- Trong những ngày này, khi nhân dân Palestine tưởng niệm 10 năm ngày từ trần của vị lãnh đạo quá cố của mình, dư luận thế giới ngoái nhìn lại quá trình làm sáng tỏ nghi vấn: phải chăng Yasser Arafat bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium Po210?

Về tang án phóng xạ Po210

Tính độc hại phóng xạ cao của polonium (cụ thể là đồng vị Po210) đã từng được đề cập chi tiết trong các bài viết trước đây. Po210 quả là một loại phóng xạ gây nguy hiểm đặc biệt cho sức khỏe con người, có thể so sánh với hoá chất hydrogen cyanide vốn được xem là một độc dược đầu bảng.

{keywords}
Sau 10 năm, cái chết của ông Arafat vẫn chưa có hồi kết.

Theo Cơ quan Bảo vệ Sức khỏe Anh quốc, chỉ cần đưa 1g chất polonium vào cơ thể, các hạt bức xạ anpha do Po210 phát ra đủ phá hũy nhanh chóng các bộ phận trong cơ thể con người như gan, thận, tủy sống …, gây nên tình trạng suy nội tạng không thể nào ngăn chặn hay chạy chữa được và dẫn đến tử vong.

Một đặc tính vật lý đặc biệt khác là đồng vị này không phát gamma, còn hạt anpha phát ra chỉ đi được quãng đường rất ngắn ngay trong không khí và dĩ nhiên không xuyên qua được lớp áo quần dày và làn da mỏng ngoài cơ thể, nên các mẫu polonium dễ dàng lọt qua hàng rào thiết bị kiểm tra an ninh ở các cửa khẩu biên giới quốc gia.

Các tính chất trên đã làm cho polonium trở thành công cụ hình sự vô cùng lợi hại và do đó nó đã được chọn làm công cụ sát hại những nhân vật quan trọng của đối phương. Vụ đầu tiên được phát hiện 16 năm trước đây trong nghi án một điệp viên Nga sử dụng polonium để ám sát một điệp viên Nga hai mang khác, Alexander Litvinenko, ở nước Anh.

Từ sự kiện này, polonium cũng trở thành nghi vấn liên quan cái chết của ông Arafat năm 2004. Từ đó đến tận bây giờ, trong 10 năm ròng rã, các nghi vấn và phản nghi vấn giữa các phòng thí nghiệm nghiên cứu, các lực lượng chính trị khác nhau ở các nước vẫn cứ đối chọi nhau và chưa đi đến một sự thỏa hiệp nào.

Dấu mốc thời gian 10 năm

Có thể điểm lại những dấu mốc thời gian xuất hiện các sự kiện, các công bố và nhận định của hai phía như sau.

Năm 2004

Ngày 11/11/2004: Arafat qua đời ở bệnh viện quân đội Percy de Clamart, gần Paris. Ông ta được đưa vào cuối tháng 10 sau một cơn cơn đau bụng tại trụ sở chính của mình tại thành phố Ramallah, nơi ông đã sống kể từ tháng 12 năm 2001, được bao quanh bởi quân đội Israel. Ba ngày sau cái chết của Arafat, bộ trưởng y tế Pháp bác bỏ khả năng đầu độc.

Ngày 22/11/2004: Nasser al-Qidwa, cháu trai của ông Arafat có được một bản sao của hồ sơ y tế (trong đó ghi: không có dấu vết của chất độc trong các khám nghiệm tử thi). Nhưng Qidwa từ chối việc loại trừ khả năng người Arafat đã bị đầu độc.

Năm 2012

Ngày 03/07/2012: Lý thuyết ngộ độc lại bùng nổ sau khi kênh tin tức Qatar Al-Jazeera phát sóng một phim tài liệu về cái chết của ông Arafat. Phim truyền lại các kết quả nghiên cứu, phân tích của Viện Vật lý Bức xạ Lausanne (Thụy sĩ). Ở đây, đã phân tích các mẫu sinh học lấy từ các đồ dùng cá nhân của Arafat do góa phụ của ông cung cấp sau khi ông chết, và tìm thấy "mức độ bất thường của polonium" - một chất phóng xạ độc cực kỳ.

