Các vạt cỏ màu nâu, khô héo vì ống phun nước ngắn, vô tình đã giúp hé lộ một trong những bí ẩn lớn nhất về bãi đá cổ Stonehenge, công trình tượng đài cự thạch 4.000 năm tuổi nổi tiếng ở Anh.

Các nhà khảo cổ học từ lâu vẫn bất đồng ý kiến về việc liệu quần thể đá cổ Stonehenge từng là một vòng tròn hoàn hảo hay luôn là một hình tròn không hoàn thiện như hiện nay. Họ tình cờ đã có được câu trả lời cho tranh cãi này nhờ một ống phun nước quá ngắn của đội bảo tồn di tích.

{keywords}

Ảnh chụp bãi đá cổ Stonehenge từ trên cao. Ảnh: Guardian

Khi chiếc ống phun nước được sử dụng để giữ cho cỏ trong khu vực tươi xanh trong những đợt nắng nóng không vươn tới được một phần đứt gãy của vòng tròn đá cổ, các vạt cỏ màu nâu khô héo bắt đầu xuất hiện. Nhân viên bảo tồn Tim Daw là người đầu tiên phát hiện ra điều này và gọi một đồng nghiệp tới kiểm chứng.

Họ nhận thấy, các vạt cỏ nâu dường như khớp với những điểm có thể trước đây là nơi tọa lạc của các phiến đá, nếu quần thể đá có từ thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng này từng là một vòng tròn hoàn hảo. Do không phải là nhà khảo cổ học, nên ông Daw và đồng nghiệp đã mời các chuyên gia tới xem và đánh giá.

Các nhà khảo cổ họ đã nhanh chóng chụp lại các bức ảnh từ trên cao trước khi trời có thể đổ mưa, xóa sạch sự xuất hiện của các vạt cỏ nâu. Họ cũng vẽ lại vị trí các vạt cỏ khô héo ở phần phía tây hạt Wiltshire trên bản đồ.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, một số vạt cỏ nâu thực sự khớp với nơi từng tọa lạc các phiến đá nếu vòng tròn đá khép kín. Các vạt cỏ nâu khác tương ứng với các hố khai quật khảo cổ đã được ghi nhận, kể cả những đường rãnh mà kỹ sư William Gowland đã đào vào năm 1901.

Tất cả ủng hộ giả thuyết rằng, công trình tượng đài cự thạch Stonehenge ngày nay từng bị xáo trộn hoặc mất mát so với nguyên bản.

Các vạt cỏ màu nâu tại quần thể đá cổ đã được phát hiện từ mùa hè năm ngoái, nhưng kết luận về hiện tượng chỉ vừa được đăng tải chi tiết trong báo cáo của ông Daw và một đồng nghiệp thuộc Cơ quan bảo tồn di sản Anh trên số mới nhất của tạp chí Antiquity.

Bản báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù là một trong những di tích thời tiền sử được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất, Stonehenge vẫn tiếp tục lưu giữ nhiều bất ngờ cho hậu thế. Nó cũng làm nổi bật giá trị của việc khảo sát khu vực kết hợp từ mặt đất đến trên không.

Theo Susan Greaney, nhà sử học cấp cao của Cơ quan bảo tồn di sản Anh, khám phá tình cờ trên thực sự rất quan trọng. Bà Greaney nhấn mạnh: “Nó cho thấy chúng ta cần phải nghiên cứu và hiểu rõ Stonehenge hơn nữa”.

Bà Greaney nói thêm rằng, những gì có thể xảy ra với các tảng đá mất tích vẫn còn là một câu hỏi hóc búa. Chúng có thể bị di dời hoặc sử dụng như đá trong các họ gia đình hoặc thậm chí để làm đường. Tuy nhiên, việc thiếu một ống phun nước có kích thước phù hợp có thể làm giảm khả năng vòng tròn đá đã cố tình bị bỏ lại thiếu hoàn hảo.

Hiện nhà chức trách không có kế hoạch khai quật phía dưới các vạt cỏ màu nâu. Dẫu vậy, Cơ quan bảo tòn di sản Anh có thể không tưới nước khu vực này trong đợt nóng tiếp theo, phòng trường hợp việc đó có thể giúp giải mã thêm các bí ẩn khác về bãi đá cổ.

Tuấn Anh (Theo Guardian)