Trung bình, một người đàn ông bình thường sẽ sản sinh gần 525 tỉ tế bào tinh trùng trong suốt cuộc đời và cho xuất ít nhất 1 tỉ “tinh binh”mỗi tháng. Thống kê cho thấy, một nam giới khỏe mạnh có thể phóng khoảng 40 triệu – 1,2 tỷ tế bào tinh trùng trong một lần xuất tinh.


Ngược lại, phụ nữ chào đời với trung bình 2 triệu nang trứng – các cấu trúc sinh sản sẽ phát triển thành trứng. Vào tuổi dậy thì, đa số các nang này sẽ đóng lại và chỉ có khoảng 450 nang sẽ phóng noãn (rụng trứng) trưởng thành chuẩn bị cho việc thụ tinh.

Tuy nhiên, nếu chỉ có 1 tinh trùng và 1 trứng gặp gỡ, rồi cho ra đời một bào thai, tại sao đàn ông lại sản sinh ra nhiều tinh trùng đến như vậy? Liệu có ít lãng phí hơn nếu mỗi nam giới chỉ sản sinh ra 1 tinh trùng hoặc ít “con giống hơn” hiện nay cho việc thụ tinh với 1 trứng?

Theo các chuyên gia, mấu chốt của mọi vấn đề là sự cạnh tranh tinh trùng. Từ thuở xa xưa, đàn ông đã phải cạnh tranh với những người cùng phái để đưa nhiều tinh trùng của họ tiếp cận với trứng hơn, gia tăng khả năng làm cha của mình.

Kiểu cạnh tranh này là một đặc điểm bắt buộc về tiến hóa đối với giống đực ở bất kỳ loài nào. Nếu tinh trùng của đối thủ giành quyền thụ tinh trứng, bạn sẽ mất cơ hội truyền lại gen của mình. Thông qua nhiều thế hệ, do các lợi thế về sinh sản liên tục thuộc về những đối tượng sản sinh nhiều tinh trùng nhất, các gen của những đối tượng này được truyền bá mãi về sau. Trong khi đó, gen của những đối tượng sinh tinh ít hơn rốt cuộc sẽ bị đào thải và chỉ còn được nhắc đến trong lịch sử tiến hóa.

Dẫu vậy, nếu chỉ là vấn đề “nhiều hơn sẽ tốt hơn”, mọi loài động vật có thể đã tiến hóa theo hướng sở hữu những tinh hoàn “khủng” nhằm giành lợi thế áp đảo trong cuộc cạnh tranh tinh trùng. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy: khoảng cách cũng đóng vai trò quan trọng như số lượng. Quyền được thụ tinh cho trứng không chỉ phụ thuộc vào việc bạn có thể phóng được bao nhiêu tinh binh mà còn do bạn đưa các tinh trùng đó tiến gần trứng tới mức nào.

Đầu những năm 1980, các nhà nghiên cứu ở Anh và Mỹ phát hiện, cả khoảng cách và số lượng đều là những yếu tố quan trọng trong lĩnh vực sinh lý học của động vật linh trưởng, kể cả con người. Trong các xã hội động vật linh trưởng có cấu trúc cứng nhắc và một con đực thống trị có khả năng giao phối với tất cả các con cái, tinh hoàn của giống đực có xu hướng nhỏ đi. Chẳng hạn như ở loài khỉ đột, “cậu nhỏ” của chúng rất bé so với trọng lượng cơ thể. Trong xã hội của khỉ đột, một con đực sẽ chiến đấu để giành lấy hậu cung toàn con cái để đảm bảo rằng chỉ mình tinh trùng của nó được tiếp cận gần trứng. Ở trường hợp này, việc sản sinh ra nhiều “con giống” không thực sự giúp khỉ đột đực tăng khả năng làm cha.

Trong khi đó, ở xã hội của tinh tinh, nhiều con đực và con cái chung sống theo bầy đàn đông đúc và con cái quan hệ tình dục với nhiều con đực trong một thời gian ngắn. Đây là lí do tại sao tinh tinh đực sở hữu tinh hoàn so với trọng lượng cơ thể “khủng” nhất trong tất cả các loài vượn lớn, với trọng lượng lớn gần gấp 15 lần “cậu nhỏ” của khỉ đột.

“Cậu nhỏ” của con người thuộc loại ở giữa. Kích thước tinh hoàn trung bình so với trọng lượng cơ thể của một nam giới lớn gần gấp 2,5 lần của khỉ đột nhưng chỉ bằng 1/6 kích thước của tinh tinh. Điều này khiến một số nhà nghiên cứu liệu đây cạnh tranh tinh trùng có xảy ra trong xã hội loài người hay việc đàn ông sở hữu tinh hoàn tương đối lớn chỉ là đặc điểm còn sót lại từ thời kỳ đầu tiến hóa.

Tuấn Anh (Theo Life Little Mysteries)