- Người tiêu dùng thông thái vốn đặt ra 3 tiêu chí cơ bản khi lựa chọn hàng hóa, ngoài yếu tố: rẻ, bền, đẹp thì giờ đây còn chọn thêm yếu tố môi trường và yếu tố “lòng yêu nước”.

{keywords}

Đây chính là một “triết lý”  đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả của khá đông doanh nghiệp Việt thành công trong thời gian gần đây: Phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Việt. Và đương nhiên, họ có được niềm tin từ chính những khách hàng trong nước.

Nếu yếu tố chất lượng hàng hóa là mặt số một thì yếu tố thương hiệu “hàng nội” đang dần được yêu chuộng trở lại.

Lấy cái đèn lồng trung thu – một món đồ chơi bình dân mà trẻ em thích trong mùa Trung thu 2015 mới đây làm ví dụ. Sự yêu chuộng của đông đảo người Việt với đèn lồng truyền thống đã đánh bật những món hàng ngoại. Thậm chí, đèn lồng ngoại lại cố tình làm giả đèn lồng Việt.

Nói như thế không có nghĩa là hàng Việt đang lên ngôi kể cả chất lượng có sánh được hoặc hơn hẳn hàng ngoại.

Yếu tố văn hóa trong mua sắm của người Việt lúc nào cũng đặt nặng vấn đề “người ta nói”. Chỉ cần khi đi ra chợ, gặp một người quen “mách nước”: Cửa hàng ông A bán hàng tốt, giá vừa phải, lại niềm nở lắm!

Thế là đi ra liền. Hiển nhiên, một truyền mười, mười truyền trăm.

Cửa hàng ông A đắt khách vì thế. Phân tích việc bán chạy của cửa hàng ông A thì ngoài việc , “hàng tốt bán giá vừa phải” thì việc ông A thành công chính là “niềm nở lắm”.

Điều này được chứng minh bằng một sự kiện rất thực tế.

Một thương hiệu khá nổi tiếng trong “làng ô mai” mới đây gặp sự cố về một lô hàng chưa đủ chất lượng trong dịp sát Tết Bính Thân.

Cái “tốt tính, niềm nở” của ông chủ A như trên đã nói được bộc lộ khi đích thân vị Tổng Giám đốc của thương hiệu này đứng ra xin lỗi người tiêu dùng, thu hồi toàn bộ lô hàng, đền bù cho khách hàng và sẵn sàng làm mọi thứ để kiểm soát chất lượng tốt nhất.

Chính cách làm này đã khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy hài lòng về việc doanh nghiệp đã “minh bạch hóa” chất lượng sản phẩm và có trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Đứng về mặt kinh tế, dù có tốn kém và vẫn còn những khó khăn đối với thương hiệu này nhưng dẫu sao, đó cũng là một bài học cho các doanh nghiệp Việt về một cách ứng xử.  

“Sân chơi” cho doanh nghiệp Việt không thiếu dù hội nhập rộng mở đến cỡ nào. Nhưng chính người tiêu dùng lại là điều kiện “cần và đủ” để doanh nghiệp Việt mở ra “sân chơi” đó để phục vụ người tiêu dùng một cách tốt hơn.

Quang Sơn