Giới nghiên cứu vừa phát hiện các virus khổng lồ mới, có kích thước gấp hơn 2 lần những virus đang giữ kỷ lục lớn nhất thế giới hiện nay, ẩn mình trong bùn đặc quánh trên khắp thế giới.


{keywords}
Hình ảnh một phân tử pandoravirus mới phát hiện dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: Discovery

Cách đây 10 năm, các nhà khoa học đã vô tình khám phá ra sự tồn tại của mimivirus - loại virus "khủng" nhất và có cấu trúc phức tạp nhất từng được biết đến cho tới gần đây. Mimivirus là tên rút gọn của cụm từ "vi trùng bắt chước". Tên này được chọn vì các mimivirus có kích thước gần bằng vi khuẩn.

Các megavirus - họ hàng của mimivirus có thể đạt tới kích thước hơn 700 nanomét (trong đó 1 nanomét =1/tỷ mét) và sở hữu hơn 1.000 gen, tương đương kích cỡ điển hình của vi khuẩn ký sinh. Trong khi đó, các virus đặc trưng có kích thước trong khoảng từ 20 - 300 nanomét và nhiều loại virus, kể cả virus cúm và HIV, có thể chỉ đạt 10 nanomét với rất ít gen.

Tuy nhiên, một nhóm nhà nghiên cứu Pháp vừa phát hiện các virus khổng lồ, có kích thước hơn gấp đôi mimivirus hoặc megavirus. Hình dạng các virus mới giống chiếc bình đựng nước của người Hy Lạp, gợi nhắc các nhà khoa học nhớ tới thần thoại về chiếc hộp Pandora và chọn đặt tên cho chúng là pandoravirus.

Con người có thể quan sát các pandoravirus dưới kính hiển vi thông thường vì kích thước của chúng lên tới 1 micromét (tương đương 1/triệu mét), tức là bằng 1/100 độ rộng của một sợi tóc người. Mỗi pandoravirus cũng sở hữu tới gần 2.500 gen.

Qua phân tích, các nhà nghiên cứu nhận thấy, hơn 93% các gen của pandoravirus hoàn toàn mới lạ, không liên quan đến bất kỳ chủng virus nào từng được biết đến trước đây. Điều này làm cho nguồn gốc của pandoravirus trở nên thực sự bí ẩn.

Chantal Abergel - giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cho biết thêm rằng, các pandoravirus ban đầu bị nhầm với vi khuẩn khi được tìm thấy ở trùng amip. Một loại virus có tên Pandoravirus salinus xuất hiện ở cửa sông Tunquen, miền trung Chile, trong khi một loại khác có tên Pandoravirus dulcis cư ngụ ở đáy một hồ nước ngọt nông gần Melbourne, Australia.

Theo quan sát của các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chỉ 2 - 4 giờ sau khi trùng amip bị các pandoravirus tấn công, nhân của nó sẽ biến đổi hoàn toàn và cuối cùng là biến mất. Khi trùng amip rốt cuộc bị chết, nó sẽ giải phóng ra khoảng 100 pandoravirus.

Nhóm nghiên cứu nói, trùng amip không phải là vật chủ tự nhiên của pandoravirus. Mục tiêu chính của các virus "khủng" này có thể là tảo hoặc sinh vật đơn bào, vốn rất khó phát triển và nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm.

Tuấn Anh (Theo Discovery)