Ngày 31/07/2012: Góa phụ Suha Arafat khiếu nại tại một tòa án ở Nanterre, gần Paris, rằng chồng bà bị ám sát. Một cuộc điều tra được đưa ra vào cuối tháng 8/2012.

Ngày 28/08/2012: Công bố bản báo cáo của bệnh viện điều trị cho Arafat viết từ ngày 14 tháng 11 năm 2004. Trong đó ghi: Arafat bị viêm đường ruột "trong đó có sự xuất hiện của nhiễm trùng" với chi tiết về xuất huyết nội "nghiêm trọng" nhưng không xác định nguyên nhân của cái chết.

Ngày 27/11/2012: Ngôi mộ ông Arafat ở Ramallah được mở ra trong một vài giờ cho phép ba nhóm điều tra nghiên cứu của Pháp, Thụy Sĩ và Nga thu thập, tổng cộng khoảng 60 mẫu.

Năm 2013

Ngày 07/11/2013: Nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ (1 trong 3 nhóm thuộc 3 nước Thụy Sĩ, Nga và Pháp được phân công phân tích mẫu hài cốt của ông Arafat) đánh giá rằng lý thuyết đầu độc là "phù hợp hơn" với kết quả thử nghiệm của họ, mặc dù họ không nói dứt khoát polonium đó là nguyên nhân của cái chết. Các nhà khoa học ở Lausanne đã trình bày phát hiện của mình cho Suha Arafat và chính quyền Palestine và nói rằng họ tìm thấy liều phóng xạ polonium trong một số mẫu hài cốt của Arafat 20 lần cao hơn mức bình thường.

Israel bác bỏ bất kỳ cáo buộc nào đối với nước này về sự liên quan cái chết của ông Arafat.

Ngày 17/11/2013: Tổng thống Palestine Mahmud Abbas kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về cái chết của người tiền nhiệm của mình.

Ngày 26/11/2013: Tổng thống Israel Shimon Peres bác bỏ những tuyên bố đầu độc, nói rằng nếu Israel muốn Arafat chết thì "dễ dàng" bắn ông (!) .

Ngày 03/12/2013: Nhóm nghiên cứu Pháp (1 trong 3 nhóm thuộc 3 nước Thụy Sĩ, Nga và Pháp được phân công phân tích mẫu hài cốt của ông Arafat) được giao nhiệm vụ phân tích mẫu hài cốt Arafat loại trừ giả thuyết “đầu độc”. Israel cho rằng điều này là "không có gì bất ngờ", trong khi người Palestine vẫn hoài nghi (về kết luận nhóm Pháp). Suha Arafat nói rằng cô thực sự "sốc" bởi những kết luận khác nhau giữa các nhà điều tra Thụy Sĩ và Pháp, và nói thêm rằng cô đã bị ép phải nghe "không có ai" đầu độc chồng mình.

Ngày 26/12/2013: Một số chuyên gia Nga (thuộc 1 trong 3 nhóm từ Thụy Sĩ, Nga và Pháp được phân công phân tích mẫu hài cốt của ông Arafat) úp mở loại trừ các khả năng Arafat bị đầu độc bằng polonium. Và nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ liền lên tiếng đáp lại, chỉ trích đó là tuyên bố mang tính "chính trị".

Yếu tố khoa học, phi khoa học

10 năm đã đi qua kể từ lúc lâm chung của nhân vật lịch sử của dân tộc Palestine và thế giới, nhưng nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của Yasser Arafat vẫn chưa có hồi kết.

