- Với những đặc sản địa phương, nhiều nông dân đã có những sáng tạo độc đáo để thoát nghèo.


Rượu na và chuối tiến vua

Đầu năm, về Lý Nhân (Hà Nam) - quê hương “anh Chí”, thưởng thức chuối Ngự vua ban và nghe câu chuyện thoát nghèo mục…

Đó là câu chuyện “nhờ chuối thoát nghèo” ở làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân quê hương của cụ Nam Cao. Đó là chuối Ngự Đại Hoàng, hay còn gọi là chuối tiến vua, sản phẩm vừa được cơ quan chức năng dán tem nhãn chỉ dẫn địa lý.

Thân phận chuối Đại Hoàng theo dòng thời gian cũng ba chìm, bảy nổi. Vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, xã vận động người dân chặt chuối để trồng cây lương thực, cây chuối Ngự đã gần như mất hẳn.

Trước nguy cơ biến mất giống chuối quý, từ năm 2001 đến nay, được dự án Bảo tồn gien chuối quý hiếm của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP - UNDP) tài trợ nên diện tích trồng chuối tại huyện Lý Nhân đang dần được hồi phục và phát triển thành vùng chuyên canh trồng chuối Ngự đặc sản hơn 100 ha.

Mới đây Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm tạo điệu kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ giống chuối đặc sản quí hiếm này của nước ta.


Còn ở Chi Lăng – Lạng Sơn, “thánh địa Na” xứ Lạng người dân đã có sáng kiến ủ na nấu rượu.

Ông Phan Tiến Dũng thôn Đông Ngầu là người đâu tiên đưa công nghệ ủ rượu từ quả Na, quả Hồng vốn là đề tài khoa học cấp Sở của HTX dịch vụ và phát triển nống nghiệp Đoàn Kết Chi Lăng.về với Chi Na từ năm 2008.

Trong nhà xưởng, kiêm cả kho chứa bằng Pro xi măng thấp lè tè là với thiết bị ngâm ủ chiết xuất được nhập từ nước ngoài trị giá hơn 100 triệu đồng và vài chục cái thùng nhựa cao tầm 1mét như thùng đựng nước. Mở 1 vỏ thùng để vớt Na, Hồng mới bắt đầu ngấu ra cho chúng tôi xem, ông Dũng cho biết, đây là những quả na, quả hồng mới ủ. Khi ngấu hẳn thì chiết xuất nấu ra thành rượu.

Mỗi năm xưởng ông sản xuất được khoảng 3 ngàn lít, được bán xung quanh vùng cho bà con cũng chưa đi đâu xa. Tuy chưa thành hàng hóa, nhưng rượu na, rượu hồng ở đây uống rất thơm, màu vàng óng bắt mắt.

Và biết đâu đấy, chỉ một thời gian nữa thôi, xứ Lạng vốn đã ngất ngây bởi đặc sản rượu Mẫu Sơn, lại có thêm thứ rượu na, rượu hồng Chi Lăng quyến rũ. Và biết đâu lại là mũi nhọn để người Chi Lăng nuôi mộng làm giàu?

Bỏ nhà nước lên đỉnh đèo trồng rừng

Trên đỉnh đèo Pha Đin có một câu chuyện khó tin về người phụ nữ bỏ vị trí công chức nhà nước lên đỉnh đèo trồng rừng. Ai cũng bảo chị điên nhưng nhờ điên mà chị thành tỷ phú.

Chị Thanh Thủy đang yên vị ở một doanh nghiệp nhà nước thì đùng một cái báo tin cho gia đình là mình lên sống ở… đỉnh đèo, cả nhà ngơ ngác khuyên can nhưng đã quá muộn. Bởi chị đã hoàn tất thủ tục mua lại đất trên đỉnh đèo của một cán bộ về hưu.


Hơn chục năm về trước, đỉnh Pha Đin hoang vu này chỉ có một mình chị Thủy. Gia tài là một túp lều cỏ tranh và vài con bò thả rong làm vốn và… sên. Sương muối, rét cắt cộng với lũ sên dày như tấm rải ở các cánh rừng khiến đàn bò của chị chỉ làm bạn với chủ được vài tháng rồi rủ nhau chết sạch. Chưa hết, mấy lần cuốc nương xong chị ngủ lại lều. Sáng ra, hai bắp chân chi chít đám sên no máu không buồn nhả. Khóc chẳng ai nghe, la hét mãi cũng khản giọng.

Cứ tưởng sau đận ấy, người phụ nữ ấy sẽ bỏ cuộc. Nhưng chị không nhụt chí. Thủy tin rằng đỉnh Pha Đin sẽ không bạc đãi với lòng thành.

Và cái cách đối phó của chị Thủy với sên cũng lạ lắm. Lũ sên hút máu nên chị chuyển sang trồng cây với suy nghĩ “chỉ có cây mới không bị sên cắn, mới chống chịu nổi với thời tiết khắc nghiệt ở đỉnh đèo”.

Thế mà thành công. Ban đầu là những cây ngắn ngày như ngô, sắn… Vừa giữ đất, vừa có tiền để tiếp tục giấc mơ. Khi ngô sắn đã đủ để duy trì cuộc sống, chị Thủy bắt đầu đi trồng thông. Một tay người phụ nữ ấy lật từng viên đá nhan nhản giữa rừng lau lách. Cây thông trồng trên đất đá đỉnh đèo mất gấp đôi thời gian bình thường để lớn. Đã có lúc chị nhìn cây thông còi cọc rồi rơi nước mắt thương cho thân gái.

Mảnh đất hoang sơ cứ thế xanh dần, đến lúc trong tay người phụ nữ này có vài chục ha rừng trồng thì mới ớ ra mình đã là… tỷ phú. Hiện Thủy đang trồng chè. Điều mà chưa một ai ở đỉnh đèo này nghĩ tới. Chị trồng đơn giản chỉ muốn người dân ở các bản xung quanh bắt tay cùng nhau xây dựng thương hiệu “chè Pha Đin”.

Trồng chè chỉ là một phần nhỏ trong dự án quy hoạch Pha Đin màu xanh. Một chuỗi các hạng mục đã dần hình thành trong đầu của người phụ nữ nhỏ bé bản lĩnh này…Tuy nhiên, vấn đề vẫn là “đầu tiên”.

Gia tài lững lững mấy trăm ha đất rừng trồng đấy nhưng chật vật mãi chị cũng chỉ vay được Ngân hàng nông nghiệp Tuần Giáo vài trăm triệu để đầu tư.

Thủy bảo: “Muốn làm lớn hơn, tôi phải có mươi tỷ đồng tuy nhiên không phải là bằng tất cả mọi giá”. Đã có một số đại gia đề nghị Thủy hợp tác đầu tư nhưng khi biết những dự định của họ nặng tính công nghiệp và quá ư thị trường, chị đã thẳng thắn từ chối. Thủy không muốn biến Pha Đin thành một dự án “bê tông cốt thép” mà phải là một “Pha đin xanh”, xanh như giấc mơ của thủa ban đầu…

Để thoát nghèo, ngoài bầu sữa ngân sách không thể thiếu được những con người dám nghĩ, dám làm để thoát nghèo như người dân ở Lý Nhân, Chi Lăng, hay những “cô gái xanh” trên đỉnh Pha Đin quanh năm sương phủ.

Tâm Thời