Tại Hội nghị thủ tướng với DN, ông Trần Bắc Hà đã đưa ra hàng loạt kiến nghị, trong đó nêu ra đề xuất của BIDV về 5 nhóm giải pháp cụ thể và cam kết đồng hành, hỗ trợ đối với các DN.

Bài phát biểu của ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tập trung vào 2 nội dung chính: Hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, thúc đẩy DN trở thành động lực phát triển kinh tế; và Đề xuất một số giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng các DN.

{keywords}

Ông Trần Bắc Hà đã đưa ra nhóm giải pháp tăng cường cung ứng vốn, đầu tư cho sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Theo ông, hiện nay lãi suất cho vay tại VN đang ở mức 7-11%/năm (bình quân 8,5%/năm) là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua (thấp hơn cả mức 2006-2007 (8-12%/năm)); trong khi giá vốn đang ở mức khoảng 7,8% (gồm LS huy động khoảng 4,9%, DPRR 1,22%, DP thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%), theo đó mức chênh lệch ròng của các NHTM hiện rất thấp chỉ khoảng 0,7%, so với các nước trong khu vực chênh lệch ròng ở mức 2,2% - 2,5%. Lãi suất cho vay bình quân 8,5%/năm của Việt Nam hiện nay chỉ thấp hơn Ấn Độ (10%), và cao hơn các nước trong khư vực Asean (đang ở mức khoảng 6-7%/năm), do đó bất lợi cho DNVN khi tham gia AEC.

Do đó, theo vị lãnh đạo này, lãi suất cho vay tuy khó giảm nhưng có thể được nếu có một số điều kiện. Một trong những "điều kiện" ông nêu ra là cần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng. Theo ông, nên tiết giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc với VND và 3% với ngoại tệ. Tỷ lệ dự trữ thanh toán theo ông cũng nên là 8% thay vì là 10% như theo Dự thảo Thông tư 36.

Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà cũng cho rằng, để giảm áp lực lãi suất trung và dài hạn, Chính phủ nên điều chỉnh giảm tỷ lệ phát hành trái phiếu và siết chặt quản lý chi tiêu công. Hiện các ngân hàng thương mại vẫn là những thành viên chủ yếu tham gia mua trái phiếu trên thị trường. Theo ông Hà, cần giảm khoảng 10% khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ.

Một nhóm giải pháp nữa mà ông Hà đưa ra là vấn đề xử lý nợ xấu. Theo đó, 3 năm nay, các ngân hàng vẫn chờ Nghị định tạo lập thị trường mua bán nợ để xử lý nợ xấu nhưng vẫn chưa có. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất có lộ trình để thực hiện một số quy định trong Thông tư 36 sửa đổi. Theo đó, Thông tư này dự kiến giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 40% nên ông Trần Bắc Hà đề nghị đưa ra lộ trình 24 tháng thay vì áp dụng luôn. Theo ông, 12 tháng đầu tiên có thể giảm tỷ lệ này từ 60% xuống 50% và chỉ áp dụng 40% sau 24 tháng để tạo thuận lợi cho DN và ngân hàng.

Về vấn đề tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính của các TCTD, BIDV đề xuất Chính phủ và các bộ ngành đồng thuận nhất quán trong chính sách cho phép các NHTMNN để lại cổ tức, thặng dư cho chuyển nhượng phần sở hữu của Nhà nước, thặng dư từ các khoản thoái vốn đầu tư làm nguồn tăng vốn cho ngân hàng. Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa và giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các NHTM sở hữu nhà nước, hiện đang ở mức 65% và trong lộ trình 5 năm tới giảm về mức 51%. Riêng với những TCTD gặp khó khăn về tài chính, đề nghị Chính phủ coi đây như khoản đầu tư dưới hình thức là bơm một phần vốn tạm thời từ nguồn lợi nhuận để lại của Nhà nước để đảm bảo các TCTD này đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn.

Không chỉ vậy, là đại diện của một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, ông Trần Bắc Hà còn đề xuất cổ tức Nhà nước được chia nên để lại ngân hàng để tạo cơ sở nâng cao năng lực tài chính. "Vốn tự có của các ngân hàng phải tăng 19-22% mới đáp ứng nên đề nghị cổ tức Nhà nước được chia để lại cho ngân hàng. Nếu không cứ vắt kiệt tổ chức tín dụng, chúng tôi sẽ không có tiền đề để tăng trưởng", ông Trần Bắc Hà nói.

Xuân Thạch