- Nội dung chính trong cuộc họp mặt bàn tròn với đại diện hơn 10 cơ quan thông tấn và báo chí Việt Nam tại cơ quan của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, vào ngày 13/10/2015, của Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Thomas Countryman là sự hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Chuyến viếng thăm và làm việc ở Việt Nam lần này diễn ra trong những điều kiện thuận lợi so với những năm trước đây.

{keywords}
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ký tắt Hiệp định Cung cấp hạt nhân dân sự tại Brunei tháng 10/2013.

Trước hết một Hiệp định hạt nhân dân sự (gọi tắt là Hiệp định 123) đã được ký kết giữa hai Chính phủ Việt Mỹ vào tháng 5 năm 2014 đã có hiệu lực từ vài tháng trước, giữa năm 2015 này, với động thái mang tính thủ tục pháp lý cuối cùng: hai nước trao đổi văn bản xác nhận hiệu lực của Bản Hiệp định.

Bản Hiệp định này có hiệu lực 30 năm và sau mỗi giai đoạn 5 năm có thể sửa đổi khi có thỏa thuận giữa hai bên thông qua con đường ngoại giao.

Sau sự kiện quan trọng đó là những bước tiến quan trọng khác: Cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam và Mỹ trên đất Mỹ vào tháng trước đưa mối quan hệ Việt Mỹ lên tầm cao mới. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của Mỹ và Việt Nam. Trong tuần vừa qua đã tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia về mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm cả vũ khí hạt nhân.

Tình hình trên đã dẫn đến những kết quả cụ thể thể hiện trong cuộc họp báo bàn tròn với trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Thomas Countryman. Trong phần nói chuyện mở đầu cuộc gặp gỡ với báo giới và trả lời các câu hỏi hoặc một vài vấn đề mới đặt ra của các nhà báo, ông Thomas Countryman cho biết: Chỉ trong một thời gian ngắn, số lĩnh vực hợp tác giữa hai nước Việt Mỹ đã vượt qua con số 100. Đặc biệt, Mỹ đã tỏ ý muốn và sẵn sàng được giúp đỡ Việt Nam trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện.

{keywords}
Cuộc gặp gỡ Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Thomas Countryman và nhà báo VietNamNet ở cuộc họp mặt báo chí tại ĐSQ Mỹ ngày 13/10/2015.

Liên quan đến vấn đề hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cây bút khoa học của báo Vietnamnet đã cung cấp một vài thông tin về hoạt động thay đổi nhiên liệu (theo hướng sử dụng nhiên liệu với tỉ lệ độ giàu U235 thấp hơn) ở lò phản ứng nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cũng như bảo vệ cẩn mật kho chứa các thanh nhiên liệu dự trữ. Điều này chứng tỏ Việt Nam thực hiện nghiêm túc đường lối chống lan truyền vũ khí hạt nhân hủy diệt.

Đồng thời, nhà báo VietNamNet và cả từ một vài báo khác đã đưa ra câu hỏi liên quan đến những việc Mỹ đã và sẽ triển khai sắp tới nhằm giúp Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng dân sự công nghệ hạt nhân.

Trong phần trả lời, Trợ lý ngoại trưởng Thomas Countryman cho biết, kể từ khi Hiệp định hạt nhân dân sự 123 được ký kết, đặc biệt từ khi bắt đầu có hiệu lực, ở Mỹ đã tiến hành chuẩn bị hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực cần thiết. Trước hết, hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị nhân lực, tức đào tạo cán bộ chuyên môn về năng lượng hạt nhân dân dụng. Mặt khác, giúp Việt Nam xây dựng các cơ quan luật lệ, các cơ quan quản lý an toàn phóng xạ và hạt nhân hoạt động độc lập và hiệu quả.

Về cụ thể, các mục tiêu trên đã bắt đầu được từng bước triển khai như một vài tờ báo đã công bố. Khi bản Hiệp định 123 chính thức có hiệu lực, Tổng công ty Lightbridge trụ sở tại Mỹ đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với Việt Nam cộng tác xây dựng các chương trình an toàn năng lượng hạt nhân. Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng đã cử 8 cán bộ kỹ thuật của Việt Nam tham gia Khóa đào tạo về Vận hành Hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200 tại Hoa Kỳ

Các hoạt động khác cũng được triển khai. Chẳng hạn, Trường Đại học Điện lực Việt Nam ( EVN EPU) và Công ty tập đoàn đa quốc gia Mỹ General Electric (GE) đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo điện hạt nhân. Theo đó, Công ty GE sẽ hỗ trợ đối tác Việt Nam trong việc tiếp cận công nghệ mới, tổ chức các hội thảo chuyên ngành, đưa chuyên gia hạt nhân sang tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Điện lực Việt Nam … Ngoài ra, GE cũng sẽ hỗ trợ Đại học Điện lực trong một số lĩnh vực đào tạo như: hệ thống điện, công nghệ cơ khí…

Về chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, Trợ lý ngoại trưởng Thomas Countryman nói rằng, Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam, về đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn, về việc xây dựng bộ luật lệ an toàn hạt nhân và hình thành một nề nếp quản lý độc lập công khai nhằm bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân.

Ông còn nói thêm rằng, Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân, mặc dù nhà máy đó mua của nước nào.

Minh Trần