Mới đây, tại Hồ Gươm, rùa tai đỏ nguy hại đã xuất hiện và phát triển ồ ạt. Nhiều người dân đã chụp được ảnh rùa tai đỏ trên lưng rùa bản địa Hồ Gươm.

Rùa tai đỏ là loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: VTV.
Là người đã nhiều năm nghiên cứu rùa Hồ Gươm, PGS Hà Đình Đức khẳng định, dù không xâm hại cụ rùa, nhưng rùa tai đỏ là sinh vật sinh sôi rất nhanh, không khác gì ốc bươu vàng hại lúa, sẽ tranh nguồn thức ăn và xâm hại những sinh vật nhỏ hơn sống trong hồ.

PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng: “Rùa tai đỏ là sinh vật ngoại lai xâm hại, ngoài việc phá hoại môi trường, rùa tai đỏ còn có thể mang vi khuẩn salmonella, loại gây bệnh thương hàn cho người. Vì thế, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã xếp rùa tai đỏ đứng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới”.

Nhà báo Hà Hồng (Báo Nhân dân) từ nhiều năm nay đã lập một trang web riêng dành cho những người yêu Hồ Gươm, trong đó có một chuyên đề thống kê các loại sinh vật mà người dân thường phóng sinh ngày 23 tháng Chạp. Danh sách những đồ vật được thả xuống hồ ngày càng dài thêm. Túi nilon, cá chép, cá vàng… và mới đây, thêm rất nhiều rùa tai đỏ.

Nhà báo Hà Hồng nói: “Sắp đến thời điểm năm mới, nhiều lễ hội, người dân chỉ nên phóng sinh cá vàng, các loài sinh vật an toàn... tránh xâm hại đến hồ”.

Như vậy, cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để rùa tai đỏ phát tán ra môi trường hiện nay là việc phóng sinh vô ý thức của rất nhiều người. Phóng sinh có nghĩa là làm việc tốt, duy có một điều mà họ đã không nhớ là phóng sinh rùa tai đỏ không thể gọi là làm việc tốt, vì rùa tai đỏ sẽ xâm hại sinh vật và cả môi trường.

Theo VTV