Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội cho biết, theo yêu cầu của UBNN thành phố Hà Nội, đúng ngày 31/12/2010, sở đã gửi báo cáo tới lãnh đạo UBND thành phố về một số giải pháp loại trừ rùa tai đỏ tại Hồ Gươm.

Sẽ dùng lồng thức ăn hoặc bè nổi để nhử và bắt rùa tai đỏ. Ảnh minh họa.

Theo đó, biện pháp thứ nhất được đưa ra là sử dụng lồng bằng nhựa hoặc inox có kích thước phù hợp để không làm ảnh hưởng đến cụ Rùa. Đặt các lồng này quanh tháp Rùa và đền Ngọc Sơn, thức ăn nhử rùa tai đỏ đảm bảo không gây ô nhiễm cho hồ.

Biện pháp thứ 2 là sử dụng bè nổi ở hồ Gươm để rùa tai đỏ bò lên, vì loại rùa này rất thích sưởi nắng, sau đó sẽ dung giật cho rùa này rơi xuống, ở dưới có lưới kéo lên, tiến hành thu gom. Các nhà khoa học cảnh báo rằng không nên dùng thuốc vì hóa chất có thể làm thay đổi môi trường sinh thái và tiêu diệt ngay chính cụ rùa.

Báo Khoa học Đời sống Online dẫn lời tiến sỹ Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội, cho biết, các nhà khoa học và nhà quản lý đều khẳng định có thể bắt hết 99% rùa tai đỏ bằng hai phương pháp trên mà vẫn giữ được cảnh quan môi trường hồ Gươm, không làm ảnh hưởng đến loài rùa đặc hữu ở hồ.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho người dân biết tác hại của rùa tai đỏ, tránh tình trạng vào ngày rằm, lễ tết, người dân phóng sinh xuống hồ.

Cũng theo TS Lê Xuân Rao, trước khi tiến hành áp dụng bắt rùa tai đỏ ở hồ Gươm, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành áp dụng thử nghiệm bắt rùa tai đỏ tại một hồ nào đó trước. Hiện nay, Sở KH&CN đã thành lập một tổ công tác chịu trách nhiệm bắt rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm.

Rùa tai đỏ hay còn gọi là rùa vạch đỏ danh pháp khoa học Trachemys scripta elegans. Tên gọi rùa tai đỏ xuất phát từ hình dáng bên ngoài của chúng với hai viền màu đỏ ở ngay phía sau mắt. Rùa tai đỏ có xuất xứ từ thung lũng Mississippi, Bắc Mỹ và chỉ xuất hiện tại Việt Nam khoảng 10 năm nay. Khi mới sinh rùa tai đỏ chỉ dài khoảng 2cm nhưng lúc trưởng thành chúng có thể dài đến 25cm. Tuổi thọ của rùa tai đỏ có thể lên đến 60-70 năm.

Đây là một loại động vật ăn tạp hung dữ, chúng ăn tất cả các loài cá bé hơn nó và các động vật thủy sinh khác. Ngoài phá hoại môi trường, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rùa tai đỏ còn có thể mang vi khuẩn salmonella, gây bệnh thương hàn cho người. Vì thế, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp rùa tai đỏ đứng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.

Việc rùa tai đổ xuất hiện rất nhiều tại Hồ hoàn Kiếm gây nguy hại đến vấn đề môi trường và ảnh hưởng đến sự sống của “cụ rùa” Hồ Gươm. Theo tiến sĩ Hà Đình Đức, một người nhiều năm nghiên cứu rùa tai đỏ cho biết, rất khó có thể xác định được lượng rùa tai đỏ có ở hồ Gươm, nhưng những ảnh hưởng mà nó có thể gây hại đến “cụ rùa” là rất rõ ràng.

L.V. (Tổng hợp)