Để tìm được một người giúp việc, không ít gia đình phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ gọi là “phí trung gian” cho trung tâm hoặc người môi giới. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều gia chủ mới giật mình khi biết người giúp việc đã “bắt tay” với trung tâm môi giới để “móc túi” mình.

Bắt tay móc túi khách hàng


Chị Lý Thu Loan ở phường Bưởi, quận Tây Hồ bức xúc: “Tháng trước do người giúp việc xin nghỉ về lấy chồng nên tôi đã đến một trung tâm giới thiệu việc làm ở quận Cầu Giấy nhờ tìm người mới. Trước khi đón người giúp việc từ trung tâm về, tôi phải nộp 500.000 đồng và ký hợp đồng với trung tâm, trong đó có quy định rõ khoảng thời gian người giúp việc sẽ làm tại gia đình tôi là 2 năm, thử việc 2 tháng đầu.

Mánh khóe moi tiền gia chủ của osin

Trong thời gian thử việc, nếu người lao động cảm thấy không yêu thích hoặc không phù hợp với công việc thì họ có thể xin thôi. Do đó, dù mới làm được một tháng, người giúp việc mới của tôi đã xin nghỉ việc với lý do rất chung chung “không thích nghi được với hoàn cảnh mới”.

Tôi không đồng ý nên đến trung tâm trao đổi lại thì nhận được câu trả lời: “Hợp đồng đã quy định vậy. Nếu gia đình đồng ý đổi người khác thì trả thêm 600.000 đồng tiền phí, còn nếu không thì thôi, coi như hai bên không còn ràng buộc gì”. Tôi rất bức xúc bởi sự thông đồng trắng trợn giữa người giúp việc và trung tâm môi giới để móc túi khách hàng”…

Không chỉ “móc ngoặc” với người lao động để chấm dứt hợp đồng ngay trong thời gian thử việc, một số trung tâm giới thiệu việc làm còn cử nhân viên đến các gia đình xúi giục người lao động bỏ việc để chuyển sang nhà khác làm với mức lương cao hơn.

Trong trường hợp này, nếu chủ nhà không đồng ý tăng lương, người giúp việc sẽ tự ý nghỉ việc quay trở lại trung tâm để được bố trí đi làm ở nơi mới, chủ nhà lại tiếp tục mất thêm một khoản phí nữa để tìm người giúp việc khác. Còn nếu chủ nhà đồng ý tăng lương, số tiền tăng thêm này sẽ được 2 bên chia nhau.

Bên cạnh đó, một số trung tâm còn cấu kết với người giúp việc lợi dụng sơ hở về câu chữ trong bản hợp đồng ký với khách hàng để bắt bẻ, gây sức ép với gia chủ. “Do cần người gấp nên khi ký hợp đồng thuê người giúp việc tại trung tâm tôi không xem xét kỹ. Đến khi về làm được vài tuần, người giúp việc của gia đình tôi bỗng dưng trở chứng.

Chị ta nói do trong hợp đồng chỉ ghi là người giúp việc sẽ được trả 2.500.000 đồng/tháng, bao ăn uống, làm giờ hành chính. Do vậy, chị ta chỉ làm việc từ 7h sáng đến 17h chiều, nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Nếu gia đình muốn chị ta làm thêm giờ thì phải trả thêm tiền. Dù rất bực nhưng do cần người nên tôi đành chấp nhận trả thêm 500.000 đồng/tháng.

Nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn, người giúp việc này lại nằng nặc đòi xin nghỉ với lý do “có nơi khác trả lương cao hơn”. Đến nước này tôi đành phải nói lời chia tay” - chị Nguyễn Ngọc Hà ở khu đô thị Mỹ Đình, huyện Từ Liêm kể lại…

Nên thận trọng khi ký hợp đồng


Hiện nay, dù mức lương trung bình của người giúp việc từ 2.500.000 - 3.000.000 đồng/tháng - mức được là cho là khá ổn so với thị trường lao động, nhưng không ít người vẫn đòi tăng lương và giảm giờ làm. Có người giúp việc còn tìm mọi cách phá bĩnh, bày trò khiến gia chủ không thể chịu đựng nổi, từ đó phải chấm dứt hợp đồng lao động để họ… không phải nộp tiền phạt hợp đồng.

Theo ông Vũ Đình Hưng - giám đốc một trung tâm giới thiệu việc làm thuộc quận Tây Hồ, 90% người giúp việc tại các trung tâm là người ngoại tỉnh. Trong số những người giúp việc do trung tâm giới thiệu, trung bình một ngày vẫn có 5 người bỏ việc. Không chỉ có phụ nữ mới đi làm người giúp việc mà hiện nam giới cũng làm công việc này, song chỉ chiếm khoảng 3-5%.

Theo quy định của hầu hết các trung tâm giới thiệu việc làm tại Hà Nội, trước khi nhận việc, người giúp việc phải nộp cho trung tâm từ 700.000 - 1.000.000 đồng lệ phí và 400.000 đồng tháng lương đầu vào trung tâm làm thế chấp. Chính vì khoản phí ban đầu tương đối cao và những quy định khá chặt chẽ, việc tuyển dụng người giúp việc ngày càng khó khăn.

Đây cũng là nguyên nhân khiến những người giúp việc càng có cơ hội “làm cao”. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn cho rằng đi làm giúp việc không phải là một nghề, thậm chí là thấp hèn nên chỉ coi giúp việc là công việc tạm bợ, không ổn định và thử cho biết trong khi chờ một công việc khác tốt hơn.

Điều này đã dẫn đến kiểu làm ăn được chăng hay chớ, chụp giật, thời vụ… và tìm mọi cách để có thu nhập của không ít người giúp việc. Nhiều trung tâm “ma” nắm được điều này đã dụ dỗ, câu kết với người lao động để làm khó khách hàng.

Để tránh rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”, trước khi ký hợp đồng, khách hàng cần xem xét kỹ các điều khoản, yêu cầu đơn vị môi giới đưa một số quy định vào hợp đồng như: Người giúp việc phải hoàn thành mọi công việc được giao, không đưa người lạ đến chơi trong giờ làm việc, trước khi ra về phải để chủ nhà kiểm tra hành lý, chỉ sử dụng đồ trong gia đình khi được sự cho phép của gia chủ, không được yêu cầu tăng lương khi chưa hết hạn hợp đồng…

(Theo An ninh Thủ đô)