Cái tên Hảo Hạng không vi phạm tên Hảo Hảo nhưng hình ảnh tổng thể trên bao bì gói mì gây nhầm lẫn.

Mới đây, công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đã gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng xử lý việc bị công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu (Asia foods) “nhái” bao bì. Acecook đã đăng ký mẫu mã và được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp bảo hộ nhãn hiệu, hình ảnh gói mì Hảo Hảo tôm chua cay. Asia Foods cũng đăng ký và được cục này cấp bảo hộ nhãn hiệu, hình ảnh gói mì Hảo Hạng tôm chua cay.

Tên khác nhau

Tra cứu trong kho dữ liệu về nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy Acecook đăng ký trên 25 nhãn hiệu mì gói có chữ Hảo Hảo. Các đăng ký này dưới dạng hình ảnh bao bì gói mì. Ví dụ Hảo Hảo phở gà có hình tô phở với một cái đùi gà bên trên, Hảo Hảo mì bò chua cay với hình tô mì có những lát thịt bò... Riêng nhãn hiệu Hảo Hảo mì tôm chua cay là hình tô mì có hai con tôm lớn nằm nổi bật giữa tô mì được đăng ký từ năm 2003. Nhãn hiệu này có màu sắc chính là đỏ, hồng.

Asia Foods cũng có đăng ký nhãn hiệu và hình ảnh gói mì Hảo Hạng tôm chua cay từ năm 2006 và được bảo hộ. Tuy nhiên, trong mẫu đăng ký này, hình hai con tôm không nằm nổi lên giữa tô mì mà chỉ chiếm diện tích một góc tô mì. Màu chính của nhãn đăng ký là đỏ, vàng cam. Trên thị trường gần đây, bao bì gói mì Hảo Hạng tôm chua cay lại không đúng như mẫu mà Asia Foods đã đăng ký. Bao bì thực tế lại có hình hai con tôm đỏ nằm nổi giữa và chiếm gần hết tô mì, màu chủ đạo là đỏ, hồng.

{keywords}

Có hàng trăm mẫu đăng ký nhãn hiệu mì gói trong kho dữ liệu của Cục SHTT. Cùng là tô mì và con tôm nhưng cách trình bày bao bì mì gói rất phong phú. Sự khác biệt của các mẫu này rất dễ nhận ra từ kích cỡ tô mì trên tổng thể bề mặt bao bì, số lượng con tôm (hai hay ba con), vị trí đặt con tôm trong tô mì... Ví dụ, với mì Gấu Đỏ thì có tô mì thủy tinh trong suốt nằm lệch về một bên bao bì, nhãn hiệu mì của Acecook thường có tô mì sứ trắng có thể có một viền xanh dương quanh miệng tô, một số nhãn hiệu chèn một dải màu trang trí đè lên một bên tô mì...

Trình bày gây nhầm lẫn

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Marketing của Acecook, cho biết tất cả sản phẩm của Acecook đều được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hình bao bì gói mì. Acecook có thiết kế bao gói riêng cho từng dòng sản phẩm và thiết kế đó giúp nhận dạng, phân biệt sản phẩm trong suốt hàng chục năm. Chẳng hạn, dòng mì Hảo Hảo có từ năm 2000 đến nay với kiểu thiết kế đặc trưng để người tiêu dùng ấn tượng, nhận dạng. Có rất nhiều cách thiết kế, tùy vào công ty, dòng sản phẩm, phân khúc thị trường mà các công ty đều có thiết kế riêng với cách trình bày, tông màu không “đụng” nhau, dù đều là mì tôm, mì gà, mì bò cả.

Ông Hùng cũng cho hay gói mì Hảo Hạng tôm chua cay của Asia Foods đã được Cục SHTT kết luận gây nhầm lẫn với Hảo Hảo tôm chua cay. Công văn 1320/SHTT-TTKN của Cục SHTT kết luận: Cách trình bày kiểu chữ “Hảo Hạng”, “tôm chua cay”, đặc biệt là dấu hiệu hình tô mì và sợi mì, hình các con tôm, hình nửa quả chanh cùng các loại rau thơm, hành với tổ hợp màu sắc, đặc biệt màu chủ đạo của bao bì gói mì là màu đỏ... tạo thành một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Hảo Hảo mì tôm chua cay.

Đăng ký sao thì nên dùng vậy

Song song với việc đăng ký nhãn hiệu dưới dạng tên gọi, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký nhãn hiệu dưới dạng hình ảnh bao bì, đặc biệt là sản phẩm mì gói, bánh kẹo, nước giải khát... Không có quy định nào bắt buộc DN phải dùng đúng 100% mẫu nhãn hiệu đã đăng ký. DN cũng được quyền tùy chỉnh nhưng chỉ nên chỉnh những yếu tố không cơ bản, những chi tiết nhỏ mà thôi. Nếu DN thay đổi màu sắc chính, bố cục chính... thì có thể sẽ vi phạm nhãn hiệu khác.

Với cách bảo hộ hình ảnh bao bì thì khi DN khác trình bày bao bì tương tự, dù tên gọi sản phẩm có khác thì DN vẫn có thể khiếu nại và xử lý được. Nếu DN chỉ đăng ký bảo hộ cái tên mà không đăng ký hình ảnh bao bì thì sẽ có những tranh chấp về tên khó giải quyết hơn.

Việc bảo hộ hình ảnh bao gói dưới dạng nhãn hiệu cũng giúp DN bảo vệ sản phẩm của mình lâu dài hơn so với việc đăng ký kiểu dáng sản phẩm. Bởi lẽ đăng ký kiểu dáng thì có thời hạn bảo hộ tối đa 15 năm, sau đó thì kiểu dáng đó được xã hội dùng chung. Trong khi bảo hộ như một nhãn hiệu thì DN cứ xin gia hạn vẫn được độc quyền mẫu bao bì đó mãi.

Luật sư NGUYỄN THANH LONG, Công ty Luật Phạm và Liên danh

Asia Foods có đăng ký nhãn hiệu Hảo Hạng tôm chua cay từ năm 2006, gần đây chúng tôi có cải tiến mẫu bao bì này và Acecook cho rằng chúng tôi sai. Sau khi nhận được thư của Acecook, chúng tôi đã lập tức trả lời và thiện chí ngưng sản xuất mẫu bao bì đó, quay lại sản xuất đúng mẫu bao bì mà chúng tôi đăng ký. Hiện nay trên thị trường gần như không còn loại bao bì Hảo Hạng tôm chua cay màu đỏ hồng nữa, chúng tôi đã ngưng cả tháng nay rồi, chỉ có sản phẩm Hảo Hạng tôm chua cay màu vàng cam thôi. Ngày 3-3, Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã kiểm tra một đại lý của chúng tôi và ghi nhận không có loại bao gói mà Acecook cho là tương tự bao bì của họ.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Giám đốc nhãn hàng của Asia Foods


(Theo PL TP.HCM)