Một nhóm nhà nghiên cứu Anh và Australia tuyên bố vừa giải mã được lí do tại sao bộ lông của ngựa vằn lại có các sọc trắng - đen xen kẽ, một trong những bí ẩn lâu đời nhất của sinh vật học tiến hóa.


{keywords}

Các nhà khoa học đến từ Trường Royal Holloway thuộc Đại học London và Đại học Queensland đã phát hiện bằng chứng cho thấy, ngựa vằn châu Phi đã sử dụng các sọc trên bộ lông để làm lóa mắt những kẻ thù săn mồi. Theo họ, các sọc trắng - đen xen kẽ trên bộ lông có tác dụng tạo ra ra ảo giác che giấu cử động của một con ngựa vằn và bảo vệ nó trước việc bị tấn công.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mô hình máy tính nhằm kiểm nghiệm giả thuyết của họ. Kết quả cho thấy, các sọc trên bộ lông ngựa vằn không chỉ gây rối cho những động vật săn mồi lớn như sư tử, mà còn có ảnh hưởng đối với cả ruồi và sâu bọ.

"Các sọc chạy theo hướng dễ nhận biết trên phần hông và các sọc chạy dọc hẹp hơn trên lưng và cổ của một con ngựa vằn đã tạo ra những tín hiệu chuyển động bất ngờ, gây nhầm lẫn cho các đối tượng quan sát, đặc biệt là trong một đàn ngựa vằn", giáo sư Johannes Zanker, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Con người và nhiều động vật có cơ chế phát hiện chuyển động, chuyên xử lý về hướng di chuyển của đối tượng. Một ví dụ về ảo giác có thể "qua mặt" cơ chế này là hiệu ứng cột thợ cắt tóc (barber-pole effect), trong đó dạng xoắn ốc của các đường sọc trên một cây thẳng đứng dường như đang tiến lên trên khi cây cột xoay. Các sọc trên bộ lông ngựa vằn cũng tạo ra kiểu ảo giác này, giúp bảo vệ chúng trước sự dòm ngó của kẻ thù săn mồi và côn trùng gây hại.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Lund (Thụy Điển) từng phát hiện, những dấu hiệu đặc trưng trên bộ lông ngựa vằn nhằm giúp chúng xua đuổi ruồi ngựa, loài chuyên hút máu và lây lan bệnh truyền nhiễm. Theo họ, các sọc trắng - đen không hấp dẫn với những côn trùng hút máu này vì chúng phản xạ ánh sáng theo một cách nhất định.

Các giả thuyết khác về chức năng của các sọc vằn này là những tín hiệu giao tiếp cộng đồng hoặc lớp nguỵ trang lúc bình minh và chạng vạng ở môi trường sống đồng cỏ.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)