Du lịch Việt bị ví như ‘ngôi sao cô đơn’ vì thiếu sự kết nối. Với tinh thần mở cửa bầu trời, ngành hàng không và các hãng hàng không đang góp sức xóa bỏ rào cản kết nối để du lịch Việt ‘cất cánh’.

Hàng không góp sức cho du lịch tăng trưởng

Ngành hàng không đã có những đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch những năm qua. Trong giai đoạn 2010-2015, khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 1,57 lần, riêng trong 7 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ 2015, phục vụ 38,2 triệu khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.

{keywords}

Đơn cử như hãng hàng không tư nhân Vietjet, trong thời gian qua đã không ngừng mở rộng mạng đường bay tạo ra các phương tiện kết nối du lịch hiện đại phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

“Với mong muốn tạo cơ hội bay và trải nghiệm cho người dân Việt Nam, Vietjet đã tiên phong trong việc mở ra các được bay mới chưa bao giờ được khai thác, hợp tác cùng các cơ quan quản lý du lịch, dịch vụ tại các địa phương nhằm thúc đẩy nhu cầu du lịch tại điểm đến. Trong thời gian qua, chúng tôi đã hợp tác cùng các tỉnh thành mở thành công các đường bay mới như Vinh - Đà Lạt, Cần Thơ - Đà Nẵng, Hải Phòng - Cam Ranh, Hải Phòng - Pleiku, Hải Phòng - Đà Lạt”, ông Đinh Việt Phương, Phó TGĐ Vietjet chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến du lịch Việt Nam.

Một điểm rất đáng lưu ý cũng được đại diện hãng hàng không này chia sẻ, đó là có tới 30% tổng số khách vận chuyển của Vietjet trong gần thời gian qua là những hành khách chưa bao giờ đi máy bay.

“Vietjet đã tạo cơ hội cho hàng triệu người dân Việt Nam lần đầu tiên được trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp đất nước mình. Chúng tôi tự hào vì đã khơi gợi được niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam về sự hùng vĩ và vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước”, ông Phương khẳng định.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ VHTTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: “Sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không, đường bộ và các cảng biển cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở vật chất ngành du lịch, đã góp phần kết nối điểm đến du lịch Việt Nam và quốc tế. Du lịch từ chỗ được coi như hoạt động phục vụ nghỉ ngơi đơn thuần, đến nay được xác định là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”.

{keywords}

Cần tăng cường hỗ trợ các hãng hàng không

Một trong những điểm yếu kém của du lịch Việt Nam, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đó là hệ thống giao thông phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế. Mà nguyên nhân chủ yếu nằm ở hệ thống thể chế, chính sách về du lịch còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự khuyến khích và thúc đẩy phát triển du lịch. Do đó, “du lịch Việt Nam vẫn không khác gì “ngôi sao cô đơn” vì còn thiếu sự kết nối”, ông Thiện nói.

Mong muốn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển trong ngành vận chuyển hàng không và du lịch của Việt Nam trong thời gian tới, đại diện hãng hàng không Vietjet cũng kiến nghị: cần có sự phối hợp các hoạt động của các ngành Vận chuyển, ngành Công thương và ngành Du lịch đưa ra các chương trình khuyến khích du lịch có giá trị thiết thực với người dân, ví dụ như: các gói khuyến mại kích cầu bằng hình thức hỗ trợ giá, dịch vụ của các hệ thống khách sạn, nhà hàng, mua sắm, vui chơi, đi lại… tại các điểm đến du lịch.

Bên cạnh đó, để thu hút khách du lịch nước ngoài, hãng hàng không này đề xuất một loạt kiến nghị như: Nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tại các điểm du lịch Việt Nam; Xây dựng các hoạt động mua sắm, văn hoá, thể thao đặc thù của Việt Nam kèm các chương trình khuyến mại về khách sạn tại điểm đến; Nới lỏng các điều kiện VISA cho các gói du lịch ngắn ngày đi kèm với việc nâng cao giải pháp quản lý an ninh trật tự tại điểm đến; Tăng cường quảng bá cho các điểm đến Việt Nam tại các thị trường quốc tế.

Đặc biệt, để khuyến khích các Hãng hàng không khai thác các sản phẩm bay đóng góp tăng trưởng du lịch tại các điểm đến, hãng này kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong thời gian đầu khai thác, kể cả đường bay trong nước và quốc tế.

Tháo gỡ bước đầu những bất cập đang “níu chân” ngành du lịch phát triển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch đã giao Bộ Công an chủ trì khẩn trương triển khai Đề án cấp thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, thực hiện từ ngày 1/1/2017.

Đồng thời, các bộ ngành đề xuất áp dụng mức lệ phí thị thực nhập cảnh phù hợp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi các quy định về xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch, giảm tối đa thời gian cấp thị thực. Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, VHTT&DL khẩn trương có đề án trình Chính phủ về việc mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm đến nước ta với tinh thần là mở cửa bầu trời.

PV