Sự kết hợp giữa Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã tạo ra chuỗi sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, từ phân khúc giá rẻ đến cao cấp mà còn tăng thêm giá trị lợi ích từ dịch vụ.

“Nhân đôi” quyền lợi

Chiến lược thương hiệu kép là sự hợp lực giữa hai thương hiệu, cho phép tận dụng lợi thế đòn bẩy để mang thương hiệu đến gần hơn với khách hàng, đồng thời cho họ những quyền lợi tốt nhất có thể. Có thể kể đến Haier và Sanyo cùng phát triển thương hiệu kép tại thị trường Đông Nam Á. Riêng trong lĩnh vực hàng không, chiến lược thương hiệu kép là mô hình phối hợp giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ đang được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia như: Qantas Airways và Jetstar Airways tại Úc, Singapore Airlines với SilkAir, TigerAirways và Scoot Airlines (Singapore), Thai Airway và Nok Air, ThaiSmile (Thái Lan)… 

Tại Việt Nam, tháng 2/2012 Jetstar Pacific (JPA) kết hợp với Vietnam Airlines (VNA) phát triển chiến lược thương hiệu kép Dual brands.  Chiến lược này hiện đang là lợi thế phát triển của hãng hàng không giá rẻ JPA. Theo đó, VNA và JPA đang là “bộ đôi” không thể tách rời tại thị trường nội địa. Mặt khác, JPA cũng đang được “chung sức” bởi hãng hàng không lớn Qantas Airways. Tận dụng được thế mạnh từ VNA và Qantas Airways, JPA mang lại cho khách hàng thường xuyên của họ những ưu đãi từ dịch vụ chất lượng trong khi vẫn có thể hưởng giá vé rẻ từ JPA.

{keywords}

Chiến lược Thương hiệu kép đang là lợi thế phát triển của Jetstar Pacific

Không thể phủ nhận, hàng không giá rẻ đã mang đến cơ hội tiếp cận với dịch vụ vận chuyển hàng không cho nhiều đối tượng hành khách nhưng đổi lại, dịch vụ gắn mác giá rẻ sẽ khó đáp ứng đầy đủ nhu cầu trọn gói của hành khách vì vấn đề chi phí. Lúc này, chiến lược thương hiệu kép sẽ lắp đầy những “lỗ hổng” đó. Sự kết hợp giữa Vietnam Airlines và Jetstar Pacific tạo ra chuỗi sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, từ phân khúc giá rẻ đến cao cấp mà còn tăng thêm giá trị lợi ích từ dịch vụ.

Đa phần hành khách đều cảm thấy hài lòng và khá bất ngờ về những ưu đãi mà họ nhận được từ sự hợp tác này. Chị Nguyễn Thiên Trang - nhân viên marketing, khách hàng thường xuyên của JPA cho biết: “Bây giờ, tôi có thể đăng ký chuyến bay trong nước và quốc tế của JPA trên hệ thống bán vé của VNA, có thể lựa chọn vé giá rẻ mà vẫn được hưởng các quyền lợi ưu đãi từ VNA như hành lý và suất ăn miễn phí.”  

Anh Trịnh Hồng Đạt - kinh doanh trong lĩnh vực nội thất chia sẻ: “Tôi đang là hội viên của chương trình Bông sen vàng của VNA nên được hưởng nhiều ưu đãi hơn như hành lý hay phòng chờ. Cá nhân tôi cho rằng, JPA đang khiến khái niệm hàng không giá rẻ ngày càng “cao cấp” hơn. Sự kết hợp giữa VNA và JPA trong vận chuyển khi chuyến bay của một trong hai hãng thay đổi cũng tạo sự hài lòng và yên tâm hơn, cho dù chậm chuyến là điều khó tránh khỏi trong lĩnh vực hàng không vì lý do an toàn cho hành khách”.

Lợi thế cạnh tranh lâu dài

Với sản phẩm hợp tác liên doanh mới, JPA đã mang lại cho khách hàng cơ hội đi lại bằng đường hàng không dễ dàng hơn với mức phí thấp hơn mà vẫn được sử dụng các dịch vụ ưu đãi khác biệt từ hãng.

Chính sự chuyển hướng này mà đầu năm 2016, JPA được Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) nhận định là đang đi đúng hướng. Kể từ khi tái cấu trúc vào năm 2012 thì năm 2015 là năm đầu tiên JPA tuyên bố có lãi. Mặt khác, được hỗ trợ từ hai cổ đông nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không là tập đoàn Qantas và VNA, JPA sẽ chủ động nâng đội tàu bay khai thác lên 30 chiếc vào năm 2020 nhằm mở rộng thị trường. Một thỏa thuận ký kết mua 10 máy bay thế hệ mới A320 CEO Sharklet, bàn giao trong năm 2017 từ tập đoàn Airbus đã được JPA công bố vào tháng 7/2016. Việc đổi mới và đưa vào khai thác đội máy bay thế hệ mới A320 CEO Sharklet tiết kiệm nhiên liệu giúp JPA vừa giảm chi phí giá vé nhưng đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ phù hợp với chiến lược thương hiệu kép.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì JPA đang có lợi thế cạnh tranh lâu dài với chiến lược này . Ông Đoàn Đức Thuận, giảng viên Marketing Chiến Lược, Học viện Thương hiệu và Truyền thông Sage nhận định: “Chiến lược thương hiệu kép của JPA và VNA là một dạng của chiến lược cạnh tranh hợp tác (co-opetition) trong kinh doanh, đây là một chiến lược khôn ngoan khiến cho các bên thay vì cạnh tranh khốc liệt để có phần nhiều hơn trong một “miếng bánh” không đổi, thì hướng tới việc “hợp tác” để cùng tạo ra và có phần ở một “miếng bánh” to hơn. 

Chiến lược thương hiệu kép cùng VNA sẽ tạo lợi thế để JPA phát triển dài hạn, chiếm lĩnh thị phần hàng không giá rẻ trong tương lai. Mặt khác, JPA luôn có những bước đi khôn ngoan nhằm cụ thể hóa những quyền lợi của khách hàng hơn nữa, điển hình là chương trình Bông sen vàng - Lotusmiles. Như vậy, JPA vẫn đang khéo léo giữ chân khách hàng cũ và không quên thu hút khách hàng mới.”

Có thể nói, trong bối cảnh hàng không giá rẻ đang trở thành lựa chọn của nhiều người với hàng loạt các chương trình giảm giá, săn vé giá sốc thì chiến lược mới của JPA đã góp phần “nâng tầm” hàng không giá rẻ khiến khái niệm này dần trở nên “cao cấp” hơn dù khách hàng vẫn mua vé với giá rất “hời”.

Vương Minh