Theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến tháng 9/2015 tăng 31,49% so với thời điểm 31/12/2014 (9 tháng đầu năm 2014 tăng 13,14%) và chiếm tỷ trọng 8,02% so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Thị trường tiềm năng

Trong đó dư nợ cho vay phục vụ đời sống tăng 32,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 96,27% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng tăng 11,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 3,73%.

Xét về cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, dư nợ cho vay đối với hầu hết các nhu cầu vốn vay tiêu dùng đều tăng, trong đó cho vay để mua sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương tăng ở mức khá cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Vay tiêu dùng thông qua các công ty tài chính tiêu dùng để mua sắm trang thiết bị sinh hoạt cũng gia tăng đáng kể. Riêng dư nợ cho vay thấu chi qua tài khoản thanh toán của các cá nhân giảm.

Theo giới chuyên gia kinh tế, sở dĩ hoạt động cho vay tiêu dùng tăng mạnh như vậy là do loại hình dịch vụ này đã đáp ứng thực chất các nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, cho phép họ tiêu dùng trước, chi trả sau dưới mọi hình thức. Loại hình dịch vụ này, một mặt đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người lao động có thu nhập thấp, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, trong những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng Mặc dù vẫn còn ở mức khiêm tốn nếu tính trên tổng dư nợ, nhưng tốc độ tăng trưởng của loại hình dịch vụ này đã có sự đột phá đáng kể, khoảng 20%/năm.

{keywords}

Theo nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam phát triển mạnh mẽ như vậy là do bởi hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự phát triển tương đối bền vững của nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây, cộng với những đặc điểm vốn có của thị trường nước ta như dân số trẻ, năng động, nhu cầu tiêu dùng lớn. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức tín dụng cũng ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng đúng hướng

Theo quy luật, khi kinh tế phát triển, tiêu dùng tăng thì hoạt động đi vay để phục vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng. Điều này phù hợp với xu thế chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa vào chi tiêu Chính phủ và đầu tư công sang dựa vào tiêu dùng tư nhân.

Do đó, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Với số lượng tổ chức tín dụng tham gia cho vay tiêu dùng ngày càng tăng, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ để cung cấp các sản phẩm tín dụng có lãi suất thấp hơn và có nhiều ưu đãi, kết nối khép kín chu trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Qua đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được các khoản vay rẻ hơn, với giá ưu đãi hơn.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhìn nhận, cho đến nay hành lang pháp lý cho hoạt động của các công ty tài chính vẫn chưa thực sự rõ ràng, làm hạn chế khả năng phát triển của thị trường này. Trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có được hành lang pháp lý thông thoáng để cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mục tiêu giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi quyết định tham gia vay tiêu dùng.

Lê Tâm