- Trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN), đào tạo nguồn nhân lực là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Ở lĩnh vực này, trong thời gian gần đây Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các nước đi trước về công nghệ điện hạt nhân như Nhật Bản, Hungary.

Nhật Bản: Đào tạo cán bộ xây dựng và vận hành Ninh Thuận 2

Sau nước Nga với Nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận 1, Nhật bản là nước đang hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận 2 cho Việt Nam và đã có kế hoạch đào tạo nhân lực góp phần xây dựng và vận hành nhà máy đó. Sau chuyến thăm và ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo từ tháng 2/2014. Các trường đại học của Nhật Bản đã sẵn sàng tiếp nhận các sinh viên Việt Nam. Dự kiến, từ năm 2016, mỗi năm các trường đại học Công nghệ Nagaoka, Fukui, Công nghệ Fukui… sẽ đón nhận 20 học viên Việt Nam du học từ nguồn ngân sách của Chính phủ Việt Nam theo chương trình đề án 1558.

{keywords}
Nhật Bản đã sẵn sàng đào tạo nhân lực ĐHN cho Việt Nam. (Nguồn EVN).

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với Tham tán kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về chương trình đào tạo 100 cử nhân chuyên ngành điện hạt nhân tại Việt Nam, sau đó sẽ cử qua du học ở Nhật Bản. Hai bên bàn và thỏa thuận về chương trình đào tạo 100 cử nhân chuyên ngành điện hạt nhân tại Việt Nam và du học Nhật Bản, phục vụ cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Dự kiến, từ năm 2016, mỗi năm các trường đại học Công nghệ Nagaoka, Fukui, Công nghệ Fukui… sẽ đón nhận 20 học viên Việt Nam du học từ nguồn ngân sách của Chính phủ Việt Nam theo chương trình đề án 1558. Ban đầu, khoảng 100 sinh viên chuyên ngành điện hạt nhân sẽ được đào tạo tại Việt Nam 2 năm để bồi dưỡng chuyên môn và học tiếng Nhật, tiếng Anh, sau đó sẽ thi tuyển, nếu đạt điểm yêu cầu sẽ được chuyển tiếp học 4 năm tại Nhật Bản. Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là ưu tiên đặc biệt cho con em đồng bào tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh lân cận, giống như đã thực hiện đề án hợp tác đào tạo tại Nga chuẩn bị cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trước đây.

Bên cạnh việc hợp tác đào tạo dài hạn, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ chọn 150 giảng viên, cán bộ, kỹ sư ... sang Nhật Bản để bồi dưỡng chuyên môn. Mới đây, ngày 19/9, tại Nhật Bản, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Phát triển Năng lượng nguyên tử quốc tế Nhật Bản (JINED) và Trường Đại học Tokai đã hoàn thành khóa đào tạo kéo dài 2 năm (từ tháng 9/2012 - 9/2014) cho 15 cán bộ của EVN. Đây là khóa đào tạo đầu tiên do EVN và JINED hợp tác triển khai đào tạo. Sau lễ tốt nghiệp của khóa đào tạo đầu tiên, Đại học Tokai cũng chính thức khai giảng khóa đào tạo thứ hai cho 9 thành viên khác từ tháng 9/2014 - 9/2015.

Hungari: Truyền đạt kinh nghiệm vận hành nhà máy ĐHN

Trong hai năm qua, đã có 5 đoàn học viên với gần 200 giảng viên từ các trường đại học và cao đẳng của Việt nam nhận nhiệm vụ đào tạo nhân sự cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam trong tương lai đã được sang tập huấn tại Hungary.

Nước này, với Nhà máy ĐHN Paks sau 30 năm qua vận hành an toàn đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm rất quý đối với Việt Nam cho quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân sắp tới của mình.

Đặc biệt, các giảng viên và chuyên viên Việt Nam, có điều kiện được thực hành trực tiếp tại Nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và tập huấn trực quan tại Trung tâm đào tạo của Nhà máy với lò phản ứng và các thiết bị thật, đã thu thập được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích.

Vừa qua, tại Budapest (Hungary) mới diễn ra lễ bế giảng khóa tập huấn về năng lượng hạt nhân cho các giảng viên các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam. Các chuyên gia Hungary sẵn sàng truyền đạt hết các kiến thức và kinh nghiệm điện hạt nhân tích lũy được cho Việt Nam.

Như phát biểu của Đại sứ VN ở Hungary, lễ bế giảng lần này không chỉ đơn thuần là buổi lễ trao Chứng chỉ kết thúc một khóa tập huấn, mà còn là minh chứng cho kết quả của sự hợp tác rất hiệu quả giữa Việt Nam và Hungary nói chung và trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân nói riêng. Đại sứ tin tưởng rằng sự hợp tác sẽ được phát triển tiếp tục và mở rộng trong tương lai. Đặc phái viên của Thủ tướng Hungary về năng lượng hạt nhân Aszodi Attila cũng bày tỏ niềm vui mừng về kết quả của sự hợp tác. Các chuyên gia Hungary sẵn sàng truyền đạt hết các kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được của mình cho các đồng nghiệp Việt Nam. Chính phủ Hungary cam kết sẽ hỗ trợ hết sức để sự hợp tác được phát triển và nâng cao.

Hàn quốc: Tặng trường Đại học Đà Lạt mô hình lò phản ứng hạt nhân

{keywords}
Trường Đại học Đà Lạt, nơi đặt hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân 

Trường Đại học Đà Lạt vừa cho biết (ngày 1/11/2014), Tập đoàn thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc (CRi-KHNP) đã nhất trí hỗ trợ nhà trường hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân phục vụ học tập và nghiên cứu.

Hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân trị giá 500.000USD, nằm trong gói hỗ trợ 2 triệu USD không hoàn lại của Tập đoàn Cri-KHNP cho Trường Đại học Đà Lạt.

Hiện nay, phía Hàn Quốc đã cử 2 giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực hạt nhân sang Trường Đại học Đà Lạt để tập huấn, chuyển giao công nghệ vận hành hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân này. Trường Đại học Đà Lạt cũng đã cử 6 cán bộ, giảng viên trong lĩnh vực hạt nhân qua Hàn Quốc để học tập.

Vào ngày 26/11 tới, hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân sẽ được đưa về Trường Đại học Đà Lạt bằng đường hàng không. Hệ thống này sẽ phục vụ vận hành nghiên cứu; cung cấp thông tin nền công nghiệp hạt nhân của Hàn Quốc; huấn luyện cán bộ và hỗ trợ đào tạo sinh viên ngành Kỹ thuật hạt nhân của Trường Đại học Đà Lạt.

Hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân mà Tập đoàn Cri-KHNP hỗ trợ cho Trường Đại học Đà Lạt là hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Minh Trần