Hiện giờ vẫn còn khoảng 6 tấn chất tạo nạc (Salbutamol) đang trôi nổi trên thị trường. Việc thu hồi khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi vẫn lén lút sử dụng.

Tại Hội nghị Tổng kết đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp mới đây, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, đến nay, nguồn cung chất Salbutamol tạo nạc thịt lợn đã được khống chế. Tuy nhiên, theo vẫn còn nhiều nguy cơ còn tiềm ẩn do lợi nhuận “khủng” của hành vi phạm pháp này mang lại.

"Salbutamol nhập khẩu có giá rất rẻ. Giá nhập khẩu ở mức 1,5-16 triệu đồng/kg nhưng bán tới tay người tiêu dùng lên tới 15 triệu đồng/kg. Lợi nhuận cực kỳ lớn nên chắc chắn sẽ có người vẫn cố làm, đặc biệt là ở các trang trại chăn nuôi và lò mổ. Trong khi đó, một con lợn cho ăn chất này sẽ có lãi thêm từ 0,5-1 triệu đồng nữa", ông Việt nói.

{keywords}

6 tấn chất tạo nạc vẫn còn trôi nổi trên thị trường và được người chăn nuôi nén lút mua về sử dụng

Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng nhận định, mặc dù nguồn nhập khẩu Salbutamol đã được ngăn chặn, nhưng vẫn còn khoảng 6 tấn chất tạo nạc đang trôi nổi trên thị trường nên vẫn còn hành vi lén lút sử dụng chất cấm tạo nạc này,

Nói tới nguồn cung chất tạo nạc thịt lợn, đại diện C49 Bộ Công an cũng cho biết, trong năm 2014, 2015, Bộ Y tế đã cho phép cho nhập khẩu hơn 9 tấn Salbutamol và phân phối ra thị trường hơn 6 tấn. Điều đáng nói, trong số này, chỉ có khoảng 10 kg Salbutamol được sử dụng đúng mục đích.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, thời gian tới vẫn phải thực hiện tiếp đợt cao điểm, thậm chí còn phải cao điểm hơn nữa. Bởi, hiện tại, ngoài chất cấm thì vấn đề chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản đang lạm dụng kháng sinh, vấn đề rau củ, hoa quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trôi nổi độc hại và phân bón giả đang khiến người dân bức xúc. Do đó, cao điểm hành động trong năm 2016 sẽ mở rộng thêm mấy trọng tâm nêu trên.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, vấn đề "đánh" chất kháng sinh, thuốc BVTV sẽ rất phức tạp. Bởi, với thuốc kháng sinh, hiện có tới hàng 100 công ty, cơ sở sản xuất. Còn với thuốc BVTV thì có hai loại trong nước và nhập khẩu, loại độc hại thì chủ yếu là hàng trôi nổi được nhập lậu.

"Mặc dù sẽ có nhiều phức tạp và khó khăn nhưng, nếu chúng ta áp dụng đúng như các phương pháp làm khi "đánh" chất cấm thì kiểu gì cũng thành công, Bộ trưởng Phát nói.

Trong khi đó, Bộ Trưởng cũng đề xuất các địa phương phải có đường dây nóng riêng để người dân biết còn tố cáo những cơ sở vi phạm. Tuyệt đối không vì dư luận mà bao che cho các cơ sở vi phạm với bất cứ lý do gì.

Ngoài ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, các địa phương ngoài việc phải làm mạnh tay với chất cấm thì việc đơn giản hoá thủ tục cấp chứng nhận VietGap cũng phải làm mau lẹ và phải chỉ ra được những điểm bán thực phẩm an toàn.Nên phải xác định mục tiêu từ giờ tới cuối năm sẽ là 100% các địa phương có chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn để dân còn biết chỗ tới mua. .

B. Hân