Trong 2 năm tới, Phú Quốc sẽ đứng trước nguy cơ thiếu điện bởi sức ép từ sự tăng trưởng bứt phá về kinh tế. Tuyến cáp ngầm xuyên biển 110kV đưa lưới điện quốc gia từ đất liền tới huyện đảo này cũng bắt đầu quá tải.

Nhu cầu điện cho Phú Quốc đang cấp bách

Chỉ sau 2 năm "ăn" điện từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển, đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) đã có mức tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ điện đến chóng mặt.

{keywords}

Công trình cáp ngầm 110kV xuyên biển

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: "Tính đến nay, phụ tải điện ở huyện đảo này đã tăng lên gấp hơn 3 lần so với thời điểm mới lắp đặt đường cáp ngầm xuyên biển 110kV. Công suất ban đầu ở mức 12 MW, đến cuối năm 2016 này, dự kiến sẽ đạt 60 MW, tăng gấp 5 lần so với trước. Tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn 2014 -2016 lên tới 70%/năm".

Đây có lẽ là mức tăng trưởng đột biến được ghi nhận trong số 9 huyện đảo trên cả nước mà EVN đã cấp điện.

Huyện đảo Phú Quốc đã được EVN triển khai cấp điện từ năm 1999 theo chủ trương của Chính phủ. Trong 15 năm sau đó, nhu cầu điện tại đây chủ yếu được đáp ứng bằng nguồn điện tại chỗ, chạy phát điện từ bằng diesel và dầu madut.Giá thành điện khi đó rất đắt, tính tại thời điểm năm 2013 trung bình là hơn 5.000 đồng/kWh.

Đến năm 2013-2014, EVN đã đầu tư tuyến cáp ngầm 110kV dài hơn 55,8 km nối từ trạm biến áp 110kV Hà Tiên đến đảo Phú Quốc. Tuyến cáp ngầm xuyên biển lớn nhất Đông Nam Á này là công trình đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn cho phát triển kinh tế xã hội của huyện đảo này, đặc biệt là việc cấp mới cho các phụ tải quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, cảng nội địa Dương Đông, cấp điện cho nhân dân các xã Gành Dầu, Bãi Thơm và nhiều khu vực khác chưa có điện trên đảo.

{keywords}
Thi công kéo cáp ngầm 110kV ra Phú Quốc

Theo ông Dương Quang Thành, với sự bùng nổ về kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ, dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, 2016 - 2020, tăng trưởng điện ở Phú Quốc sẽ ở mức trung bình 50%/năm. Ngay tại thởi điểm này, các chủ đầu tư đầu tư khách sạn, trung tâm dịch vụ, khu du lịch đã đăng ký phụ tải điện với mức công suất hơn 110 MW.

Như vậy, theo tính toán của EVN, nhu cầu công suất điện từ năm 2018 trở đi của huyện đảo sẽ vượt quá khả năng cung cấp của tuyến cáp ngầm hiện nay. Năm 2020, nhu cầu điện có thể tăng lên công suất hơn 250 MW. Trong khi đó, tuyến cáp ngầm 110kV vận hành từ năm 2014 có công suất truyền tải tối đa là 131MVA, chắc chắn sẽ không thể đáp ứng đủ điện cho huyện đảo trong các năm tới.

Cần đầu tư thêm mạch 2 đường dây 220kV

"Phú Quốc là một huyện đảo lớn nhất trong các huyện đảo với diện tích hơn 590 km² và dân số hơn 90 nghìn người. Tiềm năng về phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là dịch vụ du lịch trên huyện đảo rất lớn. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu điện tăng mạnh trong tương lại, Tập đoàn đã xây dựng và báo cáo Bộ Công Thương, báo cáo Chính phủ về việc chủ trương xây dựng mạch 2 cho Phú Quốc", ông Dương Quang Thành cho biết.

Hiện nay, phương án xây dựng mạch 2 cấp điện cho Phú Quốc bằng đường dây 220kV hai mạch trên không đã được Tổng công ty Điện lực miền Nam nghiên cứu và đã được trình Bộ Công Thương để bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực của huyện đảo Phú Quốc và Quy hoạch phát triển điện lực ở tỉnh Kiên Giang.

Ông Thành nhấn mạnh: "Với nhu cầu điện lớn của Phú Quốc thì phải bắt buộc đưa điện bằng đường dây 220kV vào. Việc cấp điện cho các huyện đảo nói chung và Phú Quốc không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương mà còn nhằm bảo vệ và xác định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".

Trước đó, chia sẻ với báo chí, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, chỉ trong 2 năm được đáp ứng điện từ lưới quốc gia, lượng khách du lịch đến Phú Quốc đã tăng tới 40%, tạo một hình ảnh điểm đến đầu tư hấp dẫn sôi động cho huyện đảo. Việc cấp điện bằng cáp ngầm 110kV đã giúp hạ giá điện tại đây từ hơn 5.000 đồng/kWh xuống bằng mức giá điện chung như ở đất liền, đem lại giá trị hơn 200 tỷ đồng thu nhập cho huyện đảo.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cấp điện cho 9/12 huyện đảo gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Trong đó: huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo và Bạch Long Vỹ được cấp điện từ nguồn điện tại chỗ, các huyện đảo còn lại đều được sử dụng điện lưới quốc gia. Hiện còn 3 huyện đảo EVN chưa cấp điện là Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Cồn Cỏ

Phạm Huyền