- Công tác thông tin tuyên truyền đối với chủ trương phát triển nền công nghiệp điện hạt nhân đất nước nói chung và dự án xây dựng nhà máy ở Ninh Thuận nói riêng đóng vai trò rất quan trọng và phải đi trước một bước. Nhưng vai trò “mở đường” đó, trong thời gian qua, được một số cơ quan truyền thông đánh giá chưa làm tốt.

Điện hạt nhân: Chưa làm tốt vai trò "mở đường"

Dưới tiêu đề đó, Radiovietnam đưa ra cái nhìn tổng quát: Tại Việt Nam, sau nhiều năm triển khai, công tác thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân vẫn chưa ghi được nhiều dấu ấn.

{keywords}
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận trong tương lai.

Radiovietnam nhận định: “Nhu cầu bức thiết và tính ưu việt của nguồn năng lượng điện hạt nhân chỉ được đông đảo người dân thấu hiểu, chia sẻ khi có sự vào cuộc của các phương tiện truyền thông đại chúng…” và cho rằng, đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế về phát triển điện hạt nhân.

Theo phương pháp thông tin tuyên truyền (gọi tắt là thông tin công chúng) mà nhiều quốc gia phát triển thành công điện hạt nhân đang áp dụng hiện nay đó là xác định 3 trụ cột chính: Một là, tổ chức chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện; Hai là, địa phương có nhà máy điện hạt nhân; Ba là, xã hội. Nếu xét theo phương thức truyền thông này thì hiện chưa có một trụ cột nào của Việt Nam thực sự tạo được điểm nhấn trong công tác thông tin công chúng.

Trong khi đó, dù đã có nhiều nỗ lực song công tác thông tin tuyên truyền ở tỉnh Ninh Thuận; nơi đặt nhà máy điện hạt nhân, cũng đang gặp không ít khó khăn vì nhiều nguyên nhân như: tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận chưa xác định được thời điểm khởi công nên xuất hiện những thông tin nhiễu, không chính thống gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân tại vùng dự án; chưa thống nhất được chức năng quản lý nhà nước về hoạt động thông tin tuyên truyền điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh…

Theo ông Nguyễn Phi Long, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận thì tình trạng này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân tại địa phương này.

Radiovietnam cho biết: Để làm rõ hơn nhận định của mình, ông Nguyễn Phi Long đã chỉ ra:

“Ngân sách phê duyệt cho thông tin tuyên truyền dù đã được phê duyệt nhưng ở địa phương vẫn chưa được phân bổ. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền”.

Tuy vậy, theo Radiovietnam, Trụ cột Xã hội – đặc biệt là báo chí và các tổ chức xã hội có nhiều sáng tạo tích cực trong công tác thông tin đại chúng về điện hạt nhân trong thời gian qua. Đáng chú ý là mô hình tuyên truyền về năng lượng nguyên tử của Trung tâm Thông tin Năng lượng nguyên tử tại Hà Nội. PGS. TS Hà Mạnh Thư, Giám đốc Trung tâm Thông tin Năng lượng nguyên tử tại Hà Nội cho biết: “Ưu điểm nổi bật của mô hình tuyên truyền của trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử là dưới dạng học mà chơi, hoàn toàn bằng mô hình và tương tác với học sinh, sinh viên. Những người đến thăm quan trong tâm, dù học sinh, sinh viên hay người lớn tuổi, đều bị hấp dẫn. Đến với trung tâm này, người tham quan đều được miễn phí”.

Rõ ràng, dù những cách làm như mô hình hoạt động của Trung tâm Thông tin Năng lượng nguyên tử được đánh giá là sáng tạo và đang là cách thức phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam gần như chưa được nhiều người dân biết đến. Nguyên nhân cũng là do chưa nhận được sự đầu tư đúng mức cho công tác này.

Cuối cùng, Radiovietnam đề xuất thêm: Để công chúng thực sự thấu hiểu và chia sẻ với chiến lược phát triển điện hạt nhân thì bên cạnh sự ủng hộ, thông tin công chúng về điện hạt nhân cần có lộ trình chặt chẽ và khoa học, cách thức thông tin phải thu hút được sự tin cậy của công chúng. Muốn làm được điều này rất cần có sự phối hợp hiệu quả giữa 3 trụ cột chính, đó là: Tổ chức chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện, Địa phương có nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) và Các Tổ chức xã hội.

Hà Nội yêu cầu được chi 20 tỷ tuyên truyền ĐHN

Báo Dân trí đưa tin: UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND, triển khai kế hoạch khung giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện đề án thông tin tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 của thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND TP Hà Nội cho rằng: Thông tin tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân là một nhiệm vụ quan trọng cần được tiến hành một cách hệ thống, thường xuyên, lâu dài để tạo ra nhận thức đúng đắn, sự đồng thuận của công chúng, xây dựng văn hóa an toàn góp phần đảm bảo sự thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân.

Điều đó cũng nhằm tăng cường nhận thức và sự hiểu biết một cách đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và các tổ chức trên địa bàn TP Hà Nội về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc này cũng xuất phát từ yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh, góp phần duy trì và nâng cao sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai thực hiện thành công Dự án điện hạt nhân một cách bền vững ở Việt Nam.

Hà Nội đặt ra mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền là tập trung phục vụ thực hiện thành công và đảm bảo an toàn cao nhất cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án điện hạt nhân tiếp theo.

Kế hoạch trên của Hà Nội nhằm phối hợp tuyên truyền, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, đơn vị có liên quan, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời trong việc cung cấp thông tin tiếp nhận và trả lời ý kiến công chúng.

Cũng theo Dân Trí, tổng kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch trên khoảng gần 20 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội đề nghị ngân sách Trung ương bố trí kinh phí thực hiện năm 2016 là hơn 2,1 tỷ đồng, giai đoạn 2017 - 2020 là 12,5 tỷ đồng.

Minh Trần (tổng hợp)