Đón khách Trung Quốc sang du lịch tại Việt Nam với mức giá không lợi nhuận, nhưng nhiều công ty du lịch ở Móng Cái, Quảng Ninh vẫn nhận khách. Vì sao?

Những năm qua, dòng khách Trung Quốc di chuyển bằng đường bộ sang du lịch Quảng Ninh chiếm một tỷ lệ lớn. Điểm khác biệt là khách Trung Quốc sang Quảng Ninh không chỉ bằng hộ chiếu, mà có thể sử dụng sổ thông hành để du lịch trong ngày tại Móng Cái. Để đón tiếp và khai thác “nguồn khách khổng lồ” đó, du lịch Quảng Ninh đã làm những gì?

Mặc dù không phải là tháng cao điểm, nhưng mỗi ngày Móng Cái đón khoảng 500 khách Trung Quốc đi bằng giấy thông hành sang du lịch trong ngày. Ngoài nguồn khách đi bằng giấy thông hành, khách Trung Quốc sang du lịch Quảng Ninh bằng hộ chiếu cũng chiếm tỷ lệ lớn.

Trước đây đã từng có 28 thành viên CLB lữ hành Móng Cái và 17 thành viên CLB 849 đón dòng khách này. Tuy nhiên CLB lữ hành Móng Cái đã tan rã, giờ chỉ còn rất ít Cty làm dịch vụ đón khách đường bộ Trung Quốc. Không có năng lực cạnh tranh, các công ty tìm mọi cách đại hạ giá.

{keywords}

Khách Trung Quốc tại Trung tâm mua sắm Bãi Cháy

Nguồn khách Trung Quốc đi đường bộ từ Đông Hưng (Trung Quốc) sang Móng Cái - Quảng Ninh (Việt Nam) thường được các công ty lữ hành bên Trung Quốc gom khách lẻ lại. Sau đó, họ sang gặp các công ty lữ hành Việt Nam đàm phán và bán theo đầu khách. Điều quan trọng, mỗi đầu khách, các công ty Trung Quốc thường thu từ 700-800 nhân dân tệ (NDT) (tương đương 2,1-2,5 triệu đồng) cho một tour 4 ngày 3 đêm, nhưng khi sang chào các công ty lữ hành Việt Nam, họ chỉ đưa ra giá từ 200-250 NDT một đầu khách, thậm chí để ép các công ty lữ hành Việt Nam, họ còn đưa giá thấp hơn 200 NDT.

Lợi nhuận mà họ đặt ra cho các công ty lữ hành Việt Nam là mỗi tháng họ sẽ đưa khoảng từ 8.000-10.000 khách. Rõ ràng việc đón khách như vậy sẽ không có lợi nhuận, vậy các công ty lữ hành Việt Nam tại sao vẫn chấp nhận lỗ để nhận khách?

Một hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung lâu năm đưa ra lý giải, nhiều công ty lữ hành Việt Nam cũng là nạn nhân. Năng lực cạnh tranh yếu kém nên chờ bên Trung Quốc đưa khách và lâu ngày bị chiếm dụng vốn nên bị bên Trung Quốc khống chế. Vì vậy, bán giá tour thậm chí dưới giá sàn… công ty chịu lỗ để đón khách nhưng lại ép hướng dẫn viên phải chịu lỗ vốn đấy. Vì vậy làm hình ảnh du lịch Việt Nam và hướng dẫn viên trở nên méo mó. Hướng dẫn viên chỉ nhăm nhé ép khách đi cảnh điểm để lấy tiền bù vào lỗ vốn .

Càng đón khách các công ty sẽ càng lỗ, tính ra cứ đón khoảng 20 khách công ty lỗ 20 triệu, đón 30 khách lỗ 30 triệu… và các công ty lữ hành “đẩy” phần lỗ đó sang đội ngũ hướng dẫn viên phải “gánh”. Như vậy thay vì tìm những lời hay ý đẹp để hướng dẫn, đội ngũ hướng dẫn viên sẽ phải tìm mọi cách để “chăn”, “ép” khách nhằm tìm ra những nguồn lợi khác bù vào số lỗ vốn đó. Năng lực của hướng dẫn viên không được đánh giá qua công việc, mà được đánh giá qua cách họ “hoàn vốn bằng cách "chăn khách” như thế nào.

Câu hỏi đặt ra là vì sao biết các công ty lữ hành Trung Quốc thao túng giá như vậy, biết là lỗ nhưng các công ty lữ hành Việt Nam vẫn làm? Một giám đốc công ty lữ hành ngoài Móng Cái chia sẻ: "Cả thị trường chung là như vậy mạnh ai nấy làm. Tháng khó khăn này có những đơn vị chỉ thu tầm 190 NDT/khách. Nhưng họ vẫn làm vì thu tiền đầu khách ở các cửa hàng cũng được 70-80 NDT, như vậy là cũng được khoảng tầm 300 NDT, thêm tiền hoa hồng công ty thì cũng đủ giá sàn.

