Biết rõ Lê Văn Tính (SN 1958, ngụ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P8, Q3) không có khả năng về tài chính nhưng Oanh cùng cấp dưới vẫn bàn bạc, thỏa thuận rồi hướng dẫn sử dụng pháp nhân của nhiều công ty, lập hồ sơ tín dụng giả để rút hơn 5.150 lượng vàng SJC và hàng chục tỷ đồng, gây thiệt hại cho Agribank BT hơn 212,78 tỷ đồng. Oanh kiếm được hàng chục tỷ đồng từ những phi vụ này.

Một chữ ký giá... 10 lượng vàng

Qua giới thiệu của một cán bộ Agribank BT, Tính làm quen “sếp” Oanh từ năm 2009. Khi đặt vấn đề vay vốn, Tính “nổ” mình là chủ doanh nghiệp lớn, đang khai thác vàng bên Campuchia và có xưởng luyện vàng ở Củ Chi…

Sau khoản vay đầu tiên 12 tỷ đồng đứng tên Công ty Kim Gia Thuận khá dễ dàng, Tính xin vay tiếp. Oanh “OK”, với điều kiện phải làm theo sự sắp đặt của Oanh. Với mục đích chiếm đoạt được tiền của Agribank BT, Tính chấp nhận ngay.

Được sự đồng ý của Oanh và thuộc cấp, ngoài Kim Gia Thuận, Tính “đẻ” thêm bốn doanh nghiệp khác, gồm Công ty TNHH Kim Gia Thảo, Công ty TNHH Quang Phương, Công ty TNHH Tầm Nhìn Mới và Công ty TNHH Thắng Lợi. Tính trực tiếp hoặc thuê, mượn nhiều người, trong đó có Phạm Bình Kim Phi (SN 1977, vợ sau Tính), Lê Thị Hòa (SN 1987, con gái Tính), Huỳnh Thị Lan Phương (SN 1986, ngụ P. Hiệp Thành, Q12), Trần Trường Vũ Sơn Quyên (SN 1982, ngụ Cần Giuộc, Long An) làm GĐ, thành viên HĐQT, kế toán…

Các công ty do Tính lập ra không hoạt động, không có vốn cũng như tài sản nhưng Tính đã thuê người làm báo cáo tài chính giả để đủ hồ sơ vay vốn.

Ngày 19-9-2009, Oanh ký HĐTD cho Công ty Kim Gia Thuận do Tính làm đại diện vay 1.600 lượng vàng SJC để bổ sung vốn kinh doanh. Như đã thỏa thuận trước, Tính ký nhận vàng trong giấy nhận nợ nhưng thực tế nhận 30,4 tỷ đồng. Tính mang số tiền này cho nhiều người vay lại để kiếm lời (!).

Về số vàng 1.600 lượng, Agribank BT giải ngân 6 lần, Oanh chỉ đạo Bùi Công Tiến mang 1.500 lượng bán lấy tiền giao cho Tính; còn 100 lượng Oanh giữ lại như phần “lại quả”. Theo thông báo của Agribank BT, giá vàng thời điểm cuối tháng 9-2009 là 22,08 triệu đồng/lượng; tính ra, Oanh hưởng trọn 2,208 tỷ đồng.

Đến hạn trả nợ nhưng Tính không có tiền, Oanh chỉ đạo Cao Bảo Hiếu làm hồ sơ cho Kim Gia Thuận vay 400 lượng vàng để đảo nợ bằng HĐTD ngày 16-9-2010 do Phạm Đình Kim Phi (đại diện Kim Gia Thuận) đứng tên.

Giám đốc vừa "móc" vừa "moi"

Ngày 29-11-2009, Oanh ký HĐTD cho Công ty Kim Gia Thảo do Tính làm đại diện vay 1500 lượng vàng. Tính ký nhận vàng nhưng thực tế chỉ nhận 28,95 tỷ đồng. Toàn bộ số vàng giải ngân cho Tính, Oanh “ôm” , sử dụng vào việc trả nợ cho bản thân, trong đó có khoản nợ 2.660 lượng SJC Oanh vay trước đó.

Thời điểm đó, 1500 lượng SJC có giá 42,375 tỷ đồng (28,25 triệu/lượng), tính ra, Oanh hưởng lợi 13,425 tỷ đồng từ phi vụ này. Cả 28,95 tỷ đồng giao cho Tính cũng do Oanh lấy ra từ Agribank BT bởi một hồ sơ vay khống. Như vậy, GĐ Oanh “ăn” đến hai đầu vừa “moi” của Tính, vừa “móc” của ngân hàng (!). Tính đến ngày 20-11-2012, Kim Gia Thảo còn dư nợ và lãi 1.681,8 lượng SJC.

