- Việt Nam đã thực hiện một chủ trương nhất quán: chối bỏ khả năng chế tạo và ngăn chặn sự lan truyền loại vũ khí hủy diệt - bom hạt nhân trên thế giới.

Tin liên quan:

Cam kết quốc tế

{keywords}
Quang cảnh bên ngoài Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Nói đến loại vũ khí hủy diệt gây tàn phá khu vực rộng lớn hoặc giết người hàng loạt, đầu tiên cần phải kể đến bom hạt nhân; tức bom phân hạch (bom A) hay bom khinh khí (bom H).

Một tổ chức phi chính phủ quốc tế nổi tiếng có tên “Sáng kiến đe dọa hạt nhân” (The Nuclear Threat Initiative, viết tắt là NIT) đã khẳng định: “Việt Nam không sở hữu vũ khí hạt nhân, sinh học hay hóa học, hoặc các chương trình phát triển các loại vũ khí đó, và là một bên tham gia hầu hết các hiệp ước không phổ biến và các thỏa thuận liên quan…”.  

Trong thực tế, từ tháng 6 năm 1982 Việt Nam đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và chính thức trở thành một quốc gia phi vũ khí hạt nhân. Theo Hiệp ước này, chỉ những nước từng tiến hành các vụ thử bom hạt nhân từ năm 1967 về trước (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung quốc) là mặc nhiên được xem có quyền sở hữu các loại vũ khí đó. Còn các quốc gia khác, khi tham gia NPT, sẽ không được theo đuổi việc chế tạo loại vũ khí này, nhưng ngược lại, được quyền tiếp nhận sự chuyển giao, giúp đỡ thiết bị, vật liệu, công nghệ, đào tạo … để triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử vì những mục đích hòa bình.

Đến năm 1996, Việt Nam lại ký kết Hiệp ước (CTBT) cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện và năm 2006 phê chuẩn CTBT. VN cũng đã ký Hiệp định Bảo đảm an ninh toàn diện với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có hiệu lực vào năm 1990. Ngoài ra, Việt Nam cũng trở thành một thành viên của Hiệp ước Phi vũ khí hạt nhân khu vực Đông Nam Á (Hiệp ước Băng Cốc).

Tuy nhiên NTI cũng chỉ ra vài việc còn tồn đọng, như VN chưa là thành viên của “các cơ chế kiểm soát xuất khẩu lớn” hay còn thiếu “một cơ quan thống nhất của trung ương” để giám sát điều khiển thương mại chiến lược. Nhưng các tồn đọng trên là không căn bản, có thể chỉ là vấn đề thời gian hoặc đang cân nhắc thêm về các yếu tố khác hoàn toàn không liên quan đến vấn đề cốt lõi là vũ khí hạt nhân.

Điều rất rõ ràng là, với sự sẵn sàng và tự nguyện ràng buộc với các cam kết quốc tế nói trên, Việt Nam kể từ những năm 80 của thế kỷ 20 đã chính thức tuyên bố lời đoạn tuyệt với con đường phát triển vũ khí hạt nhân.

Thực thi trong hành động

Không chỉ tuyên bố, Việt Nam đã hành động. Theo sự đánh giá của NTI, Việt Nam không có một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Họ nhận xét: “Không có bằng chứng công bố công khai nào chứng tỏ Việt Nam đã từng tìm kiếm vũ khí hạt nhân”.

Mặc dù, cũng theo NTI, việc giải mật các tài liệu còn lưu giữ cho thấy: “Hoa Kỳ từng xem xét đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Bắc Việt Nam trong nửa cuối của cuộc chiến tranh (1954-1975 – chú thích của người viết)”. Trước tình thế đó, giả dụ “đối thủ” của họ hồi bấy giờ có ý định hay động thái “nông nổi” và “ấu trĩ” nhất thời nào đó cũng là điều có thể hiểu được.