Giá sàn bây giờ cũng chỉ hơn 1,4 triệu đồng, đủ chi chứ không chết được…số mấy trăm nghìn từ đầu ra nữa, vì ăn chênh lệch hóa đơn. Mỗi khách ăn có 50.000 đồng nhưng ghi thành 100.000 đồng như vậy thực chi có 55.000 đồng. Chưa kể mỗi hướng dẫn viên còn được cửa hàng chia 10% tiền dẫn khách vào cửa hàng".

Những người làm lữ hành Móng Cái nói riêng và ở Quảng Ninh nói chung không ai không biết cái tên Từ Tiến (tên tiếng Trung Quốc là Xu Jun), là một hướng dẫn viên Trung Quốc. Người này đã làm thị trường khách Trung Quốc sang Việt Nam từ hơn chục năm nay, sau đó nhận thấy “tính đoàn kết” giữa các công ty lữ hành Việt Nam không chặt, nên anh ta đã tìm cách thâu tóm các công ty lữ hành này.

Ban đầu là góp vốn, hoặc nhờ các tư cách cá nhân người Việt lập ra các công ty lữ hành, sau đó người này đưa nguồn khách từ Trung Quốc sang qua các công ty lữ hành đó. Vì có sẵn các công ty lữ hành như vậy, Từ Tiến sẽ ép chào bán khách cho các lữ hành Việt Nam với mức thấp nhất. Với lý do công ty nào không đón khách sẽ có công ty khác, hướng dẫn viên nào không làm sẽ có hướng dẫn viên khác sẵn sàng làm, nên tự các công ty lữ hành Việt Nam chủ động hạ giá để chào mời, chủ động “ép lại” hướng dẫn viên để đón khách.

Nói một cách khác, các công ty lữ hành Việt Nam ở Móng Cái và Quảng Ninh đang chủ động “thua ngay trên sân nhà” chủ động “đem ao cho người ta thả cá”! Từ Tiến cũng là người đã làm “náo loạn” thị trường khách Trung Quốc tại Nha Trang khi liên kết với công ty lữ hành Khang Thái của Khánh Hòa.

Không chỉ có người Trung Quốc tìm cách thao túng thị trường lữ hành Việt Nam mà có rất nhiều người Việt Nam cũng đang “âm thầm” liên kết, tiếp tay cho các công ty lữ hành Trung Quốc, hoặc các đầu nậu du lịch Trung Quốc để làm việc này. Dân du lịch Móng Cái ai cũng biết đến cái tên TM, một người không có điều kiện làm lữ hành quốc tế nhưng lại đứng ra “mua văn”(mua lại các hạn mức đưa khách) hoặc mua cổ phần của các công ty lữ hành Việt Nam khác để kinh doanh.

Với số vốn của các công ty Trung Quốc đứng đằng sau, TM hiện đang “lấy văn” của 3 công ty là Thiên Cung, Khám phá Việt và Chính hoàng đại phát để kinh doanh.

Việc “bán văn” của các hãng lữ hành cũng diễn ra vô cùng tinh vi, phức tạp. Vì tiêu chí là chỉ có những công ty có đủ điều kiện, hoặc tham gia CLB 849 mới được đón khách Trung Quốc nên nhiều công ty hợp thức hóa việc “bán văn” của mình bằng cách thành lập ra trụ sở đại diện, hoặc văn phòng đại diện tại Móng Cái, rồi từ các văn phòng đó giao, đấu thầu lại cho người khác quản lý. Chính lỗ hổng này đã khiến cho nhiều văn phòng lữ hành ngoài Móng Cái đã xuất hiện tình trạng bị du lịch lữ hành Trung Quốc thao túng.

Như vậy hiện tượng biết lỗ mà vẫn làm của các công ty lữ hành tại Quảng Ninh hiện nay sẽ nảy sinh ra rất nhiều tiêu cực. Chính họ là nhân tố đã tiếp tay cho các công ty lữ hành Trung Quốc làm lũng loạn thị trường du lịch tại Việt Nam.

Kinh doanh bị chèn ép vì sợ các công ty Trung Quốc “xù nợ, không đưa khách”, các đơn vị lữ hành ép lại hướng dẫn viên, để mặc hướng dẫn viên làm xấu hình ảnh của mình, của du lịch Việt Nam… Hướng dẫn viên thay vì làm việc hướng dẫn thì chỉ nhăm nhe bán cảnh điểm cho khách để kiếm tiền…và điều đáng lo ngại hơn là tính đoàn kết của các đơn vị lữ hành ngày càng giảm, nhiều nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm cũng đang dần bị phía lữ hành Trung Quốc thao túng...

(Theo VOV)