Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, 6 tháng đầu 2017 EVN đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt nhân dân cũng như phát triển KT-XH với sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt 95,7 tỷ kWh. Sản lượng điện xuất khẩu khoảng 0,7 tỷ kWh.

Đảm bảo cung cấp điện đến hết năm

Theo Tập đoàn EVN, hiện tổng công suất nguồn điện trên toàn quốc là 43.010 MW trong đó các nguồn điện do EVN quản lý chiếm 61,5%. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và thứ 30 của thế giới.

EVN đánh giá việc điều hành cung ứng điện đã bám sát nhu cầu nhu cầu điện cả nước và tại các khu vực, đảm bảo huy động các loại nguồn điện phù hợp với tình hình thuỷ văn, khả năng cấp khí.

Trong 6 tháng cuối năm, EVN đảm bảo cung cấp điện với mục tiêu tăng trưởng 11,5% hoặc cao hơn. Tập đoàn cũng huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống, đặc biệt là Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và các Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 3 để chủ động tích nước phục vụ cung ứng điện mùa khô năm 2018.

EVN cũng hướng đến giảm sản lượng nhập khẩu Trung Quốc để tăng sản lượng của các nhà máy điện trong nước. Đồng thời. đảm bảo sản lượng điện xuất khẩu theo cam kết với các nước bạn, xem xét khả năng tăng sản lượng bán cho Campuchia.

{keywords}

Phấn đấu giảm gần 3.000 tỷ chi phí sản xuất

Theo EVN, với việc tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện và cập nhật các thông số đầu vào như: giá than nhập khẩu, giá dầu, khí, tỷ giá so với các thông số đã tính toán kế hoạch đầu năm, tổng chi phí sản xuất kinh doanh trong năm sẽ tăng thêm khoảng 7.230 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN, Tập đoàn sẽ điều hành quyết liệt, tối ưu vận hành hệ thống điện, triệt để tiết kiệm nhằm giảm tối đa chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh điện.

Theo đó, EVN phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống 7,47%, giảm thêm 0,13% so với kế hoạch. Việc giảm tổn thất điện năng so với kế hoạch đầu năm theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ giảm được chi phí mua điện là 363 tỷ đồng.

EVN cũng tiến hành vận hành tối ưu hệ thống điện, tăng sản lượng huy động thủy điện, giảm sản lượng huy động nguồn nhiệt điện than so với kế hoạch đầu năm và không huy động nhiệt điện dầu giúp giảm 2.170 tỷ đồng chi phí mua điện.

Ngay từ đầu năm 2017, EVN cũng đã giao các đơn vị thực hiện tiết kiệm 5% chi phí tương đương 844 tỷ đồng, yêu cầu các đơn vị thực hiện tiết kiệm lên 7,5% chi phí định mức nên tổng cộng tiết kiệm được 1.266 tỷ đồng, cao hơn 422 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm 2017. Tập đoàn đồng thời tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí hội nghị, tiếp khách, khánh tiết xăng xe, điện nước, văn phòng phẩm, kinh phí nghiên cứu khảo sát nước ngoài….

Với hàng loạt giải pháp tiết kiệm đồng bộ, EVN dự kiến giảm được 2.990 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh điện so với kế hoạch đầu năm.

D. A (tổng hợp)