Thủy điện là một trong những nguồn điện năng sạch, có lịch sử dài lâu và phạm vi rộng khắp trên thế giới. Nhưng sự phát triển và khai thác thủy điện lại tác động mạnh đến cuộc sống của đông đảo dân cư của một, hai hay thậm chí nhiều dân tộc và quốc gia sống trên lưu vực của các dòng sông.


Những tiếng nói thường xuyên và đúng mức, những hành động kịp thời và kiên quyết để bảo vệ “các dòng sông”; nói chính xác hơn là bảo vệ cuộc sống của dân cư ở hai bờ sông, hạ lưu và thượng lưu của các đập thủy điện, nên được quán triệt.

Hai trường hợp cụ thể đã và đang tồn tại hiện nay được dẫn ra sau đây có thể xem như những ví dụ minh họa và đang chờ đợi các phía có trách nhiệm kịp thời giải quyết.

{keywords}

Thủ tướng Lào: “Đập thủy điện trên dòng chính Mekong có ảnh hưởng, tác động lớn tới môi trường và đời sống của nhân dân thì chúng ta không nên làm”. Ảnh: Nguồn ANTĐ.     

Hà Giang - Thủy điện nhỏ “thắt” các con sông nhỏ

Trên báo An ninh Thủ đô, người viết đã dùng đến những từ như “thắt cổ” hay “lạm phát” để nói về các “dự án thủy điện đang dần giết chết những con sông” thuộc một số tỉnh nhỏ như Bắc Giang.    

Điểm chung nhất ở tỉnh miền núi này là địa hình nhiều núi, nhiều sông nhỏ, nhưng  mọc lên quá nhiều trạm thủy điện nhỏ với công suất bé, chủ yếu dưới 10MW (mê-ga-oát) và các dòng chảy trên sông bị ngăn cản hay điều tiết bởi những con đập vững chắc phụ thuộc vào yêu cầu của máy phát điện.

Chỉ trong vòng 10 năm, kể từ năm 2005 đến nay, trên các con sông thuộc Hà Giang đã triển khai đến 72 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy theo quy hoạch là 768,8MW. Và tiếp theo, trong tháng 3 và 4 năm 2011, tỉnh lại đưa ra quy hoạch bổ sung thêm 2 nhà máy thủy điện nữa.

{keywords}

Một đập thủy điện trên sông Chừng, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Nguồn Laodong.

Dù 2 năm sau, vào tháng 4 năm 2013, sau khi rà soát, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng loại khỏi quy hoạch 27 dự án tại tỉnh này. Dĩ nhiên, con số dự án có bị loại bớt nhưng mỗi con sông ở Hà Giang vẫn phải gánh từ 3 đến 6 công trình thủy điện. Hiện nay, còn lại 46 nhà máy, trong đó 13 nhà máy đã đi vào vận hành, 8 nhà máy đang thi công, số còn lại đã khởi công hoặc đã được cho phép đầu tư, được cấp chứng nhận đầu tư…

Ngoài số các xí nghiệp thủy điện đã và sắp hoàn thành nói trên, hàng loạt dự án thủy điện khác đang ở dạng “quy hoạch treo”. Đó là trường hợp các nhà máy thủy điện Sông Miện 6, Sông Chảy 3 và Sông Chảy 4 ở huyện Hoàng Su Phì; các dự án thủy điện Sông Lô 3, Sông Lô 5, Phương Độ.

Điều gây ra lo lắng cho các địa phương và đòi hỏi sự quan tâm và điều chỉnh của các chủ dự án là việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện trên một đoạn sông ngắn đã và đang làm biến dạng dòng chảy. Hình ảnh mô tả sau đây là xác đáng; “Những con sông cuồn cuộn ngày nào đã bị ngăn lại thành những hồ đập khổng lồ. Một số sông lớn như sông Miện, sông Nho Quế, sông Gâm, sông Lô, sông Chừng như đang bị “thắt cổ” vì xây thủy điện tràn lan”.

Ngoài ra, người dân đang rất lo lắng vì chứng kiến một số hạng mục tại một số công trình thủy điện chưa đảm bảo sự an toàn hay việc hư hỏng tại các sân tiêu năng nhưng chưa được khắc phục vẫn còn lộ rõ “tình trạng hở hàm ếch, trơ khung thép, bê tông bị vỡ vụn”.

