Dọc những cung đường Phạm Hùng, Nguyễn Chánh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khánh Toàn… (Hà Nội) áo rét nam được bày bán tràn lan với mức giá phải chăng, thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, chất lượng lại không có gì đảm bảo.

Trên nhiều tuyến phố, áo rét nam bày bán công khai với mức giá dao động từ 180 nghìn đến 400 nghìn. Các loại áo thường là áo béo, áo da, áo nỉ, vải gió với đủ các loại màu sắc, kích cỡ và lứa tuổi. Tại đường Phạm Hùng, biển hiệu “Áo rét đại hạ giá”, “Áo rét 180k” thu hút người tiêu dùng.

Còn mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ lao động, anh Quân, 45 tuổi, quê Hải Dương cũng lựa chọn cho mình một chiếc áo rét vỉa hè. Anh chia sẻ: “Trời cũng lạnh rồi, quần áo lao động thì nhiều chứ quần áo ấm cũng chẳng có bao nhiêu. Tối tăm rét mướt, nghĩ cũng khổ. Thôi thì tôi cứ bỏ ra ngày công, mua cái áo ấm, đẹp xấu không quan trọng, quan trọng là hợp túi tiền”.

Chị Hương, chủ một sạp hàng áo rét vỉa hè tại chân cầu vượt Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội cho biết: Những người vào mua hàng phần lớn là sinh viên, người lao động, hoặc những người đi làm mà có thu nhập thấp. Chị cho biết, mỗi ngày chị bán được khoảng 20 chiếc áo, với giá bán đồng giá 200 nghìn đồng/áo, cá biệt có loại hàng “chất” thì cao hơn, giá 300 nghìn đến 400 nghìn đồng.


Tuy nhiên, theo khảo sát, hầu hết áo rét tại các sạp hàng vỉa hè này đều không có nhãn mác rõ ràng. Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ, hầu hết người bán hàng tỏ ra lung túng, có người trả lời cho qua: Hàng công ty bị lỗi em ạ, họ đưa ra ngoài bán nên mới có giá ấy, hoặc “Hàng năm ngoái tồn, năm nay xả hàng thôi”.

Anh Nhân, chủ một cừa hàng điện thoại trong ngõ 223, Xuân Thủy – Cầu Giấy vừa mua được chiếc áo rét da màu đen bóng, giá 350 nghìn trên đường Nguyễn Khánh Toàn. Anh cho biết: “Áo này chỉ mặc một mùa thôi, mùa sau lại thay áo khác. Mình ít tiền, mua áo phải chăng, năm sau hàng hóa giảm giá, lại thay. Mua áo nhiều tiền làm gì?”

Mặc một mùa là tâm lý chung của nhiều người mua hàng, và đó cũng là lý do họ lựa chọn đồ rét vỉa hè giảm giá. Họ ý thức được “tiền nào thì của ấy” nên đành chấp nhận mà không hề quan tâm đến nhãn mác, nguồn gốc hàng hóa. Nhân, sinh viên năm nhất Đại học Y chia sẻ: “Tiền nào thì của ấy, nhưng của bền thì tại người. Em sẽ cố gắng chọn cái áo ấm, chất liệu nỉ chứ không bằng da, hi vọng sẽ mặc được ít nhất 2 năm”.

Bài, ảnh: Khổng Chiêm