Loại thịt “trong ống nghiệm” lần đầu tiên trên thế giới, hay hamburger tạo ra từ tế bào gốc của một con bò cái, sẽ được đưa vào sản xuất từ mùa thu năm nay, nhà khoa học Hà Lan Mark Post cho biết.

Mục đích của Post là tạo ra một cách hiệu quả để sản xuất tế bào cơ trong phòng thí nghiệm giống hệt thịt, thậm chí có khả năng thay thế toàn bộ nền công nghiệp thịt trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thành phần cho loại thịt này “vẫn đang ở các bước trong phòng thí nghiệm”, nhưng tới mùa thu “chúng tôi đã quyết tâm tạo ra những tế bào thịt để tạo thành nhân bánh hamburger,” Post nói.

Nhà khoa học đang công tác tại ĐH Maastricht (Hà Lan) nói rằng, dự án này được tài trợ 250.000 euro từ một nhà đầu tư ẩn danh “quan tâm tới môi trường, thực phẩm cho thế giới và hứng thú với công nghệ thay đổi cuộc sống”.

Trong khi đó, nhà khoa học Patrick Brown ở Trường Y thuộc ĐH Stanford (Mỹ) nói rằng, ông đang được một doanh nghiệp tài trợ và sẽ dành cả quãng đời còn lại của mình để phát triển các sản phẩm giống thịt nhưng có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật, vì tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm từ các tế bào động vật vẫn tạo ra chi phí môi trường cao.

Thịt trong ống nghiệm được phát triển từ tế bào gốc của bò cái. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, cả hai nhà khoa học cho biết chưa có công ty nào trong ngành công nghiệp thịt quan tâm tới ý tưởng của họ.

Quá trình sản xuất các sản phẩm thịt và sữa truyền thống cần nhiều đất, nước, rau cỏ, và thải ra nhiều rác thải hơn bất kỳ loại thực phẩm nào phục vụ con người.

Nhu cầu tiêu thụ thịt của thế giới được dự đoán sẽ tăng thêm 60% vào năm 2050.

Nhưng phần lớn đất để trồng cỏ trên trái đất đã được sử dụng. Vì thế, những người chăn nuôi gia súc gia cầm sẽ phải đáp ứng nhu cầu bùng nổ này trong tương lai, nhưng đồng thời cũng phá hủy đa dạng sinh học, thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, và nhiều loại bệnh tật sẽ sinh ra.

(Theo Đất Việt/Reuters)