{keywords}

“Người dân chỉ còn trông chờ vào tiền dịch vụ môi trường rừng”. Ảnh: Nguồn www.izdvn.com

Nói thêm về phương diện tài chính, những lời kêu than thiệt thòi đã và đang phát ra từ hai phía. Phía bên này, các nhà doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển thủy điện kêu than phải chịu “sưu cao thuế nặng”, ngoài nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, phải đóng thêm một số loại phí như phí chi trả dịch vụ môi trường rừng cho nhân dân vùng thượng lưu nơi có nguồn nước chảy về các nhà máy thủy điện. Trong lúc đó, phía bên kia, người dân lại thắc mắc về quyền lợi. Các doanh nghiệp bán điện với giá cao nhưng vẫn còn nợ dân số tiền dịch vụ môi trường rừng (trong đó có phần đất sản xuất của dân). Thậm chí để cho nhiều hộ dân phải chịu cảnh đói nghèo chỉ vì “lạm phát” thủy điện.

Phải chăng câu chuyện trên đây, dù xảy ra trên những dòng sông nhỏ ở một tỉnh nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của số dân không nhỏ, đáng được các bên hữu quan, trong đó có chính quyền và cơ quan các cấp giải quyết kịp thời và thỏa đáng.

Mekong - Dự án lớn mối đe dọa càng to

Với độ dài đến gần 5.000 km, sông Mekong chảy gần ½ trên lãnh thổ Trung Quốc, tiếp theo chảy dọc biên giới của Lào và Thái Lan và dính với đất Lào khoảng 750 km từ Mènam Mun đến quá thác Khone gần biên giới Campuchia (xem hình bản đồ phía dưới).

Vào Campuchia, sông Mekong lấy tên mới là Tông-lê Thơm (tức Sông Lớn). Vừa vào đất Campuchia, ngay gần khu vực Stung Treng, hai chi lưu Sông SeSan và sông Serepok bắt nguồn từ Tây Nguyên của Việt Nam đã hợp lưu với sông lớn này. Gần tới Phnôm Pênh nó lại hợp lưu với sông Tông-lê Sáp và bắt đầu từ Phnôm Pênh lại chia ra thành 2 nhánh sông và chảy vào đồng bằng Nam Bộ của Việt Nam, gọi gộp chung là Cửu Long Giang (hay sông Cửu Long) với nhánh bên phải là Hậu Giang và bên trái Tiền Giang với chiều dài mỗi nhánh chừng 220–250km.

Don Sahong, đồng bằng Cửu Long, thuỷ điện

{keywords}

Bản đồ sông Mekong gồm “dự án” Xayabouri (chấm đỏ trên) và Don Sahong (chấm đỏ dưới). Ảnh: Nguồn Google.

Việc xây dựng các công trình lớn, như các con đập trên sông Mekong, dĩ nhiên gây ra những mặt tác hại khác nhau đối với cư dân thuộc các quốc gia dọc con sông này.

Công bằng mà xét, về mặt giao thông đường thủy, sự tác hại không lớn lắm, do bản thân sông Mekong vốn đã không thuận lợi cho giao thông. Thác Khone trên đất Lào gần biên giới Campuchia quá kỳ vĩ, dài những 15km, cao đến 18m nên các tàu thuyền lớn nhỏ hầu như không thể vượt qua. Chính vì vậy, việc xây dựng các đập chắn thủy điện ở phía trên (như các dự án Xayabouri và Don Sahong) không gây tác hại gì về mặt giao thông đường thuỷ giữa các nước hạ lưu và thượng lưu.

Đáng quan tâm nhất đối với hai nước hạ lưu, Campuchia và Việt Nam là, các dự án gây ra những tác hại quá lớn về phương diện môi trường sinh thái.

Tác hại lớn đầu tiên là nạn thiếu nước do các đập thủy điện trên dòng chính Mekong gây ra. Theo phân tích của nhà khoa học lớn về nông học Võ Tòng Xuân, “hiện nay, nước ở đồng bằng Cửu Long để phục vụ cho vụ đông xuân đã bắt đầu thiếu rồi ….Trong mùa khô, nước ngọt thiếu nên nước mặn vào khá sâu phía trong, do đó nước uống cho người dân lại càng thêm khó khăn. Nếu có thêm những đập mới nữa (như Don Sahong và Xayaburi) thì … nước sông Cửu Long sẽ càng thiếu hơn, khiến vụ đông xuân sẽ bị ảnh hưởng rất tồi tệ”.

