- Hành động của các “vua dầu hỏa” Rockeffelers trong những cố gắng loại bỏ các loại nhiên liệu phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm khí hậu toàn cầu đáng được loài người ghi nhận.


Dầu lửa cũng như than và khí đốt, đang phát ra 80% khí CO2, và 67% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bị coi là chịu trách nhiệm hàng đầu đối với việc gây ra mối họa “biến đổi khí hậu” làm khí hậu Trái đất bị hâm nóng.

{keywords}

John Rockefeller là người có đóng góp vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dầu mỏ thời sơ khai. Ảnh: Nguồn Bizlive.vn

Nhưng chẳng ai khác, tháng 9 năm ngoái 2014, chính các vua dầu lửa Rockeffeler nổi tiếng, cụ thể là Quỹ đầu tư của anh em Rockefeller, do các hậu duệ của nhà tỉ phú John D. Rockeffeler, sở hữu khoảng 850 triệu đô la, đã quyết định từ bỏ đầu tư vào hai loại năng lượng ô nhiễm nhất, than và dầu mỏ. Một quyết định được coi là chưa từng có tại Hoa Kỳ vào thời điểm đó.

Đúng một năm sau khi khởi động, chương trình thoái vốn khỏi các đầu tư vào năng lượng hóa thạch của gia đình ông trùm dầu lửa Rockefeller đã thu hút được sự tham gia của hàng trăm công ty, tổ chức, địa phương trên toàn thế giới, với tổng trị giá cổ phiếu là 2.600 tỷ đô la.

Và, đặc biệt, như một vết dầu loang tiếp nối hành động của năm trước, vừa mới đây vào ngày 22/09/2015, công luận đã nhận được một công bố mới: theo nghiên cứu của công ty tư vấn Arabella Advisor, có 436 định chế và 2.040 nhà đầu tư cá nhân lớn tham gia cam kết từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng năng lượng hóa thạch than, khí đốt và cả dầu mỏ (còn gọi dầu lửa hay dầu hỏa) trong các lĩnh vực đặc biệt ô nhiễm. Số lượng chính xác các đầu tư bị hủy bỏ không được công bố, nhưng theo ước tính của chuyên gia, số tiền tổng cộng ít nhất là 78 tỉ đô la.

Trong số các cơ sở tham gia, có Quỹ hưu trí California (Calpers), Đại học California, hay Quỹ hưu trí công của Na Uy. Quỹ hưu trí Na Uy, với tổng số vốn hơn 900 tỷ euro tính đến cuối năm ngoái, được coi là ngân quỹ công lớn nhất thế giới. Nhiều thành phố Hoa Kỳ, như Minneapolis và Seattle, và những đại học danh tiếng như Oxford và Stanford, cũng tuyên bố tham gia vào phong trào này. Nhiều tổ chức tôn giáo cũng hưởng ứng.

Giải thích cho sự kiện vang dội - các vua dầu lửa loại bỏ dầu lửa - nhà quản lý Quỹ Rockeffeler Brothers Fund, ông Justin Rockerffeler, giải thích một cách chuẩn xác và hài hước rằng: “Chúng ta chiến đấu chống biến đổi khí hậu, mà lại đầu tư vào năng lượng hóa thạch, thì cũng giống như một quỹ chống ung thư đầu tư cho ngành công nghiệp thuốc lá”.

{keywords}

Tài tử điện ảnh Mỹ Leonardo DiCaprio, người sáng lập một quỹ bảo vệ sinh thái mang tên ông. Ảnh: Nguồn moitruong.suckhoe.vn

Tham gia vào phong trào cam kết từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng năng lượng hóa thạch do gia đình Rockefeller khởi xướng, mới nhất là tài tử điện ảnh Mỹ Leonardo DiCaprio; đồng thời là nhà hoạt động môi trường, người sáng lập một quỹ bảo vệ sinh thái mang tên ông. Nhân dịp công bố tại New York khảo cứu về phong trào do gia đình Rockefeller khởi xướng, tài tử DiCaprio giải thích lý do tham gia: “Biến đổi khí hậu tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của hành tinh chúng ta và của tất cả các cư dân, chúng ta cần thực hiện được tiến trình chuyển tiếp sang một nền kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo”.

Về phía Liên Hiệp Quốc, vị phụ trách chính về khí hậu của LHQ, ông Christiana Figueres ghi nhận sức thu hút của phong trào “bỏ dầu hỏa” trên đây và hy vọng nó sẽ góp phần vào thành công của Thượng đỉnh khí hậu Paris tháng 12 COP-21. Ông nhận định, các đầu tư vào năng lượng hóa thạch sẽ ngày càng trở nên một sự lựa chọn tồi về mặt kinh tế. Và thực tế là, kể từ năm 2014, lợi nhuận của các tập đoàn dầu khí lớn sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng sự sa sút của ngành năng lượng hóa thạch không chỉ do tác động của phong trào “Rockefeller” và phong trào này còn phải trải qua những diễn biến phức tạp, trồi trụt và đã, đang và sẽ còn những lực cản.

Trước hết, trên thực tế chương trình thoái vốn của gia đình Rockeffeler vẫn còn nhỏ bé nếu so với tổng đầu tư khủng với khoảng 100.000 tỷ đô la vào lĩnh vực năng lượng hóa thạch này (theo Libération 21/09/2015). Việc thoái vốn khỏi năng lượng hóa thạch gặp rất nhiều cản trở, đặc biệt do các công ty sản xuất năng lượng tái tạo nhìn chung còn nhỏ yếu và chưa có vị trí trên sàn chứng khoán, cũng như việc năng lượng hóa thạch được trợ giá của các nhà đầu tư khác nhau rất mạnh.

Trong lúc đó, năng lượng hóa thạch vẫn còn được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OCDE (gồm 34 quốc gia phát triển nhất) trợ giá gấp những 4 lần so với năng lượng tái tạo.

Quả vậy. Theo bản báo cáo gây quan ngại của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OCDE, hàng năm (trong thời gian từ 2010 đến 2014) chính quyền các nước trợ giá khoảng 160 đến 200 tỷ đô la/năm cho năng lượng hóa thạch, chủ yếu cho dầu lửa, chiếm 1/3 trợ giá toàn cầu cho năng lượng gây ô nhiễm. Libération, ngày 21/09/2015, cho biết rằng, để huy động số tiền khổng lồ trên, OCDE đã thống kê được đến gần 800 biện pháp khác nhau: như miễn đóng góp, giảm TVA, trợ cấp tiền mua xăng dầu cho các gia đình nghèo, trợ giúp trực tiếp cho các công ty năng lượng… Chẳng hạn, nước Indonesia chi tới gần 20% ngân sách quốc gia để trợ giá xăng dầu, nhiều hơn chi phí cho y tế và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế còn cho biết, năm 2014, các năng lượng hóa thạch được trợ giá tổng cộng 550 tỷ đô la, tức: “lớn gấp hơn bốn lần năng lượng tái tạo”. Thực trạng bất hợp lý này chắc chắn sẽ và phải được đưa ra thảo luận giữa các các đại biểu quan trọng và các nguyên thủ quốc gia ở Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP-21 ở Paris vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 đang đến cận kề.

Trần Minh (Tổng hợp)