tiên về việc sử dụng kim loại tại vùng Cận Đông cổ đã được tìm thấy tại miền nam Levant, bao gồm các hiện vật bằng đồng từ hang động Nahal Mishmar và những chiếc nhẫn vàng được tìm thấy trong hang Nahal Qanah, với niên đại từ năm 4500 trước Công Nguyên tới năm 3800 trước Công Nguyên.

Phân tích hóa học của mẫu vật cũng cho thấy chiếc dùi có thể được chế tạo từ cách nơi đặt ngôi mộ khoảng 1000 km, trong khu vực Caucasus. Điều này cho thấy con người từng sinh sống tại khu vực này ban đầu chỉ nhập khẩu kim loại, sau đó mới sản xuất tại địa phương.

Ngôi mộ cũng cho thấy “sự phức tạp của những người sống tại Tel Tsaf vào khoảng 7.000 năm về trước,” Danny Rosenberg, nhà khảo cổ thuộc đại học Haifa, Israel cho biết. “Phát hiện này cho thấy người dân Tel Tsaf đã tham gia  hoặc ít nhất đã làm quen với công nghệ tiên tiến và luyện kim từ hàng trăm năm trước khi có sự lan truyền của những đồ vật bằng đồng trong khu vực phía nam Levant”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa có lý giải chắc chắn về công dụng của chiếc dùi. “Chúng ta mới chỉ biết chút ít về khu vực này. Mặc dù việc phát hiện ra chiếc dùi ở Tel Tsaf đã mang tới bằng chứng về đỉnh cao phát triển công nghệ trong khu vực, một phát hiện có tầm quan trọng toàn cầu, thì vẫn còn có rất nhiều việc phải làm và nhiều phần của bức tranh còn chưa được làm rõ,” Rosenberg cho biết.

Theo TPO