{keywords}

Dự án thủy điện Don Sahong đe dọa nhiều loài cá quý hiếm trên sông Mekong. Ảnh: Nguồn WWF Campuchia

Một tác hại lớn khác nữa, như nhận định của chuyên gia lớn về môi trường Lê Anh Tuấn, rằng sông Mekong không chỉ “là nguồn nước đáp ứng sự sống cho hàng chục triệu cư dân trong lưu vực” mà còn là “nguồn đa dạng sinh học quý vào loại thứ hai trên thế giới và cần phải bảo vệ nghiêm ngặt (ví dụ loài cá heo nước ngọt Irrawaddy hay là loài cá da trơn khổng lồ Pangasianodon gigas)…. Nếu xây dựng Thủy điện Don Sahong nằm ngay trên đường di chuyển chủ yếu của các loại cá di cư trên sông Mekong từ phía Campuchia đến vùng Hạ Lào… thì rất nhiều loài cá không thể phải vượt qua khúc sông có đập Don Sahong để đẻ trứng vào mùa sinh sản và rồi cá con cũng chẳng biết tìm đường nào để về được hạ lưu ở Campuchia và Việt Nam”.

Các ý kiến nhận định trên đây đã nhận được sự đồng tình của các đại biểu dự các Hội thảo Tham vấn Quốc gia do Ủy hội sông Mekong (viết tắt MRC) tổ chức. Ngoại trừ nước Lào, các thành viên của MRC đến từ các nước trong khu vực, như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã thống nhất, rằng Dự án thủy điện Don Sahong, nếu không điều chỉnh, sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, thiệt hại lớn về kinh tế và sinh kế của người dân Campuchia và Việt Nam, đặc biệt cả chục triệu nông dân đang sống nhờ ruộng vườn, sông nước của ĐBSCL”.

Như vậy, để đi đến sự thống nhất và có hiệu lực bảo vệ con sông chung Mekong, vấn đề của các Công trình thủy điện Don Sahong, cũng như vấn đề của dự án Xayabouri trước đây, không còn đóng khung trong phạm vi các cuộc hội thảo mang tính chuyên môn nghiệp vụ trong phạm vi MRC. Đã đến lúc vấn đề cần phải được giải quyết ở cấp chính phủ giữa các nước liên quan.

Và một cơ hội xuất hiện rất đúng lúc. Tại cuộc gặp mặt vị Thủ tướng nước Lào, ông Thongsing Thammavong đang thăm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nước chủ nhà Việt Nam đã đề cập vấn đề này: Việt Nam hết sức ủng hộ việc khai thác thủy điện để phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Tuy nhiên Việt Nam là nước cuối nguồn nước sông Mekong, cuộc sống của 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước Mekong. Do vậy, Lãnh đạo  Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề sống còn này; đồng thời  mong muốn các bạn Lào chia sẻ, thấu hiểu sự quan tâm, lo lắng của Việt Nam.

Đáp lại, Thủ tướng Thongsing Thammavong bày tỏ nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục trao đổi cũng như cùng lắng nghe kết quả Nghiên cứu chung về tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong dự kiến công bố vào tháng 12-2015. Đặc biệt, vị Thủ tướng nước bạn láng giềng còn nói: “Nếu thực sự việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mekong có ảnh hưởng, tác động lớn tới môi trường và đời sống của nhân dân thì chúng ta không nên làm”.

Thời cơ mới, rõ ràng, đã mở ra và đang chờ nhà nước Việt Nam chúng ta giải quyết dứt điểm bài toán khó đang đe dọa nghiêm trọng đối với con sông lớn Mekong, đối với cuộc sống của hàng chục triệu người ở hạ lưu – đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng như cuộc sống khốn khổ của dân cư sống dọc các con sông suối nhỏ Hà Giang và các rối rắm liên quan hàng loạt dự án thủy điện nhỏ đã và đang đợi các cơ quan có quyền lực gỡ rối dứt điểm.

Minh Trần