Mặc dù, không ai có thể phủ nhận chất polonium Po210 là một độc tố phóng xạ cực kỳ nguy hiểm vì đó là một yếu tố khoa học thực sự. Ngay cả các nhà “hùng biện” ở nước Nga, một cường quốc hạt nhân, cũng không thể trực diện phủ nhận chân lý khoa học này khi muốn chối cãi trách nhiệm của mình trong vụ sát hại cựu điệp viên hai mang Alexander Litvinenko (người Nga) tại London (nước Anh), ngày 23/11/2006. KGB (Nga) lúng túng như gà mắc tóc trước dấu vết Po210 được tìm thấy tại một số địa điểm có liên quan đến Litvinenko, ở trung tâm London (ngày 27/11/2006) và trên máy bay ở sân bay Heathrow Airport (29/11/2006).

Còn một hiện tượng quan trọng khác nữa, cũng là một sự thật khách quan khoa học khó phủ nhận. Hiện nay, trên thế giới, chất phóng xạ Po210 chỉ có thể chế tạo được trên những cỗ máy lớn hiện đại như lò phản ứng công suất cao và máy gia tốc ion mạnh và các thiết bị khủng này chỉ có thể có ở những nước phát triển về công nghệ hạt nhân. Từ yếu tố khoa học này, người ta đã “ngoại suy” bằng cách khoanh vùng những quốc gia nào có liên quan đến thủ phạm gây án bằng chất Po210 trong cái chết của Arafat. Đó có thể là Pháp, Do Thái, Nga v.v…

Chính yếu tố mang tính khoa học này khiến nước Nga càng dễ bị đặt trong vòng nghi vấn “kép”. Trước hết, trong vụ án ám sát gián điệp Alexander Litvinenko. Và giờ đây, trong vụ án Arafat này. Và vì thế, nhà cầm quyền Nga chắc không muốn dính dáng thêm tai tiếng liên quan chất độc phóng xạ Po210, mặc dù ai cũng biết mối quan hệ gắn bó nhiều năm dài giữa Nga và Phong trào Giải phóng Palestine. Phải chăng, vì lý do trên, nhóm nghiên cứu Nga phải úp mở tuyên bố loại trừ các khả năng Arafat bị đầu độc bằng polonium dù không đưa ra các kết quả khoa học phân tích mẫu di hài của Yasser Arafat. Và họ đành im tiếng khi nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ điểm đúng huyệt, lên tiếng chỉ trích các đồng nghiệp Nga có “lời tuyên bố mang tính chính trị".

Nhóm khoa học Pháp tích cực hơn trong việc phản bác “lý thuyết” đầu độc Po210, dù cũng không đưa ra con số nào liên quan Po210 trong mẫu được phân công phân tích. Trong thực tế, khi Yasser Arafat bị ốm, được đưa tới Pháp điều trị và đã từ trần chỉ sau hai tuần, nhưng trong hồ sơ bệnh án của Arafat chỉ ghi cái chết do đột quỵ, hậu quả của chứng rối loạn máu và không hề có một xét nghiệm nào để có thể xác định sự tồn tại polonium. Một thực tế khác nữa là chính Pháp cũng có đủ những điều kiện (máy gia tốc hay lò phản ứng) để sản xuất đồng vị Po210. Và về mặt quan hệ, mối quan hệ giữa chính phủ Pháp với giới lãnh đạo Palestine càng không được gần gũi như trường hợp Nga - Palestine. Phải chăng thái độ đó của Pháp xuất phát từ một hay tất cả các yếu tố phi khoa học vừa điểm qua ở trên.

Nếu các phía liên quan không tuân thủ nghiêm túc và trung thực đối với các kết quả khoa học trong xác định “tang án” Po212 mà để các yếu tố phi khoa học như yếu tố quan hệ hay yếu tố chính trị chi phối thì cái chết của nhà lãnh đạo Palestine, Yasser Arafat, còn lâu nữa mới đi đến hồi kết. Và câu chuyện sôi sục trong 10 năm qua sẽ lùi vào quên lãng theo năm tháng cùng với sự phân rã hết chất phóng xạ polonium lưu giữ trong trang phục và di hài Arafat đến mức dù có thực sự muốn phân tích nghiêm túc cũng không còn gì để phân tích được nữa.

Minh Trần