Một số phụ nữ có thể e sợ sẽ biến thành bản sao của mẹ mình vào một thời điểm nào đó trong đời. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới hé lộ, xét về mặt di truyền, hầu hết mọi người thực tế giống bố của mình hơn.


{keywords}
Về mặt di truyền, con được phát hiện giống bố hơn giống mẹ. Ảnh minh họa: Corbis

Các nhà nghiên cứu phát hiện, mặc dù chúng ta thừa hưởng lượng đột biến di truyền tương đương nhau từ bố mẹ của mình, nhưng chúng ta thực tế "sử dụng" nhiều ADN thừa hưởng từ người bố.

Các đột biến di truyền trên tạo thành con người cá thể của chúng ta. Và việc tìm ra liệu chúng ta thừa hưởng các biến thể di truyền từ bố hay mẹ vô cùng thiết yếu đối với sự nhận biết quá trình phát triển bệnh cũng như cách điều trị các bệnh như ung thư, bệnh tim hay tiểu đường. Chẳng hạn như, nếu chúng ta thừa hưởng gen mang bệnh nào đó từ mẹ, điều này có thể đồng nghĩa, gen đó có khả năng không được bộc lộ mạnh mẽ như trong trường hợp được di truyền từ bố.

Giáo sư Fernando Pardo-Manuel de Villena đến từ Trường Y, Đại học Bắc Carolina (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, tuyên bố đây là công trình nghiên cứu đầu tiên cho thấy, động vật có vú về mặt di truyền giống bố nhiều hơn giống mẹ.

Ông Pardo-Manuel de Villena nói: "Đây là một phát hiện nghiên cứu mới hiếm có, mở ra cánh cửa dẫn tới một lĩnh vực khám phá hoàn toàn mới đối với các đặc điểm di truyền ở người. Chúng ta lâu nay đã biết rằng, có 95 gen chịu ảnh hưởng của hiệu ứng 'nguồn gốc thân sinh'. Chúng được gọi là "các gen được in dấu" và có thể có ảnh hưởng đến các bệnh, phụ thuộc vào việc đột biến di truyền bắt nguồn từ bố hay từ mẹ. Hiện chúng tôi khám phá ra rằng, ngoài chúng vẫn còn hàng ngàn gen khác chịu tác động của một hiệu ứng nguồn gốc thân sinh lạ thường".

Những đột biến di truyền thừa hưởng từ bố mẹ này xuất hiện ở nhiều bệnh phổ biến nhưng phức tạp, bao gồm nhiều gen, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim, chứng tâm thần phân liệt, béo phì và ung thư.

Trong nghiên cứu, ông Pardo-Manuel de Villena và các cộng sự đã lựa chọn 3 loài chuột khác nhau với các gen khác nhau. Chúng có nguồn gốc từ cùng một phân loài chuột đã tiến hóa trên các lục địa khác nhau.

Những con chuột trên được gây giống để tạo ra 8 chủng chuột con khác nhau. Mỗi chủng chuột trong số này được sử dụng làm cả bố và mẹ cho một thế hệ chuột khác. Khi các con chuột bước vào giai đoạn trưởng thành, nhóm nghiên cứu đã định lượng mức độ biểu hiện của các gen ở 4 loại mô khác nhau cũng như lượng thông tin di truyền được thừa hưởng từ bố và mẹ đối với mỗi gen đơn lẻ ở ADN của chuột.

Rốt cuộc, nhóm nghiên cứu phát hiện một sự mất cân bằng ở chuột con, khiến gen bộ não của chúng giống bố nhiều hơn đáng kể. Điều này đồng nghĩa, các gen có thể biểu hiện khác nhau, phụ thuộc vào việc liệu chúng được thừa hưởng từ mẹ hay bố.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)