Thấy quá dễ “ăn”, Tính liền dùng pháp nhân Công ty Quang Phương để vay 1.250 lượng vàng. Ngày 10-12-2009, Oanh ký liền hai HĐTD với Quang Phương do Huỳnh Thị Lan Phương làm đại diện. Như lần trước Tính không nhận vàng mà nhận 15,5 tỷ đồng (Oanh lấy ra từ Agribank BT bằng hồ sơ vay khống). Do chưa đủ, Oanh đã lấy tiền cá nhân chuyển thêm, tổng cộng là 25,279 tỷ đồng.

{keywords}

Trụ sở Agribank Bến Thành lúc Nguyễn Thị Hoàng Oanh làm giám đốc 

Theo thông báo của Agribank Bến Thành BT, 1.250 lượng vàng thời điểm 11-12-2009 hơn 34,26 tỷ đồng (27,41 triệu/lượng). Như vậy, Oanh đã “cắn” hơn 8,983 tỷ đồng. Đến hạn trả nợ, Oanh đã chỉ đạo Hiếu làm hồ sơ đảo nợ cho Quang Phương bằng HĐTD ngày 9-10-2010. Tính đến ngày 20-11-2012, Quang Phương còn nợ vốn và lãi hơn 1.400 lượng SJC.

Để có tiền trả nợ lãi và một phần nợ gốc cho Tính, Oanh đã chỉ đạo Hiếu làm nhiều hồ sơ vay tiền. Cụ thể: cho Công ty Tầm Nhìn Mới vay 8 tỷ đồng bằng HĐTD ngày 12-8-2010; cho Công ty TNHH XNK Thắng Lợi vay 20 tỷ đồng ngày 1-9-2010 (do Lê Thị Hoà ký đại diện bên vay); cho Công ty Tầm Nhìn Mới vay 800 lượng SJC ngày 20-9-2010…

Cái giá phải trả

Kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung mới nhất của Cơ quan CSĐT Bộ Công có nhiều điểm khác so với những KLĐT trước đây. Cụ thể:

Oanh là GĐ Agribank BT đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cùng thuộc cấp lập hồ sơ, chứng từ giả để rút tiền của Agribank BT sử dụng vào mục đích cá nhân.

Hành vi của Oanh đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tham ô tài sản” quy định tại điều 278 BLHS (KLĐT trước đây chưa có), tội phạm hoàn thành ngay tại thời điểm tiền, vàng được rút khỏi Agribank BT. Số tiền Oanh chiếm đoạt là những khoản được rút thực tế (không phải những khoản vay để đảo nợ), gồm 2.660 lượng vàng SJC và 44,45 tỷ đồng. Do Agribank coi đây là các khoản vay nên thiệt hại thực tế mà Oanh gây ra cho Agribank BT là hơn 21,81 tỷ đồng.

Tính thành lập nhiều công ty nhưng không hoạt động, sau đó tạo lập tài liệu giả để làm hồ sơ vay vốn, thể hiện động cơ chiếm đoạt tiền ngay từ đầu. Do không đủ điều kiện để vay được tiền, Tính đã chấp nhận điều kiện do Oanh đưa ra là vay vàng nhưng nhận tiền. Do Tính không biết số tiền chênh lệch mà Oanh được hưởng nên Tính không phạm tội “Đưa hối lộ” mà phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS (KLĐT trước đây quy kết tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tính đến ngày 20-11-2012 Tính còn nợ Agribank BT hơn 301,39 tỷ đồng, trong khi toàn bộ tài sản bảo đảm tiền vay chỉ 88,6 tỷ đồng. Như vậy thiệt hại đã gây ra hơn 212,788 tỷ đồng, Tính phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền này.

Đối với Oanh, ngoài tội “Tham ô tài sản”, đã cố ý ký duyệt cho Tính vay trái pháp luật. Hành vi của Oanh đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 BLHS. Oanh phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại hơn 212,788 tỷ đồng.

Chưa hết, Oanh được hưởng lợi hơn 24,617 tỷ đồng từ hành vi ký duyệt cho Tính vay nên đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 BLHS. Oanh còn phải chịu trách nhiệm vì đã giúp sức cho em rể Trương Thế Thanh tham ô 13 tỷ đồng (gây thiệt hại Agribank BT là 8,45 tỷ đồng).

Đồng phạm về tội “Tham ô tải sản” với Oanh có Nguyễn Quốc Việt, Cao Bảo Hiếu, Hồ Đình Thanh, Bùi Công Tiến và Huỳnh Ngọc Thạch. Đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” với Oanh có Việt, Hiếu và Tiến. Đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với Tính vai trò giúp sức có Trần Trường Vũ Sơn Quyên, Phạm Đình Kim Phi, Huỳnh Thị Lan Phương và Lê Thị Hòa.

Đối với Trương Thế Thanh, mặc dù có các hành vi phạm tội nhưng do Thanh đã chết nên ngày 30-6-2015 VKSND tối cao đã ra quyết định định đình chỉ vụ án đối với bị can Thanh. Trong vụ án này, có nhiều người liên quan nhưng xét thấy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình nên cơ quan điều tra không xử lý.

Theo CAND