Còn bây giờ, Việt Nam đã thể hiện sự nghiêm chỉnh thực thi các cam kết quốc tế trong hành động cụ thể: việc xử lý nghiêm túc với nhiên liệu của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Lò phản ứng hạt nhân Ðà Lạt thuộc loại lò nghiên cứu, công suất nhiệt 500 Kilowatt hay 0,5 Megawatt. Trên thế giới có những 160 lò phản ứng nghiên cứu, nhiều nhất là ở Nga (với 62 lò), tiếp theo là Hoa Kỳ (54), Nhật (18), Pháp (15), Đức (14) và Trung Quốc (13). Nhiều nước nhỏ hoặc đang phát triển cũng có lò nghiên cứu, như: Bangladesh, Algeria, Colombia, Ghana, Jamaica, Libya, Thái Lan.

Chức năng của loại lò nghiên cứu như Lò Đà Lạt chủ yếu là dùng để nghiên cứu vật lý hạt nhân và ứng dụng dân sự như sản xuất các dược chất phóng xạ, phân tích mẫu địa chất v.v...

Lò này được hồi phục từ lò cũ của Hoa Kỳ để lại sau khi đã rút và mang hết nhiên liệu về nước vào mùa hè năm 1975. Đến năm 1983 lò được phục hồi và tái khởi động bằng các thanh nhiên liệu mới của Nga.  

Về nguyên lý, các lò nghiên cứu như Lò Đà Lạt cũng có khả năng tận dụng để chế tạo hai loại nhiên liệu: đồng vị Plutonium 239 (ký hiệu Pu239) và Uranium 235 (U235), đó là những “chất nổ” của bom hạt nhân. Nghi ngờ này vừa mới đây đã dấy lên đối với một lò loại tương tự ở Trung tâm Hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên .    

Nhưng với lò Đà Lạt thì không hề có biểu hiện gì để có thể nghi ngờ về sự nghiêm túc đối với luật pháp quôc tế của phía Việt Nam.

Trước hết về “chất nổ” Pu239. Vì lò hạt nhân Đà Lạt có công suất rất bé. Theo ước tính, số Pu239 được tạo ra ở lò này chỉ khoảng dưới một trăm gram mỗi năm, nên phải rất lâu (trên 60 năm!) mới đủ lượng “chất nổ” tối thiểu (khoảng 6 kg hay 6.000 gram Pu239) để chế tạo cho 1 quả bom. Trong thực tế, các đoàn thanh sát của IAEA cũng đã định kỳ đến Lò Đà Lạt để thanh sát tại chỗ và không hề phát hiện một dấu vết gì đáng để nghi ngờ.

Và về chất nổ U235? Ở Lò Đà Lạt, từ năm 1983 đến năm 2007, các thanh nhiên liệu đều chứa Uranium có độ giàu cao (gọi tắt là HEU) với hàm lượng 36% . Với nhiên liệu có độ giàu cao như vậy, nếu nước chủ nhà có thâm ý hay lọt vào tay “kẻ gian”, sẽ có nguy cơ được làm giàu tiếp để đạt cấp độ 90% đáp ứng yêu cầu “chất nổ” của bom hạt nhân.

Do đó, việc giảm độ giàu của thanh nhiên liệu xuống độ giàu thấp (LEU) với hàm lượng dưới 20% đã được khuyến cáo, không chỉ ở Lò Đà Lạt mà với tất cả các lò khác trên thế giới.

Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận khuyến cáo này. Và Chính phủ VN đã chấp nhận một dự án quốc tế được Liên Hiệp Quốc bảo trợ và các thoả thuận song phương Việt - Mỹ và Nga - Mỹ, từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2011, đã thực hiện việc chuyển đổi xong tất cả các thanh nhiên liệu của Lò Đà Lạt, từ độ giàu cao (HEU) ở mức 36% sang độ giàu thấp (LEU) ở mức dưới 20%. Cả hai loại thanh nhiên liệu đều sản xuất ở Nga và tất cả các thanh có độ giàu cao đều được chuyển về nơi sản xuất, nước Nga.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã hợp tác với Hoa Kỳ để gia tăng sự bảo vệ chống mất mát các thanh nhiên liệu nằm trong lò và lưu giữ trong kho chứa ở Lò Đà Lạt.

Với các hành động trên, Việt Nam đã thực hiện một chủ trương nhất quán: chối bỏ khả năng chế tạo và ngăn chặn sự lan truyền loại vũ khí hủy diệt - bom hạt nhân trên thế giới.

Trần Minh